(Tổ Quốc) - Khi cả triệu người dân Đà Nẵng "ở yên trong nhà", thì tại từng khu phố, ngõ hẻm, các tổ trưởng dân phố vẫn đang phải tất bật với những công việc hậu cần, từ đôn đốc mọi người xét nghiệm đến đi chợ hộ, chia quà hỗ trợ, truy tìm F1,...
Chuyện gì cũng "alo tổ trưởng"
5h45' sáng, điện thoại của bác Lê Văn Thu (SN 1966) - Tổ Trưởng Tổ dân phố 41, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, đã đổ chuông liên tục.
"Alo bác Thu tổ trưởng, nhà con hết thực phẩm rồi, nhờ bác mua giúp con 10 kg gạo, 2 kg thịt heo đùi, 1 kg cá nục, 10 quả trứng gà, 1 bó rau muống và 1 bó mồng tơi với thêm mấy quả ớt,... với ạ".
Vừa ngắt cuộc gọi này, điện thoại lại dồn dập báo có người khác gọi đến...
"Alo bác Thu hả, bé con hết sữa, bỉm rồi! Nhờ bác đi mua giúp cháu nó với, con không tự ra ngoài được".
"Dạ bác tổ trưởng ơi, cả tháng nay vợ chồng con bị thất nghiệp, giờ con muốn nhận gói quà an sinh thì phải làm sao ạ".
Bác Thu tổ trưởng đang cân rau củ hỗ trợ để chia đều cho bà con trong khu phố
Gần 1 tháng nay, bác Thu bỗng trở thành "anh nuôi", đảm bảo nhu yếu phẩm cho cả khu dân cư
Một ngày mới của bác Thu tổ trưởng cứ bắt đầu như thế! Kể từ khi Đà Nẵng siết chặt giãn cách, cả triệu người dân "ở yên trong nhà", bác Thu bỗng dưng trở thành ông... nội trợ. Một mình phải cáng đáng chuyện chợ búa, mua thuốc giúp, chuyển giùm bình gas, đổi hộ bình nước,... cho hàng trăm con người, kể cả việc phải nghe họ phàn nàn, trách mắng.
Tổ 41 nơi bác Thu làm tổ trưởng có 60 hộ dân, ngoài ra còn 16 hộ tạm trú và nhiều người thuê trọ. Do đó, nhu cầu thực phẩm của người dân nơi đây khá lớn. Mỗi ngày đều có người nhờ mua thịt, cá, rau, củ, mì tôm, thuốc thang và có cả những "mặt hàng tế nhị" nên điện thoại của bác luôn trong tình trạng nóng ran.
Cứ mỗi lần nhận tin nhắn hay điện thoại "cầu cứu", người đàn ông 55 tuổi lại lụi hụi lấy cuốn sổ ra cẩn thận ghi chép. Sau khi đã "chốt đơn", bác nhanh chóng cưỡi chiếc xe máy cà tàng đến UBND phường để đặt hàng, rồi tiện thể nhận luôn các phần rau củ, suất quà hỗ trợ về chia cho cư dân của tổ mình.
Những ngày qua, điện thoại các bác tổ trưởng dân phố luôn trong tình trạng "cháy máy"
Cả khu phố gần 100 hộ gia đình "ở trong nhà" hơn nửa tháng nay, nhưng chú Lê Văn Tam (SN 1964), Phó Ban điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tổ 41, phường Mỹ An, hằng ngày vẫn nai nịt gọn gàng, giữa trưa nắng đi phát thực phẩm cho bà con
Trưa đứng bóng, bác Thu trở về trên chiếc xe lỉnh kỉnh cơ man hàng hóa, rau củ, thịt cá,… Mặc kệ tấm lưng gầy ướt đẫm mồ hôi, khệ nệ xách tay bún, tay mì vào nhà, cùng lời dặn với cô con gái "chia đồ nhanh nhanh cho bà con nghe", rồi tích tắc, bác lại phóng đi mất hút. Hỏi ra mới biết, bác vội mua thuốc cao huyết áp giúp cụ bà hàng xóm.
Không chỉ làm "anh nuôi", bác Thu còn có nhiệm vụ giám sát việc người dân không ra khỏi nhà ngay từ khu dân cư. Do đó, bác chọn một số tình nguyện viên "mạnh khoẻ, nhiệt tình, trách nhiệm" để vừa đảm bảo trật tự, vừa lo hậu cần bất kể ngày hay đêm.
"Cứ mỗi khi nhận đơn là tôi lập tức thống kê rồi tranh thủ chạy đi thật sớm thì mới mong xí đủ hàng cho bà con. Đồ chở về bỏ đó nhờ ban điều hành và vợ con chia theo đơn rồi phát cho các hộ, còn tôi chạy đi lo tiếp việc khác. Nói chung cứ chuyện gì bà con cũng 'alo tổ trưởng ơi!'. May mắn vợ con cũng hiểu và thông cảm cho tôi. Mùa dịch dù vất vả nhưng vui nhất là thấy người dân trong khu phố vẫn bình an, không ai phải thiếu thực phẩm, sẵn sàng chia sẻ với nhau nhúm rau, miếng bí đỏ… ", bác Thu cười tươi nói.
