(Tổ Quốc) - Vào ngày 1/6, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, có 5 người, bao gồm một cô bé 15 tuổi, đã chết trong một đợt bùng phát virus gây bệnh Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong một tuyên bố, tổ chức này cho biết: 4 người khác, bao gồm cả con của một người tử vong, đều bị nhiễm virus và đang được điều trị tại một đơn vị cách ly tại Bệnh viện Wangata ở Mbandaka. Những ca tử vong này xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 30 tháng 5 nhưng cho tới ngày hôm qua (1/6) mới được xác nhận là có liên quan đến bệnh Ebola.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã đăng trên mạng xã hội Twitter tin tức về 6 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo ở Mbandaka, ở tỉnh Tây Bắc của đất nước. Đây là đợt bùng phát thứ 11 của loại virus có khả năng gây chết người này. Đây là loại virus được lây truyền qua các chất dịch cơ thể và có tỷ lệ tử vong trong khoảng từ 25%-90%, tùy thuộc vào ổ dịch.
Theo WHO, Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đang đấu tranh để chấm dứt một ổ dịch bắt đầu vào năm 2018 ở phía đông đất nước, trong đó có 3.406 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo, với 2.243 trường hợp tử vong. Tại ổ dịch này, trong 21 ngày qua không có trường hợp mới nào. Do Ebola có thời gian ủ bệnh là 21 ngày, điều đó cho thấy ổ dịch tại đây có thể đã được kiểm soát nhưng để chắc chắn, WHO chờ đợi hẳn 2 lần thời gian ủ bệnh đầy đủ (tức là 42 ngày) trước khi xác định rằng dịch đã kết thúc.
Tuyên bố của WHO viết: "Việc công bố sẽ diễn ra khi ổ dịch phức tạp Ebola ở miền đông Congo bước vào giai đoạn cuối bởi hiện tại quốc gia này vẫn đang phải chống chọi với dịch COVID-19 và là ổ dịch sởi lớn nhất thế giới. Quốc gia trung Phi này đã ghi nhận 3.195 trường hợp nhiễm COVID-19 và 72 ca tử vong. Cho đến nay, đại dịch tồi tệ nhất ảnh hưởng tới Congo là bệnh sởi với khoảng 370.000 người nhiễm bệnh và 6.779 người chết kể từ năm 2019".
Virus Ebola sống trên dơi và WHO cho biết rằng, ổ dịch mới có thể xuất hiện tại cộng hỏa dân chủ Congo.
Tính đến nay, đại dịch Ebola lớn nhất thế giới diễn ra trong những năm 2014-2016, chủ yếu ở các nước tây Phi như Liberia, Sierra Leone và Guinea với hơn 28.000 người nhiễm bệnh và hơn 11.000 người tử vong.
Bệnh Ebola nguy hiểm thế nào?
Ebola từ một căn bệnh đáng sợ không có thuốc chữa, bây giờ, đã được biến trở thành một căn bệnh có thể điều trị, và trong tương lai có thể phòng ngừa được.
Trường hợp mắc Ebola đầu tiên xảy ra đồng thời ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Virus này lây lan qua đường máu, tiếp xúc với các chất dịch cơ thể hoặc mô từ người và động vật nhiễm bệnh.
Mức độ nguy hiểm của mỗi chủng Ebola là khác nhau. Trong khi chủng Ebola Reston không gây bệnh, chủng Ebola Bundibugyo lại có thể dẫn tới tử vong 50%. Con số này là 71% đối với chủng Sudan.
Theo WHO, virus này xuất hiện ở Tây Phi vào đầu năm 2014 và từng biến nơi này thành ổ dịch lớn nhất thời đó.
Các triệu chứng của virus Ebola bao gồm sốt, tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết không rõ nguyên nhân...
Mặc dù chúng ta chưa thể xóa sổ ngay căn bệnh nguy hiểm này, nhưng ít nhất với các loại thuốc hiện tại, hi vọng dập tắt dịch bệnh và ngăn chặn không cho nó tái phát thành đại dịch là hoàn toàn khả thi.
Theo CNN
N. Thúy