(Tổ Quốc) - Các công nghệ hỗ trợ lái xe ô tô an toàn giúp các chị em dễ dàng điều khiển xe thuận tiện và an toàn hơn.
Công nghệ hỗ trợ lái xe ô tô là hệ thống điện tử, bao gồm hệ thống camera giám sát, các loại cảm biến, tính năng xử lý thông tin cảm biến, phát hiện và theo dõi người đi bộ cùng các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường, phân tích hành vi tài xế...
Dưới đây là các hệ thống hỗ trợ lái xe ô tô an toàn, đặc biệt có ích với tất cả mọi người:
1. Hệ thống cảnh báo điểm mù
Điểm mù là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất mà tài xế không thể quan sát được thông qua gương chiếu hậu hay nhìn trực tiếp từ vị trí ghế lái. Tầm quan sát của người lái bị hạn chế, khiến việc quay rẽ hoặc chuyển làn trở nên nguy hiểm.
Hệ thống cảnh báo điểm mù được trang bị trên một số dòng xe với chức năng phát hiện các vật thể hoặc xe khác nằm trong khu vực điểm mù, sau đó truyền tín hiệu lên gương chiếu hậu và đèn để cảnh báo người lái. Ngoài ra, có một số trường hợp, hệ thống giám sát điểm mù còn đưa ra báo động bằng âm thanh để người lái dễ dàng nhận biết thông tin, giúp giảm nguy cơ xảy ra va chạm giữa các phương tiện.
2. Cảnh báo chệch làn đường/Hỗ trợ giữ làn
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường có chức năng cảnh báo khi xe đi chệch làn đường hoặc đột ngột chuyển làn.
Hệ thống này hoạt động thông qua các cảm biến, camera gắn ở đầu xe, hệ thống sẽ phát hiện tình trạng xe đi sai làn đường. Khi đó, hệ thống sẽ đưa ra cảnh bảo cho tài xế bằng hình ảnh hiển thị trên bản đồng hồ trung tâm, âm thanh, hoặc tạo rung nhẹ vô lăng.
3. Hệ thống cảnh báo mất tập trung
Được thiết kế chủ yếu để phát hiện mức độ tập trung của người lái, hệ thống cảnh báo mất tập trung đưa ra những cảnh báo bằng âm thanh phù hợp, giúp các bạn lấy lại sự tỉnh táo để đảm bảo tiếp tục hành trình lái xe an toàn trong những chặng đường tiếp theo.
Để làm được điều này, các hệ thống cảnh báo mất tập trung hoạt động chủ yếu dựa trên việc thu thập thông tin như thời gian lái xe, quãng đường di chuyển và hiệu suất lái để đưa ra cảnh báo nghỉ ngơi khi cần thiết. Thông thường, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo sau từ 2 đến 4 tiếng lái xe liên tục.
4. Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control)
Có tác dụng duy trì sự ổn định của chân ga, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng giúp người lái thoải mái hơn khi điều khiển xe, đồng thời giúp giảm mức nhiên liệu tiêu thụ của xe.
Tuy vậy, hiện nay, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng thường được tích hợp với hệ thống cảnh báo va chạm, sử dụng chung các cảm biến của hệ thống này để tự giảm tốc độ xe cũng như cảnh báo người lái về khả năng va chạm với xe phía trước.
5. Hệ thống camera giám sát
Hệ thống camera giám sát góp phần làm giảm tần suất và mức độ rủi ro khi xe lưu thông trên đường.
Tính năng đặc biệt của loại hệ thống này chính là tính năng phân tích quãng đường và hành vi của người lái xe trong thời gian thực, đưa ra cảnh báo va chạm phía trước, nhận dạng biển báo giao thông và phát hiện lái xe mất tập trung.
6. Cảnh báo va chạm
Cảnh báo va chạm là công nghệ được trang bị phổ biến trên các dòng xe ô tô. Vai trò chính của nó là làm giảm thiểu tối đa va chạm khi xe lưu thông trên các tuyến đường đông đúc cũng như khi lùi hoặc dừng đỗ xe.
Một số dòng xe sang còn được sử dụng kết hợp radar, camera để phát hiện khoảng cách có thể xảy ra va chạm.
Ban đầu hệ thống cảnh báo va chạm sử dụng sóng hồng ngoại để nhận biết môi trường xung quanh, tuy nhiên ngày nay sóng hồng ngooại đã được thay thế bằng sóng radio cho phép phát hiện các chướng ngại vật ở xa hơn.
Nhiệm vụ của hệ thống cảnh báo va chạm là quan sát phía trước đầu xe liên tục nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra va chạm và phát ra cảnh báo cho tài xế. Trong tình huống khẩn cấp, hệ thống này sẽ can thiệp để xử lý nhằm ngăn chặn và giảm tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra.
Lam Anh (TH)