(Tổ Quốc) - Đôi khi, chúng ta cần hiểu rằng giao tiếp nhẹ nhàng vẫn sẽ hơn là trút giận lên đối phương...
Đã từng có vô vàn lời tâm sự trong chuyện tình yêu, hôn nhân, xuất phát từ chị em phụ nữ rằng "Vì sao tôi chỉ nói có thế mà anh ta đã nổi giận? Điều ấy chứng tỏ anh ta không hề yêu thương và tôn trọng tôi sao?". Thực ra, lời nói ấy với bạn là bình thường, nhưng rất có thể với người khác thì chẳng khác nào con dao sắc cứa vào tim. Quan trọng là lựa lời mà nói và thời điểm cũng là thứ đáng lưu tâm. Nhất là trong tình thế "nước sôi lửa bỏng", đừng dại gì nói ra 5 câu dưới đây, chị em hãy lưu ý nhé.
1. "Tôi đã hi sinh cho anh quá nhiều rồi, anh không nhìn ra sao?"
Nếu bạn hi sinh cho mối quan hệ, cho hôn nhân, cho chồng con, thì hiển nhiên bạn có quyền được đòi hỏi những lợi ích, tình cảm chính đáng. Nhưng đừng quên tự hỏi lại bản thân: Những gì bạn làm có thật là hi sinh cho anh ấy hay không? Chúng ta cứ cho đi mà chẳng cần quan tâm cho đi cái gì và như thế nào. Đừng tưởng cứ nỗ lực hi sinh thì đối phương sẽ thoải mái và trân trọng.
Mặt khác, khi bạn cứ đinh ninh rằng mình hi sinh cho người kia một cách mơ hồ, chính bạn đang trở thành cô vợ ích kỷ, không thấu hiểu. Nhất là trong khoảnh khắc hai người tranh luận, hãy dùng nhiều lý lẽ, bằng chứng logic, thay vì kể lể công lao trong quá khứ. Bằng không, những gì bạn nhận lại từ người kia sẽ rất cay đắng, khiến chúng ta tuyệt vọng, hụt hẫng.
2. "Anh là người đàn ông vô dụng nhất mà tôi từng biết"
Kể cả khi bạn bực bội, nóng giận nhất, cũng đừng nên hạ thấp thái quá và gạt đi toàn bộ danh dự, thể diện của đối phương. Đặc biệt với người đàn ông, họ rất cần thể diện, và khi bạn mắng mỏ quá đáng, họ cũng tự ái ít nhiều. Vả lại, tranh luận bằng cách hạ bệ đối phương không phải phương pháp đúng đắn. Nhẹ nhàng, đi thẳng vào vấn đề và tìm cách giải quyết sẽ giúp hai vợ chồng dễ hòa giải, chữa lành hơn.
3. "Tôi làm sao mà được như gia đình anh"
Tốt nhất chuyện mâu thuẫn riêng giữa hai vợ chồng hãy chỉ giới hạn và xoay quanh hai người, đừng để liên đới tới bố mẹ mình hay bố mẹ chồng. Không ít người phụ nữ có xu hướng "giận cá chém thớt", đẩy bao nhiêu lời lẽ cay nghiệt và sự buồn bực sang bên gia đình chồng. Nếu hành xử như vậy, bạn sẽ càng làm mất đi sự tôn nghiêm của bản thân, khiến chính mình trở thành kiểu người ích kỷ, lòng dạ hẹp hòi. Và đương nhiên chồng bạn cũng sẽ không thể tôn trọng vợ, khi cô ấy nói năng, hành xử thiếu suy nghĩ.
4. "Anh đừng có thách thức, tôi dám làm đấy"
Trong một cuộc cãi vã, đôi khi sẽ xảy ra tình huống hai bên dần đẩy những căng thẳng lên cao, thậm chí buông lời thách thức đối phương. Cái kết là những cuộc ẩu đả, những màn vung tay chân, phá đồ đạc vô nghĩa, thiếu kiểm soát. Và người tổn thương là chính bạn, có khi là cả những đứa trẻ nữa. Thách thức người kia hay tự thách thức chính mình chẳng có gì hay ho và đáng để nói cả. Cách bạn đối diện với mâu thuẫn và xử lý ổn thỏa quan trọng hơn nhiều. Đừng để cái tôi trong mình bị đẩy lên cao và làm ra những việc thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng về lâu dài tới mối quan hệ.
5. "Tôi sẽ khiến anh phải hối hận"
Khi nói ra câu này tức là bạn đã phải chịu đựng rất nhiều, đồng thời trong lòng nhen nhóm lên bao nhiêu hi vọng "trả đũa" người kia. Trên thực tế dù mối quan hệ đã chẳng thể cứu vãn thì chúng ta vẫn không cần nói ra câu như vậy. Sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, bạn có thể chăm chút bản thân nhiều hơn, sống hạnh phúc hơn, nhưng là vì xây dựng tương lai tốt đẹp, chứ đừng quá chú tâm vào việc khiến ai đó hối hận. Câu nói "Tôi sẽ khiến anh phải hối hận" tưởng chừng là động lực, nhưng nó giống như con dao hai lưỡi, cả bạn và đối phương đều khó chịu, không thoải mái. Trong giây phút căng thẳng, tuyệt đối tránh những lời gây tổn thương như vậy nếu bạn còn muốn gìn giữ mối quan hệ hôn nhân.
M.B