Các tổ trưởng dân phố và ban hậu cần chia đều các phần thực phẩm được hỗ trợ cho bà con
Khi cả triệu người dân Đà Nẵng "ở yên trong nhà", các thành viên tổ dân phố ra đường vừa giữ chốt kiểm soát, vừa đi chợ giúp và giám sát F1
Để đảm bảo an toàn, các thành viên tổ dân phố tham gia phòng chống dịch đều được tiêm vắc xin mũi 1 và xét nghiệm 3 ngày 1 lần
Những khu nhà trong vùng phong tỏa an yên hơn nhờ sự tận tụy chăm lo của các cô chú tổ trưởng dân phố. Chính họ đã nối một vòng tay tương trợ cộng đồng trong những ngày đầy khó khăn này
Chia sẻ với PV, bạn Nguyễn Thị Thúy (SN 1995, quê Quảng Nam, thuê trọ ở tổ 41) cho biết, bản thân mới ra trường nên thu nhập còn bấp bênh. Khi Đà Nẵng phong tỏa, vì chưa kịp nhận lương nên Thúy chỉ đủ tiền tích trữ đồ ăn dùng 1 tuần. Khi thành phố kéo dài phong tỏa thêm 10 ngày, may mắn được bác Thu tổ trưởng quan tâm, hỗ trợ thực phẩm nên đến nay vẫn đủ lương thực để "cầm cự".
"Cứ mỗi lần nghe tiếng xe máy của bác tổ trưởng là kiểu gì cũng sắp được cho gì đó. Lúc thì túi rau, đùm củ cải, lúc thì chục gói mì, chai dầu ăn… Nhìn dáng bác Thu gầy gò, bà con trong khu phố ai cũng thương cả", Thúy bộc bạch.
Trăm dâu đổ đầu… tổ trưởng
Hơn 1 tháng nay, buổi sáng tại tổ số 7, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thường bắt đầu bằng lời nhắc gọi qua cái loa cầm tay rè rè của ông Nguyễn Văn Thạnh (60 tuổi) - Tổ Trưởng Tổ dân phố: "Alo alo, 1 - 2 - 3, alo. Hôm nay mọi người nhớ đi xét nghiệm lúc 8 giờ, còn ai có nhu cầu mua thêm thịt, rau hay mì chính, xì dầu, nước mắm chi thì nhắn vô nhóm Zalo để tôi 'chốt đơn' luôn nghe...".
Hôm nay, Đà Nẵng đã bước sang ngày thứ 18 áp dụng lệnh cấm người dân ra đường. Riêng 5 phường phía Bắc quận Sơn Trà, trong đó có phường Phước Mỹ đã phải thực hiện cách ly y tế từ ngày 31/7. Cũng kể từ đó, những vị "công chức" vô cùng đặc biệt, thường ngày vốn "ít việc" mà cũng chẳng mấy quyền lợi như ông Thạnh, nay bỗng trở thành người đầy "quyền lực". Nói quyền lực là bởi, khi Đà Nẵng "đứng im", dân không được ra đường thì cầu nối duy nhất bà con chỉ biết nhờ vả là qua tổ trưởng.
Ông Thạnh chia sẻ, mình "nhận nhiệm vụ" tổ trưởng được 10 năm nay. Bình thường công việc này cũng khá "nhàn", chủ yếu theo dõi tình hình khu phố, làm cầu nối giữa người dân với ủy ban phường và hỗ trợ họ xác nhận các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, 2 năm dịch bùng phát, guồng quay "việc làng việc xã" cứ rối tung lên. Nhất là khi cả thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", ông Thạnh và nhiều tổ trưởng dân phố khác lại chẳng được ở yên tại nhà giây phút nào.
Ông Nguyễn Văn Thạnh (60 tuổi) - Tổ Trưởng Tổ dân phố số 7 (phường Phước Mỹ) phát tiền hỗ trợ 40k/ngày cho người dân vùng cách ly y tế
Gần 20 ngày nay, ông Thạnh cùng 4 thành viên nữa của Ban điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tổ phải luôn tay, luôn chân tiếp tế thực phẩm cho 60 hộ dân. Họ kiêm 1 lúc 3 nhiệm vụ là phân phối hàng hỗ trợ từ thành phố, thức trực chốt và đi mua hàng thiết yếu giúp dân. Trong đó việc chiếm thời gian nhiều nhất và khiến ông Thạnh "toát mồ hôi" nhất là đi chợ hộ.
