(Tổ Quốc) - Với nhiều gia đình trẻ việc tiết kiệm được 20% thu nhập đã khó khăn. Song với vợ chồng trẻ này, nhờ áp dụng 5 mẹo chi tiêu triệt để sau đã giúp tiết kiệm được 50% thu nhập của gia đình.
Chị Phương và anh Hà, 35 tuổi là Ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên, Hà Nội kết hôn đã 7 năm nay. Vợ chồng chị cũng có 1 con gái 7 tuổi.
Chị Phương làm tại một văn phòng du lịch lương tháng 12 triệu đồng. Chồng chị mở cửa tiệm sửa xe tại nhà, sau khi trừ hết chi phí được khoảng 10 triệu. Tổng thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 22 triệu đồng.
Trước đây, do chưa biết cách chi tiêu, vợ chồng chị Phương có đồng nào tiêu hết đồng ấy. Nhưng sau 1 lần bị tai nạn, chị Phương đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để mỗi tháng có thể bỏ ra được ít nhất 30-50% thu nhập.
"Ngày đó chồng chỉ bị tai nạn sơ sơ mà mình về nhà lấy tiền chỉ có gần 3 triệu đồng. Vợ chồng lại phải vay của người thân để vào viện. Cũng may tai nạn của anh xã chỉ xây xát nhẹ, nên cũng mất khoảng hơn chục triệu thôi. Song từ đó mình nhận ra phải có khoản tiết kiệm dự phòng để phòng lúc biến cố. Mình quyết tâm lên kế hoạch chi tiêu, cắt giảm hết các khoản không cần thiết", chị Phương kể lại.
Khi rà lại các khoản chi tiêu, người vợ 35 tuổi này bắt đầu lên kế hoạch tích lũy cụ thể với những mẹo chi tiêu và nhất quyết ép 2 vợ chồng phải thực hiện: "Lương của mình 12 triệu thì công ty chuyển khoản cho. Vì thế mình cứ gửi cố định trong thẻ ATM và cố gắng quên khoản tiền này đi. Hàng tháng, gia đình chỉ chi tiêu hàng ngày bằng tiền của chồng sửa xe cho khách. Như thế mình cũng tích góp được 1 khoản nho nhỏ hàng tháng. Sau 1 năm, vợ chồng cũng để ra được một ít".
Cụ thể, chị Phương áp dụng triệt để các mẹo sau và giúp tiết kiệm được 50% tổng thu nhập:
1. Lĩnh lương xong là cất tiền trong tài khoản ATM
Theo chị Phương cho biết, thời buổi bão giá, giá cả tăng đến chóng mặt mà lương thưởng không tăng. Vì vậy chị buộc phải nghĩ ra một số cách để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng. Do đó, cứ lĩnh lương xong là chị cất tiền trong tài khoản ATM. Tuyệt đối không để tiền mặt ở nhà vì sẽ tiêu hết rất nhanh.
"Mình chỉ có số tiền khoảng 10 triệu hàng tháng từ việc sửa xe của chồng nên bắt buộc phải chi tiêu hợp lý. Còn khoản tiền lương của mình cứ tiết kiệm online. Muốn tiêu nhiều thì cũng chỉ có chừng đó tiền của anh xã thôi", chị Phương nói.
2. Mỗi lần đi chợ chỉ mang theo 1 số tiền nhất định và mua những thứ cần thiết
Cứ 1 tuần chị Phương đi chợ 1 lần để mua những thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trong nhà. Khi đi chợ, chị chỉ mang theo 1 số tiền cố định để mua những thứ thật sự cần thiết. Nếu mua sắm hết tiền là phải đi về ngay, không dám la cà mua sắm như trước vì có thể lại vung tay quẹt thẻ mua sắm rất tốn kém.
3. Không ăn ngoài hàng, chịu khó nấu ăn tại nhà
Trước đây, buổi trưa khi đi làm công sở, chị Phương hay đi ra ăn ngoài hàng nên cũng mất 1 khoản. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương tiết kiệm, chị Phương chịu khó dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà và nấu suất cơm mang đi ăn trưa vừa đảm bảo vệ sinh vừa tiết kiệm.
4. Không cho con đi học thêm mà mẹ con tự học
Vợ chồng chị Phương có con đang học lớp 1. Tuy nhiên chị chưa bao giờ cho con đi học thêm ở bên ngoài mà tự dạy con học. Như vậy hàng tháng chị cũng tiết kiệm được 1 khoản tiền đáng kể.
"Như mọi gia đình khác cho con đi luyện chữ, học toán rồi tiếng Việt cũng mất 1-2 triệu/tháng. Còn nhà mình, 2 mẹ con tự học với nhau cũng rất ổn", chị Phương khẳng định.
5. Hạn chế vào siêu thị, ra chợ gần nhà mua
Theo bà nội trợ này cho biết, chị cũng hay tiết kiệm bằng cách hạn chế vào siêu thị. Cần cái gì thì ra chợ gần nhà mua: "Ra chợ bạn sẽ thấy rẻ hơn trong siêu thị nhiều, mà mua nhiều thì rẻ hơn nhiều lắm, tiết kiệm được khá nhiều tiền".
Với những mẹo chi tiêu trên trong 2 năm qua vợ chồng chị Phương tháng nào cũng đều đặn tiết kiệm được 50% thu nhập của gia đình mình.
Hiện người phụ nữ này cũng đang tích cực bán hàng online để tăng thêm thu nhập làm thêm mỗi tháng để tiết kiệm được nhiều hơn hoặc chi tiêu rủng rỉnh hơn.
Thảo Nguyên