(Tổ Quốc) - Không thấy 5 triệu trong tủ, bà Thôn chẳng thèm suy nghĩ, một mạch chạy xuống bếp, chỉ thẳng mặt Phương sồn sồn: "Mày giấu tiền ở đâu?".
Học vừa hết năm thứ 4 đại học, Phương đã về làm con dâu bà Thôn. Ngày Quý đưa về ra mắt, cô đã có thai được 3 tháng. Bà Thôn biết chuyện thì giận lắm. Bởi bà đã nhắm cho con trai một mối khác, gia đình môn đăng hộ đối, cô con gái nhà đó được ăn học đàng hoàng, tương lai sẽ kế nghiệp bố.
Khi hỏi về gia cảnh nhà Phương, biết cô là gái từ quê lên lập nghiệp, bà Thôn chẳng ngại ngần mà mắng con trai xơi xơi: "Mày ngu lắm. Tao đã nói bao nhiêu lần, chơi bời ít thôi. Bây giờ bị gài cho, khổ chưa. Đứa ngon nghẻ thì không thích, lại đi yêu đứa quê mùa...".
Thế rồi, bà Thôn lại quay sang hỏi về giới tính của đứa trẻ, biết là con trai bà mới dịu giọng đi 1 chút. Mẹ Quý quay ra bảo Phương:"Thôi được rồi, cô cứ về đi. Mai mốt tôi cho người xuống nói chuyện người lớn". Ở nhà bạn trai 30 phút mà Phương cảm thấy thật ngột ngạt, mặt cô đỏ bừng, giật giật, đôi mắt long lanh đã chực khóc. Cô cảm thấy vừa sợ, vừa tủi hổ. Nhưng lúc đó Phương không biết nên làm thế nào?
Đám cưới của Phương nhanh chóng diễn ra. Ngày về rước dâu, bà Thôn liên tục than ngắn thở dài rằng vừa say xe vừa mệt mỏi. Mẹ Quý chê đường làng bé tý, vòng vèo, ô tô 4 bánh không vào được, phải đỗ xe ở ngoài đường lớn. Chưa hết, thấy nhà Phương vẫn ở nhà cấp 4, bà lắc đầu ngao ngán, chê lụp xụp, tạm bợ. Bố mẹ Phương niềm nở bao nhiêu, bà Thôn lại tỏ thái độ trịch thượng bấy nhiêu.
Đến nay, dù đã làm dâu được 4 năm, nhưng Phương vẫn nhớ rõ biểu cảm của mẹ chồng khi bắt cô phải đi cửa sau vào nhà, ép đằng gái chỉ được đưa bố mẹ và anh em trong nhà lên Hà Nội, ngoài ra không được cho họ hàng đến dự tiệc cưới. Thương con gái, mẹ Phương nắm tay cô sụt sùi lúc lên xe ra về: "Khó khăn quá thì về với mẹ con nhé". Lúc đó, Phương không cầm được nước mắt. Cô cảm thấy hối hận vì trót đem lòng yêu Quý. Thực sự Phương muốn về với mẹ nhưng sợ làm gánh nặng cho họ, lại khiến gia đình bị điều tiếng không hay.
Cuộc sống của Phương ở nhà chồng cũng không êm đềm. Mẹ chồng coi cô là con ở thì đúng hơn. Từ ngày cô về đây, bà đã cho giúp việc nghỉ làm. Mọi việc trong nhà bây giờ đều đến tay Phương. Mỗi sáng cô đều phải dậy sớm đi chợ, lo cơm nước cho cả nhà rồi mới được đi làm. Chiều về lại vào bếp nấu bữa tối. Khi cả nhà ăn xong thì cô lại dọn dẹp, giặt giũ, lau nhà. Khi mọi người lên giường nghỉ ngơi, thì Phương mới bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Cô giống như một cái máy đã được lập trình, ngày ngày làm việc không sai một ly, không cười, không nói, không than vãn vì đã quá quen.
Ấy thế nhưng mẹ chồng vẫn không vừa mắt. Bất kể Phương làm tốt hay không, cứ dăm bữa nửa tháng bà lại than thở: "Giá mà thằng Quý lấy con Uyên (cô gái mà bà đã nhắm cho con trai) thì giờ tôi được nhờ rồi. Sự nghiệp của nó có phải khá hơn không?".
