(Tổ Quốc) - Dù hay được gọi là “ái nữ của ông vua cúc áo triệu đô”, nhưng Tôn Nữ Xuân Quyên đã từng thú nhận có lúc chị đã bụng bầu vượt mặt đứng rao bán cơm khản giọng ngoài đường, kết quả cuối cùng vẫn là… thua lỗ.
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank gần đây với cá tính và bản lĩnh vững vàng khiến ai cũng phải nể. Nhưng để có được Tôn Nữ Xuân Quyên hiện tại thì phải nhờ đến những bài học và sự thất bại trong quá khứ chị đã trải nghiệm...
Người sinh ra ở vạch nào thì vạch đó nên được xem là số 0 với họ
Người ta gọi chị là “ái nữ của ông vua cúc áo”, CEO của BLUSaigon, hoặc đơn giản hơn là Tôn Nữ Xuân Quyên, chị thích cách gọi nào nhất?
Thế giới có hàng tỷ người mình chỉ là 1 trong hàng tỷ người đó, người ta nhớ đến mình là tốt rồi nên họ gọi mình bằng danh xưng nào mình cũng trân trọng hết. Danh xưng nào cũng mang lại niềm vui.
Đôi lúc mình còn tự giới thiệu là Tôn Nữ Xuân Quyên, cháu của Tôn Ngộ Không cơ. Thấy mọi người cười vui và có tình cảm tốt hơn với mình nên mọi câu chuyện bắt đầu đều dễ dàng hơn (cười).
Người ta nghĩ startup như chị mà không phải quá áp lực vì tiền thật sung sướng. Nhưng thực tế sinh ra ở vạch đích có “nỗi khổ” gì mà chỉ người trong cuộc mới hiểu?
Vạch đích trong xã hội được định nghĩa là tiền, có sẵn tiền có lợi thế là điều không phủ nhận. Bởi lợi thế khi có tiền, thay vì bắt đầu từ không thì doanh nghiệp đỡ khó khăn và áp lực hơn, nhưng để phát triển 1 doanh nghiệp không chỉ cần tiền mà còn cần tri thức và tinh thần.
Nội lực của bạn có mạnh hay không đều phải trải qua khó khăn mới khẳng định được và nó luôn không có đường tắt.
Giống như vắc-xin vậy, nó không sinh ra để giết chết ai mà tiêm 1 ít phóng ra tác dụng giúp cơ thể mạnh hơn. Và mọi khó khăn ai cũng phải đối mặt mới mạnh được.
Người mạnh là người phải trải qua nhiều khó khăn, mà đối mặt với khó khăn dù có tiền hay không có tiền mình phải đối mặt và vượt qua được mới có “sức đề kháng” để chống đỡ.
Và thực tế lúc mình còn nhỏ ba thất nghiệp, 30 tuổi vẫn đi làm phiên dịch. Sau này 35 tuổi ba mới khởi nghiệp công ty… Mình đã có khoảng thời gian gia đình khó khăn để nhìn ba đi lên từ 20 triệu đến lúc có nhà máy lớn. Mình nghĩ mình sinh ra vừa đủ, ba mẹ không túng thiếu nhưng cuộc sống không xa hoa, gia đình có nền tảng giản dị.
Nhiều người hay nói câu sinh ra ở vạch đích, mình rất tin là người sinh ra ở vạch nào thì vạch đó nên được xem là số 0 với họ.
Nếu cuộc đời 1 người bắt đầu từ 0 và tiến lên 2 ở cuối đời thì vẫn tốt hơn người sinh ra ở vạch 8 nhưng cuối đời vẫn dậm chân tại vạch 8.
Khi mình càng nhận được nhiều thì mình tự nhận thấy trách nhiệm cho đi càng phải cao hơn. Giống như câu chuyện người đàn bà nghèo chỉ cho 1 đồng xu nhưng lại đáng quý trọng hơn người đàn ông giàu cho đi 10 đồng trong kinh thánh.
Vì thế khởi nghiệp với mình không chỉ đơn giản là con số lợi nhuận mà còn là sự cho đi, mang lại giá trị cho xã hội.
Startup luôn là chuyện không dễ dàng, chị cũng đã từng startup thất bại? Chị có thể chia sẻ kĩ hơn về câu chuyện và kinh nghiệm hồi đó?
Mình đã từng startup thất bại nhiều lần. Nhưng được cái từ nhỏ mình đã được tu rèn ý chí. Mình có cô em gái sinh đôi nên thường bị so sánh, đứa nào đẹp hơn dù giống nhau, đứa này học giỏi hơn đứa kia...
