(Tổ Quốc) - Sinh năm 1940 đến nay đã hơn 80 tuổi nhưng bác sĩ Trần Thục Trưởng chỉ như một người ngoài 50 tuổi, bà vẫn giữ được vẻ minh mẫn và làn da hồng hào hiếm thấy.
Giáo sư Trần Thục Trưởng sinh năm 1940 là Chủ nhiệm khoa Trung y Bệnh viện Đông Phương, kiêm giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ trường Đại học Trung Y Bắc Kinh – Trung Quốc. Bà được biết đến là một bác sĩ Trung y nổi tiếng Trung Quốc với rất nhiều chức vụ quan trọng như thành viên Ban Chuyên gia Thanh tra Y học Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban phẫu thuật mạch máu kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Phục hồi chức năng thuộc Hiệp hội Y học Trung Quốc… Bà được hưởng phụ cấp đặc biệt của Viện Quốc Vụ Trung Quốc. Giáo sư Trần rất nổi tiếng trong việc điều trị các bệnh về mạch máu và các bệnh ngoại khoa khó chữa tại nước này.
Giáo sư Trần là nữ chuyên gia đầu tiên ở Trung Quốc nghiên cứu về bệnh mạch máu ngoại vi. Lịch trình của bà thường kín mít: Mỗi tuần bà thường có 5 ngày rưỡi khám bệnh ở phòng khám, hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Thứ 6, thứ 7 và chủ nhật bà tham gia các hoạt động xã hội, diễn thuyết và các hội nghị. Nếu còn thời gian bà thường tham gia vào các chương trình truyền hình chủ đề chăm sóc sức khoẻ.
Chuyên môn giỏi, nhưng Giáo sư Trần còn gây ấn tượng bởi làn da mịn màng không tì vết, hồng hào và vô cùng ít nếp nhăn với mái tóc dày óng ả, thân hình cân đối, thoạt nhìn bà chỉ như một phụ nữ ngoài 50 tuổi. Thế nhưng sự thật là năm nay giáo sư Trần đã 80 tuổi. Ở thời điểm này bà vẫn có trí nhớ vô cùng minh mẫn và chưa hề muốn nghỉ hưu.
Giáo sư Trần cho rằng, có 5 tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe của mỗi người đó chính là: ăn uống điều độ, ngủ ngon, bài tiết dễ dàng, phản ứng tư duy nhanh, vận động không tốn sức.
"Tôi đã đạt được cả 5 tiêu chuẩn này, điều này có được nhờ tôi chọn Trung y và hiểu về trung y dưỡng sinh", vị Giáo sư cười nói. Giáo sư Trần cũng chia sẻ thêm rằng, trong 5 tiêu chuẩn này thì chế độ ăn uống quan trọng nhất. Và dưới đây chính là chế độ ăn uống, sinh hoạt được vị Giáo sư nổi tiếng khắp Trung Quốc kiên trì thực hiện suốt mấy chục năm qua.
1. Bữa sáng: Bổ sung tam thất
Ăn sáng đúng giờ và ăn đủ lượng là nguyên tắc đầu tiên trong bữa sáng của bà. Bà thường ăn sáng với yến mạch, nho khô, phô mai, bánh mì... Sau đó pha 1 thìa nhỏ khoảng 1-3g bột tam thất hòa với sữa uống.
Bà cho biết, bột tam thất có tính bình, có tác dụng bồi bổ khí huyết, thông kinh mạch, có lợi cho não và tim mạch. Uống vào buổi sáng giúp hỗ trợ máu lên não, cả ngày sẽ không cảm thấy mệt mỏi.
Kiên trì thói quen này một thời gian dài sẽ giúp toàn thân được cung cấp đầy đủ khí huyết, các mạch máu lưu thông tốt, các cơ quan trong cơ thể được chăm sóc và nuôi dưỡng làm tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật.
2. Bữa trưa: Ăn đồ ăn giàu protein và ăn nhiều rau
Do công việc bận rộn, thường xuyên căng thẳng nên giáo sư Trần thường lựa chọn món "cơm ăn liền", đó là cắt thịt thành các khối vuông nhỏ, thêm một chút nước tương, rượu gạo, hành lá băm nhỏ và gừng băm vào ướp sau đó cho vào nồi cơm điện om cùng gạo. Thêm quả cà chua hoặc dưa chuột nấu canh trứng là có thể đảm bảo dinh dưỡng cho cả bữa ăn.
