(Tổ Quốc) - Giai đoạn khủng hoảng này của trẻ thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau.
Bước vào thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ thường có nhiều sự thay đổi trong tâm tính, trở nên ương bướng khó bảo khiến nhiều bố mẹ vô cùng mệt mỏi.
Vậy khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
Khủng hoảng tâm lý là một khái niệm thường gặp trong Tâm lý học. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu trong "Lý thuyết về sự phát triển Tâm lý xã hội" của nhà Tâm lý học người Đức Erik Erikson.
Theo Erikson, cuộc đời mỗi người trải qua 8 giai đoạn riêng biệt: Sơ sinh đến 1 tuổi rưỡi; Thời thơ ấu; Tuổi vui chơi; Tuổi đến trường; Tuổi mới lớn; Thanh niên; Trung niên và Cao niên. Mỗi giai đoạn sẽ có khủng hoảng tâm lý đặc trưng riêng và "Khủng hoảng tuổi lên 3" thuộc giai đoạn 2 là Thời thơ ấu.
Trẻ lên 3 sẽ trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý. Ở độ tuổi này, trẻ đã nhận thức được mình là một cá nhân độc lập và cố gắng khẳng định sự tự chủ trong mọi hành động.
Trẻ biết được mình có nhiều khả năng, kỹ năng và mong muốn được tôn trọng, được làm nhiều thứ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, trẻ vẫn bị kiểm soát quá mức ở người lớn nên dẫn đến những phản ứng tiêu cực.
Khủng hoảng tuổi lên 3 kéo dài trong bao lâu?
Giai đoạn khủng hoảng này của trẻ thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau. Vì mỗi trẻ có thể chất, tình cảm, sự phát triển khác nhau.
Trái ngược với thời kỳ ổn định, giai đoạn khủng hoảng này thường không kéo dài, thậm chí có thể chỉ xảy ra trong một vài tháng.
7 dấu hiệu trẻ đang trong giai đoạn "Khủng hoảng tuổi lên 3"
Trong cuốn sách "Về nhân cách trẻ 3 tuổi", nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky đã chỉ ra 7 dấu hiệu khủng hoảng của trẻ trong giai đoạn này như sau:
Phản ứng tiêu cực: Thông thường trẻ sẽ nghe lời và làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của bố mẹ. Nhưng ở giai đoạn này, trẻ không nghe lời và có phản ứng chống đối vô cùng mạnh mẽ, tiêu cực.
Bướng bỉnh: Trẻ khẳng định về một vấn đề gì đó liên quan đến thế giới quan của mình và nhất định không đồng ý với cách giải thích khác, thậm chí chống đối lại sự hướng dẫn, quy tắc, lối sống của người lớn.
Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thỏa mãn, đòi hỏi của bản thân. Nhiều khi trẻ đòi làm cho bằng được, không phải vì thật sự thích mà là muốn bố mẹ phải chịu thua mình.
Ích kỷ: Trẻ tỏ ra ích kỷ và chuyên quyền với mọi thứ xung quanh, muốn tất cả phải thuộc về mình và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai.
Ăn vạ: Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ phản kháng bằng cách khóc lóc, mè nheo, thậm chí đập phá đồ đạc, tự làm mình bị thương để đạt được mục đích. Đây là sự phản kháng mang tính chất ngang ngạnh và cố chấp nhất.
Tự tiện và tò mò: Đây được coi là biểu hiện muốn thoát khỏi sự quản lý của người lớn. Trẻ tự mình quyết định làm gì đó mà không cần sự đồng ý của bố mẹ.
Chẳng hạn như tự cắt tóc, tự chọn quần áo mặc, lấy son vẽ lên tường,…
Vô lễ với người lớn: Khi không vừa lòng với điều gì đó, trẻ bắt đầu nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn. Một số trẻ thậm chí còn cấu véo, cắn, giơ tay đánh bố mẹ.
Thanh Hương