Chiều qua, khi Phương vừa đi làm về, cô chẳng kịp nghỉ ngơi đã lao vào bếp nấu ăn cho kịp bữa tối. Bà Thôn từ trên tầng, hùng hổ chạy xuống, lao về phía Phương, bà chỉ vào mặt cô, sồn sồn nói: "Tiền của tôi cô giấu đi đâu. Cô nói mau, đừng để tôi làm lớn chuyện rồi không hay".
Hóa ra, buổi chiều đi tập dưỡng sinh về, bà Thôn mở tủ thì thấy 5 triệu không cánh mà bay. Bà nhớ lại, sáng nay chỉ có Phương vào phòng bà lau dọn, không Phương lấy thì chẳng còn ai ở đây. Nhưng Phương thì ngớ người, cô nói với bà rằng cô không lấy. Thậm chí Phương đã thề thốt, nhưng mẹ chồng không tin.
Bà bắt đầu ra cửa chính, làm điệu bộ vật vã, cố tình gào to: "Không phải cô thì ai, hôm nọ tôi mới thấy cô kêu hết tiền, mà nay lại mua toàn đồ ăn ngon mang về, lại còn có tiền mua áo mới cho thằng cu Tí. Không lấy của tôi thì cô cướp ngân hàng à? Tôi biết nhiều lần cô thậm thụt rồi nhưng không ngờ cô lớn gan thế này".
Phương ức phát khóc. Cô chạy ra thanh minh cho mình: "Con mới lĩnh lương hôm thứ 6 mà mẹ. Mẹ tìm kĩ lại chưa, oan cho con". Nhưng bà Thôn chẳng chịu hạ giọng, cứ oang oang cái miệng vu cho Phương là ăn cắp. Bà Thôn cho rằng, nhà kín cổng cao tường, trộm không thể vào được. Mà ra vào phòng của bà chỉ có Phương mà thôi.
Sự việc ầm ĩ đến mức hàng xóm chạy sang xem rồi bàn tán xì xào. Nhiều người bênh Phương vì biết cô là người hiền lành, nhưng riêng mẹ chồng thì không. Mãi đến khi bố chồng và Quý trở về, bà Thôn mới hạ giọng nhưng lại khóc thút thít: "Nhà mình nuôi con trộm rồi ông ơi. Cho nó ăn, nó ở sướng như tiên mà nó dám lấy trộm tiền của mẹ chồng".
Không thể thanh minh bằng lời, Phương chạy về phía chồng, giật cái cặp xách Quý đang cầm trên tay để tìm điện thoại của anh. Bởi cô chợt nhớ ra, anh có cài ứng dụng theo dõi camera an ninh trong nhà. Và sự thật đã chứng minh cô không phải người lấy. Phương mang điện thoại của chồng dơ thẳng vào mặt bà rồi gào lên: "Đây mẹ xem đi, mẹ xem là ai lấy đi. Là thằng út, đứa con mẹ khen nấy khen để là nó ngoan có tiếng đó. Là con trai mẹ lấy chứ không phải con".
Cả nhà chồng Phương đều sốc về thông tin này. Người ngoài cũng biết chuyện, họ xì xầm bàn tán: "Đấy, tôi bảo mà, cái Phương nó vốn ngoan ngoãn, tôi chả tin nó lấy. Bà Thôn cứ khoe thằng út ngoan rồi giờ thì bẽ mặt". Phải đến khi chồng Phương ra nói họ về, đám người mới giải tán. Riêng bà Thôn thì sốc không đứng vững. Bà luôn tin con trai mình ngoan thật.
Tối hôm đó, Quý điều tra ra thì mới biết, em trai trẻ người non dạ nên bị đám hư hỏng lôi kéo vào đường ăn chơi cờ bạc, rồi nghiện ngập. Bình thường nó vẫn xin bà Thôn tiền và được đáp ứng. Nhưng hôm qua nó chơi bời "quá tay" nên phải chạy về "vay tạm" của mẹ. Đến giờ thằng út trốn đâu cũng chưa tìm được. Bà Thôn thì sốc quá phải nhập viện.
Sau sự việc lần này, Phương thấy mình phải cứng rắn hơn. Cô quyết định ra ở riêng, dù mẹ chồng không đồng ý thì cô cũng dọn ra ngoài. Quý cũng ủng hộ vợ. Thấy cô vất vả bao năm, chịu nhiều ủy khuất từ mẹ anh, Quý cũng không cam lòng.
Hướng Dương HT