(Tổ Quốc) - Vụ tai nạn đã làm thay đổi cuộc đời Jessica McClure nhưng cô vẫn có được kết thúc viên mãn trong khi ân nhân trực tiếp cứu mạng cô năm nào lại mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý đến nỗi phải tự kết liễu đời mình.
Ngày 14/10/1987 ngày định mệnh của bé gái Jessica McClure. Thời điểm đó, Jessica chỉ mới 18 tháng tuổi và đang chơi trong vườn nhà của dì ở Midland, Texas, Mỹ, thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Đúng vào giây phút mẹ Jessica nhận điện thoại thì đứa trẻ ngày té ngã xuống một cái giếng sâu hơn 6,7m.
Ngay sau đó, cảnh sát, lực lượng cấp cứu và cứu hỏa có mặt tại nhà của dì Jessica. Tại đây, cơ quan chức năng nhận ra tình hình giải cứu vô cùng khó khăn. Kế hoạch của họ là khoan một chiếc lỗ song song với cái giếng trước khi tiếp cận từ một góc vuông 90 độ.
Tuy nhiên, nhân viên cứu hộ nhận ra rằng thiết bị của họ không đủ lực để khoan xuyên qua lớp đá bên cạnh cái giếng. Lúc này, họ mới nghĩ ra phương pháp mới là cắt bằng tia nước, sử dụng một tia nước có áp suất rất cao để cắt qua đá, kim loại và đá granit.
Thời điểm đó, thứ duy nhất giúp lực lượng cứu hộ biết được Jessica vẫn còn sống là tiếng hát của đứa trẻ. Khi Jessica không khóc, em sẽ hát ca khúc "Winnie the Pooh" trong khi lực lượng cứu hộ cật lực làm việc. Quá trình này được trực tiếp trên sóng truyền hình giúp Jessica nhanh chóng trở thành một "hiện tượng" mạng xã hội.
Hàng trăm khoản tiền đóng góp gửi về từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đài truyền hình địa phương nhận được rất nhiều cuộc gọi từ khán giả chia sẻ về trải nghiệm tương tự của chính bản thân họ. Mọi hy vọng đều đổ dồn về Jessica, ai cũng mong đứa trẻ trở về bình an vô sự.
Sau khi đã tạo ra một không gian đủ để tiếp cận Jessica, nhân viên cứu hộ Robert O'Donnell là người duy nhất leo xuống giếng. Người đàn ông này đã đưa đứa trẻ lên thành công và bức ảnh anh bế Jessica lấm lem bùn đất trên tay, sau này giành được giải Pulitzer danh giá, gây xúc động mạnh.
Công cuộc giải cứu bé Jessica cuối cùng cũng kết thúc sau 58 giờ. Sau đó, bé Jessica cùng với gia đình nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người dân nước Mỹ. Họ được mời tham gia chương trình Live with Regis and Kathie Lee, đồng thời một bộ phim lấy cảm hứng từ vụ việc được thực hiện với sự góp mặt của diễn viên Patty Duke và Beau Bridges. Gia đình bé Jessica còn được gặp cựu Tổng thống George H.W. Bush cùng với số tiền gây quỹ 1 triệu USD (hơn 23,1 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Về mặt tiêu cực, Jessica dù được cứu sống nhưng một ngón chân của em bị hoại tử và đứa trẻ phải trải qua ca phẫu thuật tái tạo bàn chân đau đớn sau hơn 2 ngày mắc kẹt dưới giếng. Ngoài ra, vụ tai nạn ấy còn để lại trên gương mặt Jessica vết sẹo kéo dài từ chân tóc đến sống mũi. Trải nghiệm của Jessica thật kinh hoàng đối với rất nhiều người trên thế giới này nhưng đối với một đứa trẻ, em không thể nhớ được những nỗi đau ấy vì còn quá nhỏ.
Vài năm sau, Jessica tình cờ xem được một tập phát sóng của chương trình Rescue 9-1-1 và hỏi đứa trẻ bị mắc kẹt trong giếng là ai. Từ đó, công cuộc tìm về quá khứ của Jessica bắt đầu và cô ví nó như việc tìm kiếm từng mảnh ghép trong trò chơi ghép hình.
Giờ đây, đã hơn 30 năm trôi qua, Jessica mới đủ dũng khí để chia sẻ những gì đã xảy ra với cô sau khi sự việc xảy ra. Jessica đã trải qua 15 ca phẫu thuật trong suốt nhiều năm và hầu hết đều được thanh toán bởi khoản tiền đóng góp của mọi người.
Thời điểm Jessica hẹn hò chồng, anh không hề biết cô là ai. Sau đó, cô mới giải thích cho anh mọi chuyện và cả hai nhanh chóng đính hôn chỉ sau 1 tháng yêu đương. Sau khi sinh ra 2 con, vợ chồng Jessica mới có thể mua được căn nhà đầu tiên của họ, cũng nhờ vào số tiền cô từng nhận được từ công chúng. Được biết, căn nhà của họ chỉ cách nơi xảy ra vụ tai nạn của Jessica khoảng 2 dặm.
Giờ đây, Jessica tận hưởng cuộc đời bình thường bên cạnh chồng và 2 con. Vào năm 2017, Jessica đã trở về căn nhà của dì để ghé thăm cái giếng mà cô bị mắc kẹt năm nào.
"Lần đầu tiên về thăm lại chiếc giếng ấy, mọi thứ rất khó khăn nhưng tôi không hề buồn. Cái giếng đã có thể tước đi mạng sống của tôi nhưng may mắn là nó không thể" - Jessica chia sẻ với tờ People.
Sau vụ việc, ngoài Jessica thì cuộc đời của ân nhân trực tiếp cứu cô, Robert O’Donnell, cũng hoàn toàn thay đổi. Ông mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) sau khi giải cứu Jessica. Người đàn ông này đã tự tử vào năm 1995.
(Nguồn: B.T)
Thái Anh