Theo ông Thạnh, việc đi chợ cho mấy trăm "miệng ăn" đúng nghĩa như "làm dâu trăm họ". Cái nghiệp "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" vất vả là thế, nhưng lắm lúc cũng có những chuyện phiền lòng. Bởi, có người không hài lòng gì thì góp ý, nhưng cũng có nhiều người giữa trưa, nửa đêm cũng gọi ông tổ trưởng để ca thán, mắng vốn vì chuyện trễ đơn hay chênh lệch vài lạng thịt, mua thiếu bó rau. Thế nhưng, bỏ qua tất cả lời trách móc, ngày qua ngày, ông Thạnh cùng tổ hậu cần đều tìm mọi cách làm sao để mua được thực phẩm tươi ngon nhất cho bà con hay tìm đúng loại sữa mà các cháu nhỏ cần,...
Suốt 1 tháng nay, mỗi ngày ông Thạnh đều là người dậy sớm nhất xóm và chưa hôm nào có được giấc ngủ ngon trọn vẹn. Lúc thì người ta thấy ông đeo băng bảo vệ chốt trực; lúc thì quá giờ cơm trưa vẫn tranh thủ đi phát tiền hỗ trợ 40k/ngày cho mọi người; lặn lội đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà đưa giấy mời xét nghiệm; khi lại lật đật phụ nhân viên y tế truy vết F0, F1, F2; rồi kéo xe hớt hải giữa nắng nóng nhận hàng về phát cho bà con; đêm đến lại cặm cụi chong đèn soạn đơn để chuyển cho đơn vị cung ứng,...
Ngoài đi chợ hộ, các tổ trưởng còn trực chốt để kiểm soát người ra vào. Không chỉ vậy, những ngày này, nhiều khi họ phải kiêm luôn phần việc dẫn đường xe cấp cứu và lập hàng rào cách ly
Ông Thạnh trải lòng thêm, nhiều hôm nhận rau củ hỗ trợ về khuya quá, mấy đứa con cứ khuyên mình đi nghỉ để bảo vệ sức khỏe; nhưng chưa hoàn thành công việc, lòng không yên, cả đêm đó ông lại cặm cụi cùng anh em ban hậu cần thức trắng để bốc dỡ, chia đều cho tất cả các hộ. Rồi có nhiều đơn đặt hàng "dài cả cây số", nhìn thôi cũng thấy loạn mắt; trong khi nguồn hàng đang khan hiếm nên có lúc trễ đơn hoặc thiếu thứ này thứ kia thì lại bị một số người không hiểu chuyện cứ phàn nàn, trách móc.
"Có lúc đuối quá, tôi cáu lên cũng muốn nghỉ nhưng nghĩ lại, giờ mình bỏ thì chẳng có ai nhận, rồi cũng bà con hàng xóm mình hết chứ ai. Không mua giúp nữa thì họ lấy chi dùng, nghĩ sao cũng không đành lòng, nên vẫn phải làm tiếp. Nói thật, mới hơn 2 tuần ‘ai ở yên đó’ mà lượng công việc chắc cũng bằng cả mấy tháng làm tổ trưởng cộng lại nên có nhiều lúc còn thiết sót chỉ mong bà con thông cảm.
Tôi làm cái việc này, miễn sao người dân không bị đói là vui rồi, chứ họ mà la làng thì mình cũng khổ. Bình thường thấy ông tổ trưởng họ chán lắm, không ưng gặp vì toàn là họp với thu tiền. Vậy mà giờ cứ gặp ông tổ trưởng là được có thực phẩm, có tiền nữa, thấy mình cũng được nhiều người thương nên tôi hạnh phúc lắm", ông Thạnh cười hiền chia sẻ.
Chưa thể kết thúc giãn cách trong nay mai, nhưng sự tận tụy và hết lòng vì bà con của các bác tổ trưởng giúp người dân an tâm "ở yên trong nhà"
Ông Đinh Văn Tuấn (65 tuổi), Tổ Trưởng Tổ dân phố 35, phường An Khê, quận Thanh Khê, chia sẻ, những ngày phong tỏa cứng, người dân được phát phiếu đăng ký mua nhu yếu phẩm ở các siêu thị, cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn với tần suất 3 ngày 1 lần. Các tổ dân phố đảm nhận luôn việc đi mua và giao hàng. Trong 2 tuần qua, ông Tuấn đã nhận gần 1000 đơn hàng, có hôm đi giao tận nhà đến gần 0h khuya mới xong.
"Công việc những ngày này rất vất vả, nhiều việc không tên, nhưng mình đã nhận thì phải có trách nhiệm", ông Tuấn bộc bạch.
Theo ông Tuấn, với mức phụ cấp 700.000 đồng/1 tháng cho tổ trưởng, chỉ có những người thực sự tâm huyết, lấy công việc làm vui mới nhận nên "nếu có bị chúng tôi nhắc nhở thì mong bà con thông cảm, đừng vì vậy mà nặng nhẹ".
Sự kiệnCập nhật NaN-NaN-NaN NaN:NaN:NaN12 tin bài
Hà Nam - Bình An