(Tổ Quốc) - Chúng là những món đồ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong căn bếp nhưng mọi người vẫn “hồn nhiên” sử dụng mà không hay biết gì.
1. Dụng cụ nấu ăn bằng nhôm
Rất có thể bạn đang sở hữu một chiếc nồi hoặc chảo nhôm trong bếp. Chúng có giá thành không đắt, hiệu quả dẫn nhiệt tốt.
Tuy nhiên một số thực phẩm có tính axit như nước sốt cà chua sẽ làm cho nhôm ngấm vào đồ ăn. Nhôm được Cơ quan đăng ký dịch bệnh và chất độc Hoa Kỳ coi là chất độc ưu tiên hàng đầu cần phải loại bỏ.
Lời khuyên: Nếu bạn không đủ cẩn thận để phân chia dụng cụ nào thích hợp cho nấu món ăn nào thì hãy loại bỏ ngay dụng cụ bằng nhôm để đảm bảo an toàn.
2. Nồi đồng
Nồi đồng thậm chí còn được một số đầu bếp coi là dụng cụ nấu ăn “vàng”. Nồi đồng có vẻ ngoài nổi bật, tô điểm thêm cho nhà bếp và khơi gợi hứng thú nấu ăn. Nó cũng có khả năng dẫn nhiệt tốt, duy trì nhiệt độ ổn định.
Tuy nhiên bạn cần hết sức lưu ý rằng thức ăn có tính axit sẽ làm tan lớp bề mặt của nồi đồng và khiến cho đồng ngấm vào thực phẩm. Khi hàm lượng đồng xâm nhập vào cơ thể vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra những nguy hiểm đối với sức khỏe.
Lời khuyên: Loại bỏ ngay lập tức, thay thế bằng dụng cụ nấu nướng chất liệu khác để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp vô ý nấu thức ăn có tính axit trong nồi đồng.
3. Dụng cụ nấu ăn bằng nhựa
Muỗng nhựa dùng trên chảo nóng sẽ bị tan chảy. Các hóa chất và khí độc hại dễ dàng ngấm vào thức ăn. Để tránh điều đó, bạn hãy dùng muỗng, thìa bằng gỗ hoặc chất liệu thép không gỉ.
Lời khuyên: Loại bỏ dạng công cụ nấu ăn này ngay lập tức, đừng chần chừ thêm.
4. Hộp nhựa có BPA
BPA (bisphenol A) là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong sản xuất nhựa, nhất là các hộp đựng thực phẩm và chai nước. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện, BPA có thể được phát hiện ở 93% trong số 2.517 mẫu nước tiểu của những người từ 6 tuổi trở lên. Nghiên cứu trên động vật cho thấy BPA có ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.
Lời khuyên: Bạn hãy kiểm tra đáy của các hộp đựng bằng nhựa đang sử dụng để biết chắc chắn là nó an toàn, nếu chẳng may có chứa BPA, hãy loại bỏ ngay tức khắc.
5. Thép không gỉ bị xước
Nồi hoặc chảo bằng thép không gỉ là dụng cụ nấu ăn lý tưởng. Bạn ít phải bảo trì, nó rất bền và cũng dễ nấu nướng. Tuy nhiên khi bị trầy xước, các khoáng chất như sắt, crôm, niken lại dễ dàng ngấm vào thực phẩm. Nếu bị tích tụ trong cơ thể, những kim loại này sẽ gây nguy hiểm đối với con người.
Lời khuyên: Bỏ đi ngay các công cụ nấu ăn bằng thép không gỉ khi chúng đã xuất hiện vết xước, đừng tiết kiệm tận dụng thêm mà rước hại cho sức khỏe.
6. Chảo chống dính Teflon
Teflon còn gọi là Politetra Floetylen (PTFE) được xem là chất chống dính “cổ” nhất. Bản thân lớp phủ chống dính Teflon không nguy hiểm. Nhưng nếu dùng một chiếc chảo chống dính trong thời gian dài hoặc chảo bị cháy, làm chảy lớp phủ này thì rất nguy hiểm. Nó có thể giải phóng ra khí độc, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư.
Lời khuyên: Loại bỏ ngay khi chảo chống dính Teflon của bạn bị xước, có dấu hiệu hư hại bề mặt chống dính. Bạn có thể cân nhắc sử dụng chảo gang hoặc lựa chọn chảo có lớp chống dính an toàn hơn khi sử dụng ở nhiệt độ cao.
Theo: Themeal
An Du