(Tổ Quốc) - Theo khuyến cáo của bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) có 4 thực phẩm sau đây dù không ngọt nhưng vẫn gây hại, bệnh nhân tiểu đường tuyệt đối không ăn nhầm.
Tăng đường huyết là hiện tượng lượng đường trong máu tăng quá cao vượt mức bình thường, điều này sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Nguyên nhân dẫn đến việc tăng lượng đường trong máu là do cơ thể không tiết đủ insulin.
Khi mắc bệnh tiểu đường, thực phẩm là thứ cần phải cẩn trọng hàng đầu bởi tiêu thụ những món không phù hợp sẽ khiến đường huyết tăng vọt, gây ra hậu quả nguy hiểm cho cơ thể, đặc biệt là những cơ quan nhạy cảm như mắt, não, tim, thận...
Thông thường, chúng ta thường tránh ăn đường để không làm tăng đường huyết mà không biết rằng có nhiều món dù không ngọt vẫn có thể khiến đường trong máu tăng nhanh. Theo khuyến cáo của bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) có 4 thực phẩm sau đây dù không ngọt nhưng vẫn gây hại, bệnh nhân tiểu đường tuyệt đối không ăn nhầm.
4 loại thực phẩm tuy không ngọt nhưng lại làm tăng đường huyết cực nhanh
1. Các loại thực phẩm nhúng lẩu
Vào mùa đông, lẩu là món phổ biến của hầu hết các gia đình. Lẩu thường được ăn kèm rau và các loại đồ ăn nhúng lẩu đa dạng khác. Đồ nhúng lẩu thường là thịt ba chỉ bò, viên thả lẩu... dù ngon nhưng lại chứa nhiều chất béo, có thể làm tăng đường huyết nhanh.
Bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở bệnh nhân tiểu đường khi ăn lẩu chú ý ăn thật nhiều rau, nên hạn chế dùng quá nhiều đồ nhúng lẩu giàu chất béo. Đồng thời nên tự pha nước chấm riêng để nước chấm không bị quá ngọt.
2. Thực phẩm giàu calo
Người trẻ hiện đại đặc biệt thích ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt, gà rán và một số loại thịt nướng.
Những thực phẩm này đều rất giàu calo, nhiều cholesterol và nhiều chất béo. Năng lượng dư thừa sẽ được tích trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ, gây bệnh béo phì. Đối với những người béo phì không chỉ dễ mắc một số bệnh như tăng mỡ máu, cao huyết áp mà nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng đặc biệt cao. Vì vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn phải giảm tần suất ăn các loại giàu calo, đặc biệt là khi đường huyết đang tăng quá cao.
3. Thực phẩm nhiều muối
Các loại thực phẩm như dưa muối, thịt muối, cá muối... có chứa lượng muối rất cao. Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, hơn nữa còn làm tăng hàm lượng glucose trong huyết tương, nếu tiêu thụ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày. Ngoài ra, những gia vị nhiều muối như xì dầu, dầu hào, bột ngọt, tương,… thì cũng nên giảm bớt. Mỗi người chỉ nên dùng 5gr muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối theo đúng khuyến cáo của WHO.
4. Thực phẩm chế biến sâu
Thực phẩm chế biến sâu bao gồm rất nhiều loại thực phẩm trên thị trường, ví dụ như thịt hun khói, trái cây sấy khô, đồ bảo quản, bánh quy, bánh ngọt và một số đồ ăn nhẹ có sử dụng quá nhiều chất phụ gia... Khi chế biến những thực phẩm này, nhiều chất phụ gia đã được sử dụng như đường, muối và chất tạo màu. Các chất phụ gia này sau khi vào cơ thể người rất khó hấp thụ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể, đặc biệt là gây hại cho gan, thận, túi mật, tuyến tụy... sau đó sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiết insulin của tuyến tụy, từ đó làm tăng đường huyết. Bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên chú ý giảm bớt tiêu thụ các loại thực phẩm này để tránh xa bệnh tiểu đường.
Đậu Đậu