5 năm sinh mổ 3 lần, mẹ Hà Nội thú thật từng trầm cảm, bỏ nhà ra đi vì đẻ dày

(Tổ Quốc) - Đã rất nhiều lần, người mẹ này phải trốn vào toilet hét thật to hoặc khóc thầm trong đêm khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ. Vì chán nản, vì mệt mỏi, hay vì chính những điều mà đến bản thân cũng không rõ nữa…

5 năm sinh mổ 3 lần

 "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" – câu nói này có vẻ luôn đúng trong mọi trường hợp và với mọi gia đình. Hiếm muộn có nỗi đau của hiếm muộn, nhưng đẻ dày cũng có những nỗi khổ tâm của nó.

Câu chuyện của chị Phương Minh (sinh năm 1988), hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, bạn bè thân thiết hay gia đình thường gọi là mẹ Thỏ cũng giống như vậy. Ngoài công việc hiện tại, chị Phương Minh đảm nhiệm một vị trí đặc biệt và quan trọng khác, đó là làm mẹ của một bé trai (Min) 5 tuổi; một bé gái (Sol) 3,5 tuổi và sắp sinh thêm một em bé thứ 3.

5 năm sinh mổ 3 lần, được bạn bè khen như "siêu nhân", mẹ Hà Nội chia sẻ "kim chỉ nam" giải quyết tất tần tật các vấn đề của đẻ dày - Ảnh 1.

Gia đình chị Phương Minh.

"Hai bé nhà mình đều chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Ban đầu cũng giống như các bà mẹ khác, tất nhiên là mình mong muốn sinh thường, nhưng khi sinh bạn Min (bé đầu), cổ tử cung đã mở 5 phân thì bé bị ngưng tim nên bác sĩ đẩy vào phòng sinh mổ luôn. Đây là tình huống bất ngờ và mình cũng chỉ biết nghe theo bác sĩ thôi.

Đến bạn thứ hai – bạn Sol do sinh sau anh chỉ 18 tháng nên cũng được bác sĩ chỉ định sinh mổ ở tuần 39 để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Vì những lý do này, mình đành quyết định lựa chọn phương pháp sinh mổ cho bé thứ 3. Mình cũng biết có những trường hợp sinh thường sau sinh mổ nhưng do bản thân sức khỏe yếu nên mình nghĩ không nên quá liều lĩnh như vậy." – chị Phương Minh chia sẻ khó khăn trong quá trình "vượt cạn".

Tâm sự thêm, chị Phương Minh cũng trải lòng về những ảnh hưởng của sức khỏe sau sinh: "Bạn bè mình vẫn cứ nói mình là "siêu nhân" vì sinh mổ 2 bé và sắp tới là em bé thứ 3. Mình đã trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc của việc đau khi sinh thường - đau sau sinh mổ - đau do dạ con co thắt - đau vì viêm mủ tắc sữa - rồi đau lưng đau đầu sức khoẻ yếu mỗi khi thay đổi thời tiết... Nói chung là đủ các vấn đề nhưng giờ nói chi tiết thì mình cũng không nhớ cụ thể là đau thế nào.

Đơn giản là vì khi sinh con xong mình không có nhiều thời gian để đau nữa mà tất cả sự quan tâm dành cho các con. Hai bé nhà mình đều phải nằm cấp cứu đặc biệt sau sinh từ 7-10 ngày, mẹ sinh xong không được ở bên con chỉ nhìn con từ xa, thậm chí không được chạm vào là cảm giác đau xót hơn cả chính những cơn đau của bản thân.

Đấy đều là những thời điểm khó khăn gần như là một nỗi ám ảnh vì hai bạn khi lọt lòng đều mắc bệnh - nhưng lại trở thành dấu mốc nhắc lại các con đã kiên cường để vượt qua - thì bố mẹ không có lẽ gì lại không yêu thương các con trọn vẹn. Nhưng đấy hoàn toàn là khó khăn để vượt qua chứ không buông xuôi."

"Siêu nhân" cũng từng trầm cảm, bỏ nhà ra đi để "giải thoát" khỏi tiếng khóc của con

5 năm sinh mổ 3 lần, được bạn bè khen như "siêu nhân", mẹ Hà Nội chia sẻ "kim chỉ nam" giải quyết tất tần tật các vấn đề của đẻ dày - Ảnh 3.

Hai bé Min và Sol.

Với những người đã và đang làm mẹ, có lẽ ai cũng hiểu được rằng, chỉ riêng việc con không ăn thôi cũng là lý do khiến bố mẹ áp lực đến thế nào. Và chị Phương Minh cũng thế.

