(Tổ Quốc) - Trong căn phòng ngột ngạt, tiếng máy móc kéo dài từng đợt. Dù áo thấm đẫm mồ hôi nhưng chẳng ai bảo ai, cả ekip nhìn nhau và tự hiểu phải tìm mọi cách để sản phụ nhiễm COVID-19 tỉnh lại, gặp mặt đứa con vừa sinh.
Một ngày giữa tháng 8/2021, căn phòng hồi sức tại khu cách ly, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thật ngột ngạt, tiếng máy móc vẫn kéo dài từng đợt.
Đó là bởi có một sản phụ nhiễm COVID-19 nhập viện 2 ngày trước lâm vào cơn nguy kịch sau khi vừa lâm bồn.
Sản phụ chưa một lần được nhìn mặt con, chịu đựng cơn đau về thể xác lẫn tinh thần, giờ đây tính mạng lại lâm nguy khi tình trạng khó thở ngày càng tăng dần.
Đứa bé vừa chào đời đã rời vòng tay mẹ. Còn người mẹ toàn thân với bao máy móc, dịch truyền, thuốc đặc trị cao cấp nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Áo ướt đẫm mồ hôi nhưng chẳng ai bảo ai, cả ê-kíp gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng dù chưa trải qua kinh nghiệm chăm sóc các ca nhiễm COVID-19, đặc biệt lại nặng như thế này nhưng nhìn nhau và tự hiểu rằng sẽ cùng nỗ lực từng phút, từng giờ.
Họ quyết tâm sẽ tìm mọi cách để cứu được sản phụ.
Sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, X-quang phổi tổn thương lan toả 2 bên.
Đến khoảng 18 giờ 12/8/2021, bệnh nhân diễn tiến nặng, tình trạng khó thở tăng dần, nói ngắt quãng. Thách thức này đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, sự chỉ đạo kịp thời từ Ban Giám đốc và phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa.
"Ban Giám đốc đã tiến hành hội chẩn xin cố vấn chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và nhiều chuyên khoa như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, huy động lực lượng sẵn sàng hồi sức cấp cứu" - BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ.
Sau khi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, ekip điều trị thống nhất đưa ra quyết định: Hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh…
Các y bác sĩ và điều dưỡng đã cùng nhau chăm sóc vết mổ, theo dõi sản dịch, chế độ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân ngay tại giường.
Bệnh nhân mới sinh mổ, thông khí nằm sấp, trên người chằng chịt các thiết bị theo dõi, dịch truyền làm cho việc chăm sóc bệnh nhân cực kỳ khó khăn.
Nhưng trời không phụ lòng người, sau nhiều cố gắng thì thành quả cũng đến.
Bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục từng ngày, oxy trong máu tăng lên nhanh chóng, tổn thương phổi được cải thiện.
Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao và đang từng bước hồi phục từng chỉ số.
Sau 8 ngày, sản phụ có thể gọi điện và nhìn thấy mặt con mình lần đầu tiên.
Đó chỉ là một trong các ca bệnh thành công để lại rất nhiều cảm xúc cho đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ.
Bất kể ngày đêm, nguy hiểm bủa vây, các nhân viên y tế vẫn dốc lòng, dốc sức với từng hơi thở của bệnh nhân.
Kể từ khi trở thành nơi điều trị COVID-19, trung bình Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận 52 ca/ngày.
Đến ngày 4/8, Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ bắt đầu nhận bệnh, khi đó mới giảm tải được số lượng F0 không triệu chứng chuyển đến.
Tổng số bệnh nhân nhập viện từ ngày 1/8 đến ngày 18/8 ở nơi đây là 601 bệnh nhân.
Đã có 193 bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cho xuất viện.
Hoàng Lê