Lớp 5 cả hai chị em cùng thi thành phố môn Toán, em gái được giải nhì, còn mình không có giải. Có lúc chọc giận mình bị em mắng là “đến giải khuyến khích cũng không có”. Bài học lớn đầu tiên mình đã học là chấp nhận thất bại và không phản ứng lại.
Lên lớp 9 mình học chuyên Toán Trần Đại Nghĩa, 10 bạn đi thi thành phố, lúc đó mình có chút thất tình và không tập trung nên 9 bạn đậu, mỗi mình không được giải dù chỉ thiếu 0.25 điểm, đó là thất bại lớn với mình lúc đó.
Buổi lễ trao thưởng mình phải đến và đối mặt với thất bại. Mình tiếp tục học cách chấp nhận nó và rèn cho mình tính không được nản, không được lùi bước.
Năm 2011 mình đi du học ở Mỹ về nước và bắt đầu làm startup. Mình kinh doanh đồ ăn là cơm kẹp. Dù sản phẩm lạ, phù hợp nhu cầu thị trường. Nhưng lại sai lầm trong quản trị bếp và nhân sự kinh doanh yếu nên chất lượng không đồng đều.
Bởi thế dù marketing tốt, ngày đầu khai trương 30-50 triệu trong khi 1 suất cơm chỉ có hơn 20 ngàn nhưng do chuẩn bị của nhà hàng không tốt nên khách bỏ đi. Sau 3-4 tháng rút còn 5 triệu/ngày. Tầm 2-3 tháng mình đã mất 1 tỷ.
Đặc biệt làm gì thì làm nhưng tốt 1 điểm đi đã, nhưng hồi đó mình làm luôn cơ sở 2, cơ sở 3. Mình sai khi không deal với chủ nhà, tuyển nhân viên không đưa ra KPI rõ ràng, nợ BHXH tăng cao…
Tất cả những lỗi này đến từ việc không có tri thức. Nên dù mình có tiền nhưng đã mất sạch sau 1 thời gian ngắn và trở thành con nợ. Năm 2014 nhận thấy khó khăn thực sự, mình bắt đầu lại từ đầu, đóng 3 điểm nhà hàng lại, gom chuẩn hóa 1 điểm.
Lúc này mình làm được bao nhiêu dành để trả nợ. Có thời điểm mất sạch tiền, chậm trễ việc trả tiền mặt bằng, đối tác không tin tưởng và còn người ta lừa mang tiền chạy mất… Nguyên nhân thực sự đều đến từ tri thức và quản trị yếu, không có quy trình rõ ràng, nhân viên bếp yếu, không có quy trình nhắc nhở nhân viên cho đúng…
Nhiều lỗi ngu đã khiến mình tiêu hết sạch số tiền vì không có tri thức. Năm 2018 mình bán lại cửa hàng giữ được 1 tỷ, lỗ 3 tỷ.
Tại BLUSAIGON, tuy kinh doanh sản phẩm khác nhưng cách quản lý, quy trình giống nhau, marketing, kí kết hợp tác với khách hàng, mình đã có kinh nghiệm nên đàm phán và quản lý tốt hơn. Với kiến thức nhiều hơn startup đầu tiên và dù có số vốn ít (tiền mặt lúc khởi đầu chỉ có vài trăm triệu tới 1 tỷ, còn lại là máy móc thiết bị) nhưng mình vẫn giúp công ty đi nhanh hơn.
Có thời điểm trong túi chỉ có vài ngàn nhưng vẫn phải tính cách trả lương nhân viên cả trăm triệu
Theo chị startup cần những gì? Chị cũng nói kinh nghiệm startup được gói gọn trong 3 từ “không biết nhục”, chị đã vượt qua nó như thế nào? Nếu không chịu nhục thì startup sẽ có những rào cản gì?
90% doanh nghiệp khởi nghiệp bằng thất bại và học từ thất bại. Khi khởi nghiệp phải xác định đối mặt với thất bại, càng thất bại nhiều sẽ càng rút ra được bài học kinh nghiệm, vì thế mình xác định tâm thế sẵn sàng thất bại và 90% sẽ là thất bại. Mình chấp nhận thất bại, chỉ có điều cố gắng hạn chế số tiền mình mất thôi. Khởi nghiệp phải có điểm sai, có lỗ.
Khởi nghiệp cũng cần phải biết tự tha thứ. Nhiều người mắc sai lầm là tha thứ cho người khác dễ hơn tha thứ cho mình và thường cầu toàn tự trách bản thân. Khởi nghiệp sẽ thất bại nhiều, nên đừng tự trách mà hãy xem là vaccine giúp ta mạnh hơn.
