(Tổ Quốc) - Một ngôi nhà mới giúp bạn thoả mãn khát khao có được tài sản cho riêng mình, được vùng vẫy sống một cuộc đời tự do. Nhưng sở hữu một căn nhà riêng vào thời điểm tài chính chưa thực sự dư dả cũng dễ khiến các cặp vợ chồng trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi liên miên vì áp lực trả nợ.
Những căn nhà đẹp như mơ về cả lối kiến trúc lẫn vị trí nhanh chóng hấp dẫn người mua, đó cũng là một trong những lý do chính khiến nhiều người mất kiểm soát và thiếu đi sự tỉnh táo trong tính toán khi cân nhắc các khoản vay nợ để mua được căn nhà đó. Cũng bởi thế, từ cảm giác hạnh phúc khi có được mọi thứ trong tay trong chớp mắt đến nỗi trăn trở, sự căng thẳng tột độ đeo đuổi hằng ngày cũng diễn ra chỉ trong thoáng chốc.
Dẫu vậy, hãy bình tĩnh, bài viết này sẽ chỉ ra một số cách hiệu quả, dễ áp dụng để các bạn có thể thoát khỏi cảnh "con nợ" trong nhiều năm sắp tới!
1. Lưu ý đến lãi suất ngân hàng
Hiện nay, các công ty môi giới bất động sản đều có liên kết với ngân hàng để đưa ra mức lãi suất ưu đãi cực tốt khiến các cặp vợ chồng trẻ dễ dàng mắc bẫy. Chỉ cần 1 cú click, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt ngân hàng cho vay mua nhà hỗ trợ với mức lãi suất chỉ dưới 6%/ năm, chưa kể, bạn có thể vay đến nửa tỷ đồng - thậm chí là 80 đến 100% giá trị căn nhà. Nhưng hãy cân nhắc với những rủi ro phải đối mặt trong nhiều năm tiếp theo.
Hãy nhớ, hầu hết mức lãi suất "hấp dẫn" chỉ hỗ trợ trong vòng từ 6 đến 12 tháng và tăng trên 10% trong những năm tiếp theo. Nguy hiểm hơn là mức lãi suất phụ thuộc vào tình hình lạm phát của nền kinh tế và luôn diễn biến thất thường.
Điều này khiến người mua nhà lâm vào cảnh "cầm dao đằng lưỡi" khi mà khả năng đàm phán lãi suất gần như không có.
Một ví dụ cụ thể được đưa ra như sau:
- Khi bạn phải vay tới 700 triệu để mua nhà, ngay sau khi thời hạn ưu đãi lãi suất kết thúc, người vay phải trả riêng tiền lãi là 7 triệu đồng/tháng (1%/tháng). Đây là con số không lớn đối với các gia đình, nhưng với thời gian vay kéo dài từ 10 đến 15 năm thì số tiền bạn phải trả (gốc và lãi) lại là một khoản tiền không hề nhỏ và điều này càng trở nên khó khăn hơn nếu tình hình tài chính của gia đình bạn bị biến động vì một lý do nào đó.
Vì vậy, hãy cẩn trọng và cân nhắc trước khi quyết định mua nhà. Theo đó, việc bạn cần làm là tham khảo ý kiến người thân, bạn bè và cách an toàn nhất hãy cố gắng tiết kiệm ngay từ bây giờ để đảm bảo số tiền vay nợ mua nhà là thấp nhất.
2. Luôn đặt mục tiêu tất toán nợ trước hạn
Gánh nặng trả nợ sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, nhưng cũng mang lại cho bạn nhiều động lực làm việc.
Phần lớn những người phải vay nợ để mua nhà đều thừa nhận điều này. Và chia sẻ rằng, họ sẵn sàng làm việc nhiều hơn gấp 3 – 4 lần bình thường trong giai đoạn nợ nần.
3. Đừng vội sắm sửa quá nhiều nội thất
Trang hoàng lại không gian ngôi nhà là điều ai cũng muốn. Nhưng đừng vội vung tay chi tiền ra cho bất cứ những gì mình thích. Hãy luôn ý thức về khoản nợ để chấm dứt suy nghĩ này.
Các bạn có thể cân nhắc việc lựa chọn đồ nội thất rẻ tiền hơn hoặc tìm đến những làng nghề đồ gỗ thay cho việc ra showroom đắt đỏ.
Vẫn là một lời khuyên đã cũ nhưng không bao giờ là thừa: Đừng vội sắm sửa quá đà, nên mua những thứ thực sự cần thiết trước. Bạn có thể săn hàng giảm giá vào các dịp cuối năm hoặc mua lại những món đồ thanh lý còn tốt của những gia đình khác.
4. Tìm cách gia tăng thu nhập
Gia tăng thu nhập là phương án khôn ngoan để đối phó với lãi suất tăng lên theo thời gian của ngân hàng. Trong khoảng thời gian trả nợ, các bạn sẽ phải chăm chỉ và nỗ lực hơn rất nhiều. Nhưng may mắn, thời đại 4.0 cũng giúp mọi người có thể có được nhiều cách để nguồn thu nhập tăng nhanh hơn.
Một số người chọn cách bán hàng trên nền tảng các trang thương mại điện tử sẵn có hay qua facebook, hoặc tìm các công việc mang tính chuyên môn như viết bài thuê hay nhận hóa đơn, chứng từ về làm thêm cho các công ty.
Các công việc này cũng đem đến cho bạn một khoản thu kha khá, giúp giảm bớt áp lực.
5. Mua nhà rồi cho thuê lại
Đây là cách được nhiều gia đình trẻ áp dụng. Nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng khi nhiều người ý thức được sự khó khăn trong khả năng trả nợ của mình thì cách này sẽ giúp gia đình bạn giảm bớt gánh nặng trả nợ ngân hàng.
Đây là một bài toán khả thi khi bạn còn có thể ở nhờ nhà bố mẹ, hay cho thuê một vào phòng trống trong nhà hoặc tìm thuê một chỗ khác với mức giá mềm hơn.
Tuy nhiên, việc cho thuê lại còn phụ thuộc vào mức giá thị trường và vị trí ngôi nhà hay căn hộ của bạn. Cần tính toán thật kỹ càng về giá trị khi cho thuê. Đồng thời cũng lường trước đến hậu quả vì cho người khác thuê sẽ không tránh khỏi việc đồ đạc hỏng hóc hay người thuê không có ý thức bảo vệ tài sản ngôi nhà.
6. Chia sẻ cho bạn bè hoặc người thân biết về tình hình tài chính
Áp lực trả nợ cũng như gánh nặng chi tiêu gia đình có thể khiến bạn phải từ bỏ nhiều cuộc vui với bạn bè hay đồng nghiệp. Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người mà vẫn đặt mục tiêu tiết kiệm trả nợ vay, bạn nên nói cho mọi người biết về tình hình tài chính hiện tại của bản thân.
Nhiều người sẽ cảm thấy ngại ngùng về việc này. Và cũng có thể, đây không phải là cách tốt nhất nhưng ít nhất, nó sẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, giúp bạn hạn chế tối đa các khoản chi không cần thiết mà không phải e ngại với bạn bè. Ngoài ra, cũng có thể bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ và động viên từ phía bạn bè.
Lam Anh