(Tổ Quốc) - Nhiều người cho rằng, đựng đồ ăn thức uống trong túi ni lông rồi bảo quản trong tủ lạnh là yên tâm không bị nhiễm khuẩn. Điều này có đúng không?
Túi ni lông có thể nói là một trong những vật dụng nhẹ nhất nhưng cũng tiện lợi nhất trong cuộc sống. Sử dụng túi ni lông giúp bạn đựng đủ mọi thứ trên đời, trong đó tất nhiên không thể loại trừ đồ ăn thức uống. Đi chợ, mua hàng, rau củ quả, thịt cá... tất nhiên sẽ được đựng trong túi ni lông. Ai cũng có thói quen này, từ người bán hàng đến người mua hàng.
Mua rau, thịt, cá..., người bán hàng bỏ vào túi ni lông cho bạn xách về nhà, rất sạch sẽ, vệ sinh. Thế rồi đem về nhà, nhiều mẹ nội trợ chưa chế biến ngay, nhanh tay xếp luôn vào chiếc tủ lạnh đa năng của gia đình. Thế là yên tâm cho tất cả công đoạn bảo quản. Bọc lót ni lông thì khỏi phải lo mùi thực phẩm lấn át vào nhau, nguy cơ chúng "làm loạn" cái tủ lạnh nhà bạn là không thể.
Để trong tủ lạnh, tùy mục đích ăn ngay hay mấy ngày nữa mới dùng đến, bạn chỉ cần đặt đúng ngăn là tủ lạnh sẽ bảo quản thực phẩm, miếng thịt sẽ luôn tươi ngon, không sợ vi khuẩn, hóa chất độc hại xâm nhập... Đó là suy nghĩ của hầu hết những bà nội trợ Việt. Tuy nhiên, thói quen đựng thịt vào túi ni lông rồi dự trữ trong tủ lạnh có thực sự là thói quen tốt?
Nguy cơ mắc bệnh khi đựng thịt trong túi ni lông rồi cho vào tủ lạnh bảo quản
Nghiên cứu của đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, đựng thực phẩm trong túi ni lông hay túi nhựa nói chung đều có thể gây ra những nguy hiểm về sức khỏe. Xét về thành phần hóa chất tạo nên chiếc túi ni lông, các nhà nghiên cứu thấy có BPA và DEHP. Trong đó, BPA có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) cho thấy, BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đựng thịt trong túi ni lông rồi nhét vào tủ lạnh có ưu điểm là không làm bay mùi, ám mùi vào tủ lạnh, đồ ăn thức uống cùng các loại thực phẩm sống trong tủ lạnh không bị ám mùi vào nhau.
Tuy nhiên, nhược điểm mà "chiếc màng bọc thịt" này đem lại thì quả khôn lường. "Sử dụng túi ni lông gói, bọc thực phẩm nói chung chứ không riêng gì thịt sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể. Nghiêm cấm đựng thịt trong túi ni lông để tủ lạnh trong thời gian dài. Vì khi ấy, chất nhựa có khả năng tan ra cao hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm chứa nước, muối mặn, axit, chất béo như thịt đã chín, được tẩm ướp...", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, túi ni lông mua ngoài chợ, đặc biệt những loại có màu xanh, đỏ… thực chất là loại túi không được dùng để đựng thịt hay đặt vào tủ lạnh: "Đây là dạng túi làm từ nhựa tái chế, có chất độc, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không thể tránh. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, mỡ đựng trong những loại túi này rồi cho vào tủ lạnh thì nguy cơ càng cao hơn. Chất nhựa làm loại túi này là chất nhựa tái sinh có nhiều chất độc hại bao gồm nhựa tái chế và chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trộn thêm vào để tái chế".
Thực ra, nếu sử dụng đúng cách các loại đồ nhựa nói chung sẽ rất tốt, đảm bảo sự tiện lợi, tiện dụng cho bạn.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, nhất là trong vấn đề bảo quản thực phẩm như thịt sống hay thịt chín, chúng ta không nên lạm dụng túi ni lông. Nếu bắt buộc phải đựng thịt trong đó thì không nên dùng quá 2 lần (lấy ra dùng rồi cho lại vào tủ lạnh). Nên nhất định cần dùng thì nên dùng túi ni lông làm từ nhựa trong suốt nhưng phải đảm bảo là túi mới nguyên hoặc dùng màng bọc thực phẩm. Không đựng thực phẩm dạng ướt, chứa dầu mỡ vào túi ni lông. Khi mua thịt về nhà nên bỏ ra ngay, rửa sạch rồi cho vào hộp nhựa trong suốt, hộp thủy tinh... sẽ tốt hơn.
TH