(Tổ Quốc) - Những người trưởng thành, từng trải đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ về một số loại người không nên kết giao. Theo đó, những người hay nói đạo lý, sống ích kỷ, thường xuyên phàn nàn tiêu cực... nhất định nên tránh xa!
Khi vừa tốt nghiệp đại học, bước chân vào trường đời, bạn trẻ nào chẳng mang trong mình cả bầu trời nhiệt huyết? Bước chân vào chốn công sở, họ sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người, đôi khi chịu thiệt thòi chút cũng chẳng sao.
Nhưng dần dần, càng trải qua nhiều chuyện thì người trẻ càng hiểu sự đời. Và dần dần họ cũng nhận ra, có những người dù tốn công sức làm thân, giúp đỡ thì cũng chẳng để làm gì. Topic "Khi trưởng thành hơn, bạn nhận ra những loại người nào không thể kết giao?" đang gây xôn xao MXH. Cùng lắng nghe chia sẻ của những người "trưởng thành" xem họ đưa ra quan điểm thế nào về việc này nhé!
Người lúc nào cũng nói đạo lý, xa rời thực tế
Những người thích nói đạo lý luôn tỏ ra mình "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", tỏ ra bản thân số 1 chính xác là người không nên kết giao. Đôi khi muốn tâm sự với họ, nào ngờ lại thành buổi diễn thuyết đạo lý.
Cuộc sống của họ chưa chắc đã tốt đẹp đâu, nhưng họ luôn áp những lý thuyết ấy rồi bảo bạn phải thế này phải thế kia. Có khi chưa nghe hết câu chuyện đã nhảy vào chen lời khiến đối phương chỉ biết ấm ức nuốt lại những lời ruột gan vào trong bụng.
Không ngừng giảng đạo lý, là 1 hành động bóp chết cảm nhận của người khác, thỏa mãn hành vi của mình. Điều đáng sợ chính là ở chỗ họ nghĩ họ đang "vì muốn tốt cho người khác", mà lại đem chúng ta nhốt vào một cái hầm đầy đạo lý.
Có một câu chuyện thế này, cô bé nọ có kết quả kiểm tra môn Toán cực kì cao, lần đầu trên 95 điểm.
Nhưng thay vì khen ngợi, động viên, người mẹ lại liên tục nhắc nhở: "Lần này kiểm tra cũng được, nhưng con luôn phải duy trì đấy. Một lần điểm cao không có nghĩa sau này đều được điểm cao. Con xem Tiểu Bằng nhà bên kìa, lần nào cũng được trên 90, con còn phải cố gắng nhiều lắm..."
Cô bé chỉ muốn được khen một chút thôi mà! Ánh mắt đang vui vẻ của nữ sinh tội nghiệp ấy từ từ ảm đạm dần, sau đó cúi đầu không nói gì nữa.
Thứ đạo lý bạn cho là đúng đắn đã vùi dập tâm trạng và cảm nhận của người khác. Nhu cầu được tâm sự của họ sẽ từ từ mất đi, hành vi thích giảng đạo lý này sẽ chỉ làm các mối quan hệ rơi vào bế tắc.
Người hay phàn nàn, quá tiêu cực
Loại người này đa phần chỉ có một kiểu tư duy, đó là chỉ quan tâm đến chuyện trước mắt, xoắn xuýt những chuyện cỏn con không có giá trị.
Bị sếp giao việc, chẳng cần biết khó dễ liền gào lên rằng mình bị bóc lột. Nhưng sếp giao dự án vào tay người khác thì bù lu bù loa rằng sếp không tin tưởng.
Đi làm gặp đèn đỏ cũng đổ tại số, trúng mưa thì kêu trời không rủ lòng thương. Lúc chờ xe bus tới chậm thì phàn nàn giao thông tắc tối ngày, thành phố sao mà chật chội. Nhưng lên được xe cũng chưa thể vui, tiếp tục ca thán điều hòa không mát, lái xe toàn nhằm ổ gà ổ voi mà lao.
Thân thiết với những người này, đồng nghĩa với cuộc sống của bạn toàn những thứ lặt vặt, đáng chán dội vào. Điều đáng nói là, những người suốt ngày phàn nàn sẽ chỉ đứng một chỗ để nhìn nhận về sự việc khiến họ phàn nàn đó, chứ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Bởi vì sức lực đều dùng trên miệng hết rồi, không còn năng lượng để làm gì khác nữa.
Người chuyên dùng lời nói làm tổn thương người khác
Có những người mở miệng một cái là tuôn ra lời nói làm tổn thương người khác. Nghe thì tưởng như họ thẳng thắn, nhưng trên thực tế là người vô cùng ích kỷ, không quan tâm tới cảm nhận của người khác.
Thử tưởng tượng xem, bạn hào hứng tập make-up và mặc bộ váy đẹp đi làm, thế mà bước vào người đồng nghiệp vô duyên bảo: "Này, em mua phấn rẻ tiền à mà sao bở thế? Em xem lại cách make-up đi, trông như hề ấy! Màu son này không hợp em ơi, nhìn già khắm khú như u40 vậy!"
