(Tổ Quốc) - Thứ gạo "chân ái" mà chúng ta đang nói đến chính là gạo lứt. Loại gạo được chứng minh giúp giảm cân và ngừa bệnh hiệu quả.
Với người Châu Á, gạo trắng là một trong những thực phẩm chính, tuy nhiên gạo trắng lại được đánh giá là chứa lượng tinh bột, lượng đường lớn, ăn nhiều có thể gây tăng cân. Vì thế nhiều chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên chuyển sang tiêu thụ các loại thực phẩm thay thế lành mạnh hơn như gạo lứt, yến mạch, hạt quinoa. Trong số các thực phẩm lành mạnh mà chuyên gia gợi ý, thì gạo lứt phổ biến và bổ ích hơn cả.
Gạo lứt được mệnh danh như "ông hoàng của thế giới gạo" và là một loại ngũ cốc cao cấp có thành phần dinh dưỡng không thua kém bất kỳ thực phẩm nào. Thời cổ đại, người Trung Quốc đã biết đến gạo lứt đen, tôn chúng như một loại thuốc quý báu để cải thiện thận, dạ dày và gan, chỉ tầng lớp quý tộc mới được phép sử dụng. Ngày nay, gạo lứt đã trở nên phổ biến khắp thế giới, được nhiều chị em sử dụng để hỗ trợ giảm cân.
Biết được những công dụng tuyệt vời của gạo lứt, nhiều Sao Việt cũng thường xuyên thêm chúng vào chế độ ăn. Là một người kỹ tính trong ăn uống nhưng Angela Phương Trinh cũng lựa chọn gạo lứt trong khẩu phần ăn của mình. Cô cho biết gạo lứt giúp đảm bảo năng lượng và không sợ tăng cân. Khi ăn cơm gạo lứt, cô ăn chậm, nhai kỹ giúp việc tiêu hoá được tốt hơn
Cũng như Angela Phương Trinh, Chi Pu cũng gia nhập "team gạo lứt" để giảm cân, giữ dáng.
Theo bác sĩ CKII Dương Thị Kim Loan (Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BV Thống nhất, TPHCM), gạo trắng và gạo lứt tương đương nhau về mức năng lượng. Tuy nhiên, gạo lứt chứa nhiều axit amin tốt cho cơ thể như tryptophan, glyxin, valin... giúp ngủ ngon hơn. Đồng thời, gạo lứt cũng có nhiều axit béo tốt hơn gạo trắng, có nhiều chất xơ tạo cảm giác no lâu. Đáng nói là những chất xơ hòa tan có trong gạo lứt giúp ổn định đường huyết, điều hòa hấp thu đường, điều chỉnh nhu động ruột tốt hơn gạo trắng. Đó chính là lý do vì sao gạo lứt lại được dùng nhiều để giảm cân đến vậy.
Tuy nhiên, ăn gạo lứt không chỉ dừng lại ở hiệu quả giảm cân, mà loại gạo này đem lại nhiều công dụng quý báu khác.
1. Tốt cho tim mạch, ngừa ung thư
Gạo lứt đen có đặc tính chống oxy hóa cao - anthocyanin, dồi dào hơn bất kỳ loại ngũ cốc nào khác. Anthocyanin có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, hạn chế sự di chuyển của các gốc tự do có thể gây ra nhiều loại bệnh như tiểu đường và thậm chí là ung thư. Nó cũng có thể giúp cải thiện chức năng não và giảm viêm.
Không giống như gạo trắng, vì gạo lứt không trải qua bất kỳ quá trình tinh chế hay chế biến nào nên nó có thể giữ lại chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Gạo lứt cũng chứa chất chống oxy hóa quan trọng - Vitamin E, rất hữu ích trong việc duy trì sức khỏe của mắt, da và hệ miễn dịch.
2. Tốt cho gan
Năm 2012, tạp chí Nutrition & Metabolism đã công bố 1 nghiên cứu về tác dụng của gạo lứt đen lên bệnh gan nhiễm. Các nhà nghiên cứu chia những con chuột bị bệnh gan nhiễm mỡ thành 3 nhóm: Ăn theo chế độ béo bình thường, chế độ nhiều béo và chế độ nhiều béo bổ sung chiết xuất gạo lứt đen.
7 tuần sau, họ nhận thấy những con chuột ăn chế độ gạo lứt đã cải thiện được mức độ máu trong mỡ, giảm đáng kể lượng trilyceride chất béo từ dầu thực vật và mỡ động vật) và cholesterol hơn những nhóm còn lại. Từ đây, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định rằng gạo lứt đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.
3. Điều hòa nhu động ruột
Hàm lượng chất xơ dồi dào của gạo lứt giúp điều hòa nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy và chướng bụng. Chất xơ giúp liên kết các chất độc và chất thải trong đường tiêu hóa, và thải tất cả ra bên ngoài khi hoàn thành chu trình tiêu hóa. Chất xơ cũng mang lại cho cơ thể bạn cảm giác no sau khi tiêu thụ, giảm nhu cầu ăn vặt do đó giúp giảm cân hiệu quả.
4. Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Để tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì, các chuyên gia khuyên bạn nên tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt thay vì chỉ sử dụng carbohydrate tinh chế.
Toàn bộ lớp cám là nơi chứa tất cả chất xơ trong gạo đen. Chất xơ có thể giúp glucose (đường) từ ngũ cốc được cơ thể hấp thụ trong thời gian dài hơn (vì chất xơ mất nhiều thời gian nhất để tiêu hóa), do đó duy trì lượng đường ổn định.
Đậu Đậu