Khởi nghiệp cũng phải biết lạc quan. Khó khăn là chồng chất nhưng phải lạc quan. Để thành công thì có đến 99% là kiên trì, 1% là may mắn. May mắn là yếu tố lâu lâu mới có, thành công thì đến từ chăm chỉ của mình. 90% khởi nghiệp thất bại có thể đến từ sai lầm nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ giúp ta nhanh có được căn nhà trên bãi biển và nằm tận hưởng nó không phải làm gì. Khởi nghiệp thực chất là làm việc sáng tạo một cách chăm chỉ bền bỉ, không đủ thời gian nghỉ, cần mẫn hiện thực hóa giấc mơ của bản thân..
Khởi nghiệp cũng cần học hỏi. Thương trường quá khủng khiếp, nhiều thứ mình đọc được nhưng khi đưa vào áp dụng thì lại thất bại. Mình được học ở Mỹ, có bằng ưu, có học bổng... Nhiều người nghĩ rằng có bằng cấp xịn sò thì sẽ không trở nên ngu ngốc trong kinh doanh. Nhưng thực tế bằng cấp không liên quan quá nhiều đến trải nghiệm đời thực.
Như mình tự nhận thấy vẫn là kẻ ngu, tri thức vẫn chưa đủ để thành công lớn. Giờ thì mình tự tin hơn, biết lắng nghe người khác, có ý chí để không nhụt chí, có cái nghe để sửa, có cái nghe mà không ảnh hưởng đến ý chí chỉ nghe từ tai này này rồi bỏ sang tai kia.
Khởi nghiệp cũng cần không biết nhục, nghĩa là không bỏ cuộc. Giờ dù người ta có đẩy mình xuống đáy mình vẫn tin tưởng ở bản thân rằng mình có giá trị riêng. Rất nhiều thời điểm mà trong túi mình chỉ có vài ngàn, vài trăm đồng nhưng phải trả lương cả trăm triệu. Nhưng không đi vay, đi xin, đi mượn. Mình dùng nó thành áp lực đẩy mình lên. Mình không cho mình đường lui.
Ví dụ còn 1 tháng mình phải kiếm được 400 triệu để trả lương cho nhân viên. Có lúc mất ngủ, mình liền đi lục hết lại khách hàng. Mình chủ động gọi điện cho từng khách hàng để mời họ mua sản phẩm của mình. Trong cái khó ló cái khôn, mình giục nợ sớm, mời khách hàng đặt hàng sớm mà có tiền.
Vậy nên nếu mà cảm thấy nhục thì startup sẽ có rào cản, sẽ mất cơ hội cho chính bản thân mình. Thông minh thì tốt nhưng người thành công còn cần chỉ số vượt khó khó khăn không lùi bước nữa. Nếu startup mà xấu hổ sẽ dễ bỏ cuộc, không gặp khách hàng, không dám nhận lời chỉ trích của khách hàng, xấu hổ nên ngại làm những thứ cứu công ty thì sẽ công ty sẽ không tồn tại được.
Có người bảo sao đi du học nước ngoài về mà thất bại như thế, giờ đứng ngoài đường để bán cơm? Nhưng ai thấy vô lý mình cũng kệ, còn hiển nhiên mình phải làm mọi cách để cứu công ty sống đã.
Tôn Nữ Xuân Quyên
Có thời mình vác bụng bầu vượt mặt nhưng công ty thiếu nhân sự mình vẫn không ngại bưng đồ ăn thức uống cho khách hàng. Đến Tết cần trả lương mình cầm ổ bánh mì, suất cơm rao khản tiếng trước cửa. Khi bán được hết số cơm mình sẽ có tiền đủ để trả lương, trả cho mặt bằng.
Chính mình phải làm gương cho nhân viên, phải biết dẹp cái tự ái đi.
Có người bảo sao đi du học nước ngoài về mà thất bại như thế, giờ đứng ngoài đường để bán cơm? Nhưng ai thấy vô lý mình cũng kệ, còn hiển nhiên mình phải làm mọi cách để cứu công ty sống đã.
Mỗi sản phẩm phải là độc bản
Còn với BLUSaigon, cái tên này có ý nghĩa như thế nào? Cách thức để chị không an phận làm “ái nữ ông chủ triệu đô” mà xây dựng “đế chế” riêng của mình?
Blue là màu xanh biển và biển cả là nguồn sống cho cả gia đình mình vì ở đó có vỏ ngọc trai từ biển. Bản thân mình rất yêu Sài Gòn vì tính lịch sử, và cảm giác thân thương nơi này đem lại. Vì thế mới có cái tên gọi BLUSaigon.