3. Bữa tối: Ăn 3 quả táo đỏ trước khi ăn tối, cả đời không lo bị già
Người Trung Quốc thường truyền tai nhau rằng "mỗi ngày ăn 3 quả táo đỏ, cả đời không lo già". Đó chính là nhờ tác dụng lớn lao của táo đỏ đối với mạch máu, khi các mạch máu khỏe thì da dẻ hồng hào, nếp nhăn ít, hạn chế được các vết sạm nám trên da, đương nhiên có thể đẩy lùi lão hoá. Giáo sư Trần đã bắt đầu yêu thích loại quả này, và tính đến nay bà đã duy trì thói quen ăn táo đỏ được 50 năm.
Mỗi ngày trước khi ăn tối, giáo sư Trần thay vì 3 thường ăn 6 quả táo đỏ và 1 quả óc chó để giúp lưu thông máu, dưỡng ẩm cho da và tóc. Để không bị ngán khi ăn, bà thường xuyên thay đổi những cách ăn khác nhau. Chẳng hạn như thêm chút mật ong hoặc đường nâu hay đường phèn vào táo đỏ và nấu chín. Cách ăn này có thể giúp hấp thụ dinh dưỡng, có lợi cho hoạt động bài tiết và trao đổi chất, giúp dạ dày hoạt động trơn tru và có tác dụng giữ cơ thể không bị tăng cân.
4. Giữ ấm bàn chân
Bên cạnh nguyên tắc ăn uống, Giáo sư Trần còn chú ý giữ ấm cho bàn chân. "Bàn chân xa tim nhất, lượng máu từ tim cung cấp đến bàn chân rất ít, lớp mỡ dưới bề mặt bàn chân mỏng, khả năng giữ nhiệt tương đối kém, rất dễ nhiễm lạnh gây đau dạ dày, đau bụng, đau thắt lưng... Do đó nên nhất định phải giữ ấm cho bàn chân", Giáo sư Trần lý giải.
5. Tuân thủ quy luật ăn, uống, ngủ, nghỉ
Theo giáo sư Trần, để duy trì tâm trạng tốt, con người nhất định bảo giữ bình tĩnh, gặp bất cứ chuyện gì cũng không nên tức giận. Nên thư giãn, bao dung với bản thân và cả người khác, suy nghĩ tích cực. Ăn, uống, ngủ, nghỉ đều phải tuân theo quy luật. Bởi việc duy trì các quy luật cơ bản của cuộc sống, hình thành các thói quen sống lành mạnh cực kỳ hữu ích cho sắc đẹp và tuổi thọ của mỗi người, cụ thể như sau:
- Ăn đủ lượng
Giáo sư Trần khuyên rằng, nên cắt giảm lượng thức ăn theo độ tuổi một cách thích hợp, cụ thể: nhóm người dưới 40 tuổi nên ăn no đến 90%, người từ 40-60 tuổi nên ăn no đến 80% và nhóm người từ 70-80 tuổi trở lên chỉ cần ăn no đến 70% là đủ.
- Uống đủ nước
Lượng thức ăn hằng ngày đều chứa một lượng nước nhất định, do đó mỗi ngày chúng ta nên bổ sung thêm 1,5 lít nước là có thể đảm bảo nhu cầu cơ thể.
Có rất nhiều người thích uống trà, điều này hoàn toàn không gây trở ngại cho sức khoẻ. Nhưng vị giáo sư này khuyến cáo không nên uống trà đặc.
- Đại tiện
Nên xây dựng thói quen đại tiện thường xuyên mỗi ngày 1 lần hoặc 2 ngày 1 lần. Để đảm bảo điều này, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây...
- Ngủ
Duy trì thời gian ngủ mỗi ngày từ 6-7 tiếng, không nên ngủ quá nhiều bởi không phải ngủ nhiều là tốt cho sức khoẻ. Nếu ngủ quá nhiều sẽ dễ nằm mơ, gặp ác mộng khiến đầu óc thiếu tỉnh táo, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Tuy nhiên cần đảm bảo rằng, thời gian ngủ 6-7 tiếng này cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, ngủ sâu hoàn toàn.
- Vận động
Mỗi ngày đi bộ 1,5km có thể tiêu hao 80-100 calo. Khi vận động, nhịp tim sẽ nhanh hơn bình thường 20 lần, việc toát mồ hôi nhẹ cũng giúp tinh thần thoải mái dễ chịu hơn.
Theo Aboluowang, Baikebaidu
Phượng Nguyễn