(Tổ Quốc) - Với nhiều người, trong 1 năm họ có thể để dành ra được 100 -200 triệu. Nhưng với nàng công sở 26 tuổi này, sau 4 năm đi làm mới có 1 khoản tiền tiết kiệm đầu tiên.
Đó là câu chuyện của cô nàng công sở Nguyễn Thị Nguyệt, 26 tuổi quê ở Kiến Xương, Thái Bình. Hiện Nguyệt đang là nhân viên phòng marketing truyền thông một công ty ở phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hơn 4 năm trước, cô nàng sinh viên trường y dược học cổ truyền chân ướt chân ráo ra trường. Sau đó, Nguyệt xin vào làm ở phòng tư vấn 1 công ty dược phẩm với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, sau khi trừ hết mọi khoản chi tiêu ăn uống, thuê phòng trọ và chi tiêu cá nhân, Nguyệt chỉ để dư được khoảng 1 triệu đồng.
Nguyệt nhớ lại: "Mình nhớ tiền phòng trọ mỗi tháng mất 1,5 triệu do mình và 2 người bạn nữa trọ chung 1 phòng. Còn tiền điện nước mỗi tháng mất khoảng 300-500 ngàn đồng tùy từng thời điểm. Tiền ăn mỗi tháng quy định ở phòng mỗi người góp 2 triệu. Chi tiêu tiền xăng xe, tiền mua sắm cá nhân và sinh nhật, đám cưới khoảng 2 triệu đồng nữa. Tổng chi tiêu mỗi tháng mình tiêu khoảng 6 triệu đồng".
Như vậy trong năm đầu tiên Nguyệt đi làm, tiền lương cô để dành chỉ được 12 triệu đồng. Vì là nhân viên mới nên Tết năm ấy Nguyệt chỉ được thưởng 1 tháng lương. Số tiền thưởng Tết này, Nguyệt mang về biếu Tết bố mẹ tiêu Tết 5 triệu và cô để dành 2 triệu mừng tuổi.
Năm thứ 2, lương của Nguyệt tăng lên 9 triệu đồng/tháng. Do vẫn giữ mức chi tiêu cũ nên mỗi tháng Nguyệt để dành được 3 triệu đồng. Năm đó Nguyệt được thưởng Tết 1,5 tháng lương nên có tiền thưởng Tết là 13.5 triệu đồng.
"Năm thứ 2 đi làm, tính ra cả năm tiền lương được 36 triệu đồng. Tiền thưởng Tết mình để dành 4 triệu cho tròn 40 triệu, còn lại số tiền 9,5 triệu mình chỉ giữ 2 triệu mừng tuổi còn lại 7,5 triệu đưa bố mẹ tiêu Tết. Như vậy 2 năm đi làm mình tiết kiệm được 52 triệu đồng", Nguyệt nhẩm tính.
Trong suốt 2 năm ra trường, tuy làm ở vị trí tư vấn nhưng tối về có thời gian rảnh, Nguyệt tự mày mò học marketing và chạy quảng cáo facebook, google. Do đó, năm thứ 3, tự tin hơn với kinh nghiệm đã có, Nguyệt xin nghỉ công ty cũ và đi xin việc ở công ty mới tại phòng marketing với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Theo đó, cô nàng công sở vẫn giữ mức chi tiêu cũ và tiết kiệm được 6 triệu đồng/tháng. Tổng 1 năm, Nguyệt tiết kiệm được 72 triệu đồng: "Riêng tiền thưởng Tết năm đó được 12 triệu mình cũng mang về biếu gia đình. Năm đó, sau 3 năm đi làm, mình tự thưởng cho bản thân 1 chiếc xe tay ga trị giá 45 triệu. Tổng năm thứ 3 đó mình để ra còn 27 triệu".
Năm thứ 4 đi làm, Nguyệt vẫn là nhân viên phòng marketing và truyền thông. Thu nhập của Nguyệt vẫn được 12 triệu/tháng. Tuy nhiên do đã có kinh nghiệm chạy quảng cáo facebook và google nên Nguyệt còn nhận thêm việc ở một công ty khác về làm thêm buổi tối và cuối tuần. Tiền làm thêm tùy theo doanh số mang lại nhưng thường ở mức khoảng 5 triệu đồng/tháng.
"Do năm thứ 4 có nhiều mối quan hệ hơn nên chi tiêu của mình cũng tốn hơn vì hay đi cafe, ăn uống bên ngoài với bạn bè và hay mua sắm váy vóc, mỹ phẩm.
Bởi thế 1 tháng, tất cả tiền nhà, tiền sinh hoạt, xăng xe mình tiêu mất 8 triệu đồng và để dành được 4 triệu/tháng. Tổng 1 năm mình để dành được 48 triệu đồng tiết kiệm từ lương. Ngoài ra, tiền làm thêm 5 triệu/tháng mình cũng cất vào tài khoản tiết kiệm và được 60 triệu/12 tháng. Riêng năm thứ 4 mình tích lũy được 108 triệu đồng".
Do có được 108 triệu, Nguyệt có nhu cầu đổi laptop cũ từ thời sinh viên. Vì thế cô dành ra 28 triệu đồng mua laptop mới, còn để ra 80 triệu đồng.
Như vậy, sau 4 năm đi làm, cô nàng công sở này nhờ luôn áp dụng chi tiêu có kế hoạch và tích lũy tiền cũng như ra sức làm thêm mà Nguyệt đã có số tiền 159 triệu đồng: "Thấy bố mẹ sửa bếp nên mình đã rút tiết kiệm lấy 59 triệu biếu bố mẹ. Vì vậy đến thời điểm này trong tài khoản của mình chỉ còn đúng 100 triệu tròn trĩnh".
Chia sẻ về bí quyết tiết kiệm sau 4 năm vừa thuê nhà ở trọ vừa đi làm mà vẫn để dành được khoản tiền 100 triệu đầu tiên trong cuộc đời, Nguyệt khẳng định bí quyết của cô không có gì nhiều, chỉ áp dụng các nguyên tắc sau:
Hiện Nguyệt vẫn cố gắng duy trì làm thêm để kiếm 1 khoản thu nhập nữa bên cạnh khoản lương cứng hàng tháng. Cô đang phấn đấu, bước sang năm thứ 5 này, tổng khoản tiền mà Nguyệt phải tiết kiệm được ở mức 150 triệu đồng/năm.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật
Thảo Nguyên