Trái tim lúc ấy chắc chắn là nát tan rồi còn đâu. Có rất nhiều cách để nhận xét về một người khác, nhưng chỉ chăm chăm vào điều chưa hoàn hảo để chê bai, chỉ trích thì họ chẳng phải thẳng thắn, mà là tiêu cực và không nghĩ tới đối phương.
Trong các mối quan hệ, không nhất thiết phải lấy lòng hoặc thân thiết với người có tính cách thế này. Họ khiến chúng ta chìm trong sự tiêu cực hoặc mất cảm hứng, tốt nhất nên tránh xa.
Người sống vị kỷ
Có người coi thời gian như sinh mạng của mình. Chỉ có điều, họ quý trọng thời gian của bản thân nhưng lại không nghĩ như thế về thời gian của người khác.
Họ thiếu sự đồng cảm và bao dung, nội tâm lúc nào cũng chỉ nghĩ về những được mất của mình. Ví dụ, họ nhờ vả người khác giúp đỡ mình một cách miễn phí, vì cho rằng mình đáng được như thế.
Nhưng khi đối phương nhờ lại thì tìm mọi lý do để từ chối. Đương nhiên, những người như thế này sẽ chỉ có thể nhờ vả một đôi lần, xung quanh đâu phải toàn kẻ ngốc mà đi tốn thời gian, sức lực mãi cho một kẻ lợi dụng như thế!
Nhưng kết giao với ai không quan trọng, quan trọng nhất chính mình hãy sống để không thẹn với lòng!
Bên cạnh một số loại người có những tính cách không tốt tiêu biểu ấy, nhiều dân mạng cũng đưa ra quan điểm trái chiều. Đặc biệt, không ít bạn trẻ cho rằng, nếu cứ đi phán xét người khác như thế thì bản thân mình cũng không tốt đẹp gì. Và đôi khi, chính bản thân mỗi người cũng từng hay nói đạo lý, ích kỉ, tiêu cực... mà không hay. Bởi thế, không phải nên kết giao với ai, mà quan trọng mình sẽ sống như thế nào!
[ 5] Bản chất con người rất giống nhau, ai cũng muốn mình là người đúng, ai cũng muốn mình quan trọng, ai cũng muốn than vãn. Theo như lời nói của một vị tài ba người nước ngoài mà tui không nhớ nổi tên, trích trong 1 cuốn sách tâm lý học: "Con người có 3 cái khao khát, trong đó, khát vọng thể hiện mình là cái người ta luôn thể hiện".
Vậy nên tui sẽ không đánh giá ai cả. Đôi lúc, bạn cũng sẽ nói rất nhiều nhưng người ta không muốn nghe, vì nó chả quan trọng gì với người ta cả. Nên mọi người đều cần điều chỉnh cả. Sẽ chẳng ai muốn người khác nói toẹt ra mình sai rồi cả, vì tui cũng ghét người nói tui sai rồi và nó đúng. Nhưng buồn cười hơn là, chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi sai ở người khác nhưng chẳng mấy khi đánh giá mình cả. Và có khi mình cũng là đứa đáng ghét trong mắt người khác.
[ 15] Nếu theo như mọi người đưa ra ở trên, mình quen đủ hết các loại người như thế. Bố mình giảng đạo lý, em gái hay phàn nàn, con bạn thân khá thẳng tính và nhiều lần phát bực, nhưng họ lại rất tốt. Mình thấy cũng chỉ đúng 1 phần nào thôi, kết giao hay không cũng hãy chọn người tốt mà chơi, và bản thân mình cũng hãy dùng tấm lòng mà đối xử.
[ 4] Giờ lớn rồi, cố gắng mạnh mẽ hơn đừng để bị tổn thương bởi những lời nói thôi. Làm sao điều khiển được suy nghĩ, bịt được miệng người khác. Mình cho rằng, mọi người xung quanh thế nào không quan trọng, quan trọng bản thân mình như thế nào. Cũng chẳng có một mẫu số chung nào cho tất cả, nếu thấy hợp, thấy vui thì cứ chơi dù họ có là một trong những loại người kể trên.
[ 3] Mình không mấy đồng tình với các ý trên đâu nhé. Đó chỉ coi là 1 loại tính xấu cần sửa đổi. Chỉ vì họ có tính ấy mà tuyệt giao thì mình cũng đáng ghét lắm.
[ 2] Theo kinh nghiệm của mình thì loại không học cách nói lời cảm ơn, xin lỗi mới không nên thân thiết.
[ 6] Mình thấy không nên kết giao nhất chính là những người bề ngoài tỏ ra ngọt ngào, tốt bụng nhưng sau lưng âm thầm nói xấu.
[ 9] Có thể bản thân mình đã trải qua nên mình rất sợ những người sống hai mặt và toan tính. Đồng nghiệp với nhau mà cướp hợp đồng, nói xấu người khác với sếp. Đây tuyệt đối không nên chơi, đừng nói là thân!
Đương nhiên, giống như một cư dân mạng bình luận: không có một mẫu số chung nào và không có một loại người nào tất cả mọi người không nên kết giao. Nhưng những chia sẻ phía trên cũng đâu phải vô ích, đúng không?
M52