(Tổ Quốc) - Khó tìm thấy điểm gì để ghét con lợn, chắc chắn là như vậy.
Chung chung về con lợn
Lợn nhà nói chung vốn là lợn rừng được thuần hóa qua nhiều nghìn năm. Hồi xưa người ta nuôi lợn để lấy thịt, ngày nay còn được nuôi như thú cưng.
Theo các tài liệu lịch sử, lợn và người đã chung sống yên ổn từ 13.000 năm trước. Tuy nhiên, một số giống lợn đã đào tẩu về với tự nhiên rồi trở thành dịch hại, ví dụ như lợn rừng New Zealand.
Còn ở Việt Nam, lợn (heo) cũng là loài vật thân thuộc lâu đời, thậm chí ăn sâu vào văn hóa dân gian ngang hàng với trâu bò: Biểu tượng cho sự sung túc; nhà có lợn béo tức là có của ăn của để...
Tuy nhiên, lợn là yếu tố văn hóa đa niệm (cả xấu lẫn tốt) của người Việt chứ không phải lúc nào cũng mang nghĩa tích cực.
Cụ thể, từ thời các cụ thì lợn bị coi là biểu tượng trần tục, dốt nát và thường xuyên được nhắc tên trong giai thoại trào phúng. Ngoài ra, lợn còn bị mang ra làm đại diện cho phần con (bên cạnh phần người), sống bản năng, thích hưởng lạc nhưng không được thông minh cho lắm.
Bên cạnh đó, những người Việt ngoa ngoắt hay làm tổn thương nhau bằng câu chửi như: Ng* như lợn, đồ con lợn, béo như lợn...
Chung quy lại thì con gì chẳng có cái hay cái dở, dưới đây là cả đống lý do khiến lợn trở thành loài vật siêu hay tuyệt vời:
Từ 2 - 3 tuần tuổi đã tự nhớ được tên của mình
Theo Science Daily, lợn được huấn luyện bài bản có thể học làm trò nhanh hơn cả chó, từ 2 - 3 tuần tuổi đã biết phản ứng khi được gọi tên. Quá xịn!
Xếp thứ 4 trong danh sách các loài vật thông minh nhất
Lợn được cho là một trong những loài động vật thông minh nhất, chỉ xếp sau tinh tinh, cá heo và voi.
Lợn thích mát-xa, biết hưởng thụ âm nhạc
Theo Science Alert, lợn là một trong những loài vật thích được mát-xa, chà lưng thư giãn trong khi nghe nhạc nhẹ.
Con người chỉ thấy lợn "ụt-ịt", nào ngờ vốn "từ vựng" của chúng có tới 20 loại tiếng kêu
Lợn không chỉ "ụt ụt" khi chúng đói, mà đó còn là cách giao tiếp hiệu quả. Tiếng kêu của lợn thay đổi tùy theo cảm xúc, tính cách của mỗi cá thể.
Bảo lợn hôi hám là điều quá sai lầm
Bản thân bọn lợn không có tuyến mồ hôi, cho nên không có chuyện lợn bị cháy cánh giống con người. Về cơ bản môi trường nuôi nhốt lợn khiến ta lầm tưởng chúng là loài vật bẩn thỉu hôi hám nhưng không phải.
Trên thực tế, lợn hoang dã ăn ở rất vệ sinh và thường chọn chỗ đi nặng cách xa nơi ở hay nguồn nước.
Lợn là loài đa sầu đa cảm, dễ vui buồn, biết đau đớn vì tình
Nếu con người có nhân cách thì bọn lợn cũng có "trư" cách!
Lợn cũng trải qua cảm xúc tích cực và tiêu cực, nhận thức được hạnh phúc hay khổ đau mất mát. Trên thực tế, lợn là loài động vật rất nhạy cảm và có thể nhanh chóng trở nên buồn chán, lo lắng nếu bị ngược đãi, nhốt lâu ngày trong không gian chật hẹp.
Lợn về cơ bản là loài vật hiền lành, chỉ nổi điên khi bị đe dọa. Nó hiếu kỳ, sâu sắc, nhiệt tình và thích được giải trí vui vẻ giống như con bạn thân ai cũng có.
Lợn dễ chơi thân với nhiều đứa khác
Chính xác, tính xã hội của lợn rất cao.
Chúng hình thành mối liên kết chặt chẽ với con người và nhiều loài vật khác: Lợn thích thể hiện tình cảm bằng cách quệt mũi, liếm láp, lúc lạnh có thể ôm nhiều anh em khác đi ngủ cho ấm.
Có câu "như chó với mèo" chứ chẳng ai bảo "như chó với lợn" cả.
Ăn thịt lợn không bị phê bình như ăn thịt chó
Bỏ qua vấn đề đạo đức thì thịt lợn là loại thịt đỏ được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia, tôn giáo cấm tiệt việc ăn thịt lợn.
Tìm kiếm nhanh cụm từ "công thức chế biến thịt lợn" (pork recipe), ta có ngay 259 triệu kết quả!
Thịt lợn về cơ bản giàu protein, vitamin và khoáng chất. Thịt lợn nạc (lean) là thành phần tuyệt vời cho chế độ ăn uống lành mạnh.
Hơn nữa, bạn có thể ăn thịt lợn thoải mái mà không lo bị chỉ trích như ăn thịt chó. Thật tuyệt vời phải không?
(Tổng hợp)
LAN HƯƠNG