BLUSaigon có số vốn ban đầu 4 tỷ, nhưng không giải ngân 1 lần mà giải ngân dần dần, nó là bao gồm máy móc thiết bị, nên số tiền mặt mỗi giai đoạn chỉ vài trăm triệu.
Về sản xuất đã có đội ngũ công ty gia đình hỗ trợ, có nhiều nghệ nhân tay nghề cao với 25 năm. Bên mình sẽ tự lên thiết kế, chế tạo máy, phụ trách xây dựng và test sản phẩm xem cây viết có mượt không, cảm quan có bắt mắt không, nếu có lỗi thì khắc phục như thế nào.
Mình chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất như đào tạo nhân viên cách đi đứng ăn mặc lịch sự, profile không trẻ trâu, phải chuyên nghiệp. Khi đọc tin nhắn của khách hàng phải phản hồi kịp thời.
Và muốn làm được điều đó bản thân mình phải làm gương, biết rõ điều muốn làm, liên tục hướng dẫn đào tạo nhân viên, khuyến khích nhân viên đọc sách và chung tay xây dựng hệ thống.
BLUSaigon hiện hoạt động được 3 năm, mình cùng mọi người đã cố gắng hết sức và mình không có tiếc nuối gì. Hiện tại công ty có doanh thu, đủ khả năng tự thu tự chi và nó cũng có thể hoạt động mà không cần thêm vốn. Mình tự hào về nó. Nhưng nếu có vốn thì sẽ mở rộng được quy mô lớn hơn.
Đối thủ cạnh tranh của BLUSaigon hiện tại là ai? Sau khi xuất hiện ở Shark Tank đã có cơ hội mới nào mở ra cho công ty nữa không? Kế hoạch tiếp theo của chị khi nhận vốn đầu tư vào?
Đối thủ cạnh tranh của công ty là tất cả các sản phẩm quà tặng cao cấp, bút viết cao cấp. Tuy sản phẩm có ai đó nói là cao siêu, nhưng thực tế tiềm năng cho việc này là cực tốt. Ở Việt Nam chưa có cây bút siêu cao cấp như Montblanc, sản phẩm hướng tới là quà tặng tầm nhìn quốc gia cũng là thị trường đang bị bỏ ngỏ.
Việt Nam tuy có nhiều sản vật nhưng chưa có cái gì thật sự đặc sắc để là niềm tự hào tầm cỡ quốc gia. Giống như đi Nhật Bản có cặp chống gù để mang về. Và đây là thị trường rộng mở cho BLUsaigon. Mình tin là dù mới nhưng với chiến lược đúng đắn và kiên trì sẽ đi được con đường này, đạt mục tiêu thành sản phẩm quốc gia hàng đầu của Việt Nam.
Đặc biệt với sản phẩm bút ngọc trai tính cá nhân hóa cao vì mỗi vỏ trai là độc bản với những vân sóng, màu sắc khác nhau, đáp ứng được chất liệu đẹp, tốt cho môi trường. Sản phẩm vừa có giá trị sử dụng trong đời sống, vừa là sản phẩm thời trang đẹp đẽ. Mình cũng sẽ làm thêm dịch vụ khắc tên lên bút, gắn logo lên bút, đầu tư thiết kế để ra phom bút đặc biệt, để mỗi sản phẩm là độc bản, đẳng cấp và duy nhất.
Startup là chính mình phải làm gương cho nhân viên, phải biết dẹp cái tự ái đi.
Tôn Nữ Xuân Quyên
Sau chương trình Shark Tank, bên mình có nhận được nhiều lời mời làm đại lý trong nước và quốc tế như Campuchia, mỹ, Châu Á, Pháp, Đức, Ý… Có 1 số nhãn hàng lớn muốn hợp tác để tạo sản phẩm riêng cho họ. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Khi nhận thêm vốn mình sẽ đào tạo nâng cao quản trị năng lực cho chính bản thân, đào tạo đội ngũ bên dưới để mở rộng thị trường và đào tạo hệ thống khác.
Về lâu dài mình sẽ xây một công ty có trải nghiệm khách hàng tốt nhất ở Việt Nam. Giống như ở Mỹ có 1 công ty bán giày có tên Zappos với điển hình trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng và ai cũng muốn mua sản phẩm của họ.
Giống như dịch vụ của thương hiệu Hermes, với sản phẩm túi Birkin khách hàng nhận được 1 trải nghiệm mua hàng tuyệt diệu khi mua sản phẩm độc bản của riêng họ. Mình cũng mơ như vậy và sẽ biến giấc mơ này thành hiện thực.
ĐX