"Nếu hỏi về giai đoạn mệt mỏi đến mức buông xuôi của bản thân thì mình nghĩ có lẽ là khi mình phát hiện bạn Sol bị dị ứng đạm sữa bò - không chịu uống sữa bò, không ăn các chế phẩm từ sữa và thịt bò - việc ăn dặm của bạn ý thật sự khó khăn, từ chối các loại sữa cho trẻ dị ứng, sữa mẹ thì ngày càng cạn kiệt.

Mình chịu áp lực từ ông bà, từ chính bản thân vì sức khoẻ của con cộng thêm sự trầm cảm sau sinh đã dẫn đến có một lần mình ném vỡ thìa bát ăn dặm của bạn ý và bỏ ra khỏi nhà không về. Lúc đó mình thật sự muốn được "giải thoát" khỏi tiếng khóc của con, khỏi trách nhiệm làm mẹ đè nặng lên mình mỗi ngày."

May mắn thay, chị Minh cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, trợ giúp từ phía chồng và gia đình. Nhưng dẫu thế nào, chị Minh cũng biết rằng, mình cần phải tiếp tục yêu thương các con thật nhiều hơn nữa. Áp lực sinh một con đã vậy, nhưng với bà mẹ 3 con, áp lực đó sẽ nhân lên gấp 3 lần. 

5 năm sinh mổ 3 lần, được bạn bè khen như "siêu nhân", mẹ Hà Nội chia sẻ "kim chỉ nam" giải quyết tất tần tật các vấn đề của đẻ dày - Ảnh 4.

Chị Phương Minh nhấn mạnh, bố mẹ cần hiểu rằng, có em hay không có em thì con vẫn chỉ là em bé cần bố mẹ bảo ban chăm sóc. Có em không đồng nghĩa con phải gánh thêm trách nhiệm "lớn hơn" khi con vẫn còn nhỏ.

"Nếu được lựa chọn lại thì có lẽ là... không!"

Quay về với việc đẻ dày 3 bé trong vòng 5 năm, chị Phương Minh tâm sự:

"Nếu làm phép trừ đơn giản thì hai em bé đầu chỉ cách nhau có 18 tháng - sinh liền và lại là sinh mổ. Nếu mọi người hỏi có vất vả không? Thì tất nhiên là có chứ!

Nhưng nếu được lựa chọn lại, thì có chọn lại không? Có lẽ sẽ là không.

Mình không rõ ở những gia đình khác, hay ở những bài báo tâm sự trên mạng than thở về việc sinh con sát nhau sẽ làm tổn thương con lớn, cướp mất sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái, gây nên sự thiếu hụt trầm cảm cho cả bố mẹ lẫn các con...

Tất nhiên mỗi gia đình mỗi đứa trẻ lại là một môi trường một cá thể riêng biệt và sẽ không có mẫu số chung để áp đặt cho bất kì ai, nhưng với nhà mình khi rơi vào hoàn cảnh như vậy thì chỉ có thêm thật nhiều yêu thương thật nhiều kiên nhẫn để quan tâm và chăm sóc các con. Thành quả đến bây giờ mà người mẹ này tự hào nhất không phải là con biết đọc chữ đọc số nói tiếng Anh hay vẽ tranh tô màu không lem nhem, mà chỉ là hai con đã thật sự trở thành những-đứa-trẻ-hạnh-phúc!"

5 năm sinh mổ 3 lần, được bạn bè khen như "siêu nhân", mẹ Hà Nội chia sẻ "kim chỉ nam" giải quyết tất tần tật các vấn đề của việc đẻ dày - Ảnh 5.

Dù phải đối mặt và trải qua rất nhiều giai đoạn thực sự khó khăn nhưng chị Minh vẫn khẳng định việc đẻ dày không hề đáng sợ như các mẹ vẫn đang do dự. Điều quan trọng duy nhất chỉ là sinh con và nuôi dưỡng con có trách nhiệm và thật nhiều tình yêu.

"Thay vì những suy nghĩ bi quan day dứt thì hãy nghĩ tích cực rằng mỗi em bé đến với bố mẹ đều là một món quà, đều nằm trong kế hoạch định trước của tạo hoá và việc của các bậc làm cha làm mẹ là đón nhận bằng tất cả tình yêu.

Tình yêu sẽ là kim chỉ nam cho mọi việc, từ đó sẽ là công bằng - kiên nhẫn - bao dung - quan tâm và chia sẻ giữa bố mẹ và con cái, giữa các con với nhau. Con trẻ tuy còn nhỏ nhưng dạy cho người lớn chúng ta nhiều điều khiến bạn không thể ngờ đấy, hạ mình xuống bằng con để hiểu con là điều mình nghĩ nên làm ở mỗi bậc cha mẹ, ở mỗi gia đình." - chị Minh nói.


Lam Anh

Tin mới