(Tổ Quốc) - Dưới đây là những điều bạn cần nghiên cứu và thực hiện sau khi đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Hãy ghi nhớ là bạn chỉ nên thực sự đặt bút ký khi đã hiểu rõ quyền và trách nhiệm của cả hai bên.
1. Đọc kỹ hợp đồng và cân nhắc trong 21 ngày
Thời gian cân nhắc được định nghĩa là khoảng thời gian tính từ lúc bên mua bảo hiểm nhận được hợp đồng bảo hiểm tới 21 ngày sau đó, đây được coi là khoảng thời gian dùng thử sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Trong thời gian cân nhắc khách hàng được bảo vệ giống như hợp đồng chính thức, chỉ khác là khách hàng có toàn quyền:
- Thay đổi, bổ sung quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm.
- Tăng/giảm mệnh giá hợp đồng bảo hiểm.
- Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trong suốt thời gian dùng thử này, nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng có thể trả lại sản phẩm và nhận lại số tiền đã tham gia (sau khi trừ đi các chi phí kiểm tra y tế, phát sinh nếu có).
Một số tư vấn viên đã "giấu nhẹm" quyền này mà không chia sẻ cho khách hàng biết, vì sợ khách hàng sẽ không dùng dịch vụ nữa. Đây là 1 lỗi nghiêm trọng và bị công ty xử phạt rất nặng.
Bạn cần lưu ý hiện tại mỗi công ty bảo hiểm có cách tính khác nhau về quyền 21 ngày. Do đó bạn cần tìm hiểu rõ chính sách của từng bên, kẻo bị quá mất thời hạn xem xét thì sẽ không thay đổi được nữa.
Sau khi bạn đã quả quyết không thay đổi gì thì đây là những việc bạn cần ghi nhớ:
2. Đóng phí định kỳ đủ và đúng hạn
Đây là vấn đề không mới nhưng bạn cũng cần luôn ghi nhớ để có kế hoạch tài chính hợp lý. Không riêng bảo hiểm nhân thọ, mà bạn còn hàng chục, hàng trăm thứ phải trả khác.
Bạn được phép gia hạn đóng phí lên đến 60 ngày (tức 2 tháng). Dù bạn có đóng trễ ngày những miễn là không quá 2 tháng kẻ từ ngày đến hạn đóng thì mọi thứ cũng không có vấn đề gì.
Thời gian định kỳ đóng phí là do bạn chọn vào mỗi năm:
- Đóng phí năm: Đầu năm đóng một lần là xong.
- Đóng phí nửa năm: Đầu năm một lần, giữa năm một lần nữa.
- Đóng phí quý: Đóng 4 lần vào đầu mỗi quý trong năm.
Mỗi năm, bạn chọn định kỳ đóng phí và theo hết năm đó. Nếu bạn muốn thay đổi định kỳ đóng phí, thì sang năm tiếp theo mới thay đổi được.
3. Thông báo khi có thay đổi ảnh hưởng đến hợp đồng
Nếu có bất kỳ thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến hợp đồng, bạn cần thông báo ngay cho công ty để kịp thời điều chỉnh:
- Tình trạng sức khỏe
- Nghề nghiệp
- Nơi sinh sống, hay đi nước ngoài dài hạn (trên 6 tháng)
- Người thụ hưởng
- Thông tin cá nhân, thông tin liên hệ …
Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều quyền lợi của bạn nên đừng quên thông báo!
4. Yêu cầu chi trả quyền lợi khi có sự kiện bảo hiểm
Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, bạn cần thông báo ngay cho Công ty bảo hiểm hay tư vấn viên của mình. Họ sẽ giúp bạn làm hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm.
Và có nhiều trường hợp, quyền lợi bảo hiểm được xác nhận và chi trả cực kỳ nhanh chóng.
Nếu trường hợp nào không rõ, bạn cứ hỏi đại lý phục vụ mình thoải mái. Yêu cầu của bạn sẽ được đệ trình lên Công ty bảo hiểm và có phản hồi ngay.
5. Có kế hoạch rút tiền hoặc đóng thêm
Bạn cần biết về các thời điểm mình được phép rút tiền trong hợp đồng để có kế hoạch hợp lý.
Ngoài ra, theo từng năm hợp đồng của bạn sẽ tăng giá trị tài khoản lên theo số tiền bạn đóng vào. Đây được gọi là giá trị hoàn lại (GTHL).
Bạn được phép rút ra tối đa 80% GTHL để sử dụng vào việc riêng. Sau đó có thì mình là trả vào Quỹ bảo hiểm để nó sinh lời tiếp.
Riêng về sản phẩm bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị: Bạn được phép rút tiền hay đầu tư thêm cực kỳ linh hoạt. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng tiền, hay mức tăng giảm của Quỹ đầu tư mà bạn có những kế hoạch của riêng mình.
6. Các lợi ích khác của hợp đồng bảo hiểm
Ngoài những lợi ích đã nêu ở trên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn giúp bạn được nhiều thứ khác như: Chuyển nhượng hợp đồng, quyền thừa kế hợp đồng, được phép khôi phục sau khi bị mất hiệu lực tạm thời, vay tiền cho mục tiêu ngắn hạn,…
Hơn nữa, bạn cũng cần lưu ý một số điều nếu như có suy nghĩ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì trước hết hãy tìm hiểu kỹ để nhận được quyền lợi cao nhất cho bạn.
TN