(Tổ Quốc) - Để tránh vô tình bị trừ điểm trong mắt sếp, tốt nhất dân công sở nên biết sếp thường dõi theo nhân viên ở vấn đề khía cạnh nào.
Sếp thì có sếp “this” sếp “that”, không phải ai cũng xấu tính như nhau và không phải tất cả đều thiện lành bao dung. Ấy thế, bất kể tốt xấu, vấn đề để ý nhân viên dường như là một thói quen trong cung cách quản lý của hầu hết các vị sếp. Điều này dễ hiểu nhưng sự thật thì rất ít nhân viên cảm thấy dễ chịu khi biết sếp ngày ngày âm thầm theo dõi mình.
Từ tâm lý đó, cũng như là để tránh vô tình bị trừ điểm trong mắt sếp, tốt nhất dân công sở nên biết sếp thường dõi theo nhân viên ở vấn đề khía cạnh nào nhất. Dưới đây là 5 câu hỏi sếp thường tự đặt ra và lấy đó làm lý do theo dõi nhân viên, mọi người tham khảo nhé!
1. Nhân viên ra vào công ty lúc mấy giờ?
Dù cho công ty của bạn quy định giờ giấc tự do thì sếp vẫn sẽ thường xuyên tự đặt câu hỏi trên mà để ý mỗi ngày. Tất nhiên nếu bạn là nhân viên đi muộn về sớm sếp sẽ ghim chặt vào lòng và cứ thế tích lũy theo ngày tháng, tới lúc nào đó khi sếp cảm thấy bạn đủ lơ đễnh, xem thường công ty thì sẽ cho một trận “đánh úp” bất ngờ giữa giữa cuộc họp. Tốt nhất là cẩn trọng giờ giấc vào ra công ty cho thân an toàn và được sếp yêu thương nhé!
2. Quần áo nhân viên mặc có phù hợp?
Tác phong ăn mặc là thứ đầu tiên “đập” vào mắt sếp khi bạn vô tình đi ngang, cho nên sếp lưu ý và tự đánh giá trong đầu là điều khá bình thường.Nếu công ty cho phép ăn mặc tự do bạn vẫn phải chú ý tác phong quần áo cho phù hợp, tránh khiến sếp đau mắt hay cảm thấy bạn thật lố bịch. Không hở hang cũng không nhắng nhít, kín đáo lịch sự chính là giải pháp hoàn hảo nhất cho vấn đề này.
3. Nhân viên có đang lạm dụng tài nguyên công ty?
Khi ngồi vào vị trí sếp, đa số ai cũng chăm chăm bảo vệ tài nguyên công ty một cách gắt gao nhất bởi nếu lơ là, sếp sợ cái ghế đang ngồi sẽ không giữ được lâu. Từ đây, sếp sẽ thường xuyên đảo mắt rình rập, bất kỳ ai chơi game, lướt internet,... trong giờ làm việc bằng máy tính công ty, sếp sẽ ngay lập tức cho vào danh sách đen mà thi hành án bằng một tràng mắng mỏ, trách phạt.
4. Nhân viên có hòa nhã với đồng nghiệp?
Cứ tưởng đây chỉ là vấn đề giữa những người đồng nghiệp với nhau, ấy vậy sếp lại cho rằng, bất kỳ sự bất đồng nào ở văn phòng cũng có thể ảnh hưởng tiến độ công việc và khả năng teamwork. Cho nên, sếp sẽ để ý thái độ của từng người, ai không hòa nhã, ai thường đả kích chỉ trích đồng nghiệp lung tung, ai chuyên bơm đểu cho các cuộc cãi vã,... sếp sẽ mạnh tay trừng trị.
5. Nhân viên hài lòng với công việc hiện tại chứ?
Đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên với công việc cũng là một trong những yếu tố mà sếp đặt biệt quan tâm, bởi qua đó sếp có thể quản lý tốt hơn đội nhóm của mình. Tuy nhiên, thay vì hỏi thẳng trực diện nhân viên, sếp sẽ “rình rập” trước bằng nhiều cách. Từ việc trộm nhìn thái độ làm việc, hào hứng hay chán chường cho đến việc đánh giá tốc độ và chất lượng công việc,... qua đó sếp sẽ ngay lập tức can thiệp nếu cấp dưới của mình đi làm mà như một bông hoa héo rũ.
Old Fashioned