(Tổ Quốc) - Nắm được 3 yếu tố ảnh hưởng tới tương lai của trẻ, cha mẹ có thể can thiệp ngay khi con mình còn nhỏ, từ đó hình thành nên thói quen tốt cho chúng.
Có không ít cha mẹ khi thấy con nhà người ta giỏi giang, thông minh liền tỏ ra buồn chán, than phiền về con mình. Nhưng cha mẹ có biết, khi một đứa trẻ mới sinh ra, phần lớn IQ của chúng đều tương đương nhau, nhưng khi lớn lên lại dần dần có một sự chênh lệch không? Thực ra, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tương lai của trẻ thay vì chỉ là IQ bẩm sinh.
Các giáo sư ở ĐH Harvard phát hiện ra rằng, trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, chỉ có 15% là giáo dục từ trường học, còn lại ảnh hưởng từ giáo dục gia đình, nhất là các phương pháp dạy con cái của cha mẹ. Điều này có nghĩa là, nếu cha mẹ là một tấm gương tốt, con cái sẽ học được rất nhiều điều bổ ích.
Năm 1946 là thời điểm chiến tranh thế giới thứ 2 vừa kết thúc, để khôi phục lại đất nước, Vương quốc Anh bắt đầu coi trọng giáo dục trẻ em. Họ tin rằng, chính trẻ em mới là niềm hy vọng cho tương lai của đất nước.
Để hiểu rõ hơn về sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của một đứa trẻ, các chuyên gia đã tiến hành một cuộc khảo sát kéo dài từ năm 1946 đến năm 2016 trên 70.000 đứa trẻ. Trong suốt 70 năm này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện những phương pháp điều tra khác nhau và thu thập dữ liệu mỗi năm một lần để đảm bảo tính chính xác nhất.
Trong khảo sát này, người ta quan tâm từ việc thời điểm người mẹ thụ thai, cho tới thói quen ăn uống, các chất dinh dưỡng cần bổ sung cho thai nhi như thế nào…, tất cả mọi thứ đều được ghi lại cụ thể. Khi đứa trẻ được sinh ra, chúng sẽ tiếp tục quan sát cho tới khi trưởng thành.
Sau cùng, các nhà nghiên cứu sẽ tổng hợp dữ liệu lại, họ nhận ra những đứa trẻ có thành công trong tương lai đều không liên quan tới IQ mà có chung 3 đặc điểm này.
1. Điều kiện gia đình
Khi một đứa trẻ ra đời, người đầu tiên chúng tiếp xúc là cha mẹ mình. Mỗi đứa trẻ đều có số phận khác nhau, bé sinh ra trong gia đình giàu có, bé lớn lên trong cảnh nghèo khổ, dù xuất thân khác nhau nhưng đều lớn lên như nhau.
Tuy nhiên, một đứa trẻ được cha mẹ tạo điều kiện lớn lên trong môi trường đề cao sự giáo dục thường có triển vọng về tương lai hơn. Trên thực tế, hầu hết những thói quen và tính cách của một đứa trẻ đều bắt chước cha mẹ trong thời thơ ấu. Vậy nên, trong quá trình này, điều cha mẹ cần làm chính là trở thành tấm gương cho con mình noi theo.
Trong cuộc sống, có không ít những trường hợp dù đứa trẻ sinh ra trong điều kiện nhà nghèo, khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của bản thân đã đậu đại học, đạt được thành tích cao. Ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi đứa trẻ, cha mẹ cũng cần chú trọng đến phương pháp giáo dục khoa học đối với con mình.
2. Thói quen đọc sách
Tri thức có thể thay đổi vận mệnh của một con người, đó là chân lý muôn thuở từ bao đời nay. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những đứa trẻ thích đọc sách ngay từ nhỏ thường có học lực và tính cách rất tốt, dù lớn lên trong môi trường như thế nào cũng đều dễ thành công hơn.
Khi đọc sách, trẻ sẽ bị tác động bởi những thứ có trong sách, từ đó hình thành thói quen sống tích cực, đồng thời gián tiếp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung và sự hiểu biết. Những đứa trẻ như vậy có một nền tảng tri thức tốt, thành tích sẽ không bao giờ kém được.
Vì vậy nếu muốn con cái mình có tương lai hơn, cha mẹ nên trau dồi thói quen cho trẻ đọc sách ngay từ nhỏ. Trong quá trình này, cha mẹ đừng ép trẻ đọc mà hướng dẫn một cách từ từ để chúng có niềm say mê vào việc đọc sách. Chỉ khi một đứa trẻ thực sự quan tâm tới đọc sách thì chúng mới hình thành được thói quen học tập tốt.
3. Sự tập trung
So với việc trau dồi chỉ số IQ, sự tập trung là một yếu tố rất quan trọng đối với trẻ em. Bởi vì sự tập trung là nền tảng của việc học và nhiều thứ khác. Nếu trẻ không thể tập trung vào việc học, dù IQ có cao đến mấy mà không được rèn giũa mỗi ngày cũng dần mai mòn đi.
Khi một đứa trẻ thích học, chúng sẽ chủ động tập trung nghe giáo viên giảng bài, hết giờ học cũng tự giác làm bài tập về nhà mà không cần ai nhắc nhở. Dần dần điểm số của chúng sẽ được cải thiện đáng kể.
Ngược lại, những đứa trẻ kém tập trung, thường ở trong trạng thái mơ màng nhìn xung quanh, khó tiếp thu kiến thức vào đầu.
Phần lớn khi một đứa trẻ học kém, cha mẹ sẽ chọn cách cho con mình đi học thêm. Tuy nhiên, dù giáo viên có dạy giỏi đến mấy, bản thân đứa trẻ không tập trung vào việc học thì việc học thêm sẽ chỉ lãng phí tiền bạc của cha mẹ. Vậy nên, cách tốt nhất là nên trau dồi khả năng tập trung của trẻ khi chúng còn nhỏ.
Nguồn: 163
PHAN HIỀN