(Tổ Quốc) - Với mức thu nhập 10 triệu/tháng bạn hoàn toàn có thể phẩn bổ chi tiêu hợp lý, có tiền để tiết kiệm và đầu tư.
Với mức thu nhập khoảng 10 triệu/tháng bạn luôn băn khoăn rằng làm thế nào để có thể chi tiêu hợp lý đủ tiền tiết kiệm và đầu tư. Câu trả lời là hoàn toàn khả thi.
Cách thực hiện rất đơn giản qua lộ trình được Mai Trang - CEO của Công ty cổ phần 2204 chuyên về lĩnh vực giáo dục và phát triển bản thân hướng dẫn ngay dưới đây.
Bước 1: Kiểm soát chi tiêu từ thời điểm nhận lương
Công thức phân bổ chi tiêu: 50 - 30 - 20
- 50% cho khoản thiết yếu
Mỗi tháng bạn cần vạch ra những khoản tiền cần chi trả cho những khoản thiết yếu của cuộc sống. Đó là những khoản tiền bạn bắt buộc phải trả để duy trì cho cuộc sống của mình.
Bao gồm: Tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, điện thoại, ăn uống.
Mức thu nhập 10 triệu thì dành 50% tức 5 triệu cho tất cả khoản thiết yếu trên.
Ví dụ:
Mức lương 10 triệu đừng ham ở ngôi nhà thuê có giá đắt hơn 3 triệu. Bởi vì trừ đi tiền thuê nhà, bạn chỉ còn 2 triệu cho tất cả những khoản thiết yếu còn lại. Số tiền này rất khó để cân đối.
Lời khuyên là tìm 1 người bạn ở chung để chia sẻ tiền thuê. Mức thuê tốt nhất nên từ 1,5 - 2 triệu. Và dành khoản tiền còn lại cho nhu cầu thiết yếu.
- 30% cho hoạt động linh hoạt
Bao gồm đi chơi, cafe với bạn bè, cho việc nâng cao kỹ năng của bản thân,... tùy nhu cầu của bạn.
- 20% dành cho hoạt động tích lũy
Tức là tiết kiệm, đầu tư, quỹ dành cho việc đề phòng ốm đau, bệnh tật hoặc có việc đột xuất cần xử lý khác.
Thứ tự áp dụng: 20 - 50 - 30
Bạn đừng nhìn số nào lớn hơn thì áp dụng trước. Thứ tự áp dụng công thức này chuẩn sẽ là:
Ngay khi nhận lương cần bỏ 20% vào khoản tiết kiệm, tích lũy.
Sau đó, dùng 50% để trả cho những khoản thiết yếu.
Và cuối cùng mới là 30% cho khoản tiêu linh hoạt.
Hãy nhớ thứ tự này và bằng mọi giá không thay đổi nó. Khoản linh hoạt sẽ chỉ được sử dụng cuối cùng mà không được ưu tiên nó hơn khoản tích lũy.
Nếu phát sinh những khoản chi tiêu lớn trong tháng thì phải làm sao?
Giả sử vào ngày đẹp trời, bạn nhận được 3 tấm thiệp mời cưới trên bàn. Nếu tham dự chi phí vào khoảng 500k/đám cưới. Còn nếu không tham dự, chi phí sẽ khoảng 200k - 300k/đám cưới. Tổng cộng là từ 900k đến 1,5 triệu.
Với những tháng có khoản tiêu bất ngờ tương tự liên quan đến hoạt động đám cưới hoặc ma chay thì bạn trừ vào khoản linh hoạt.
Tức là bạn bắt buộc phải bớt đi cà phê, bớt ăn uống, mua sắm, xem phim.
Ghi nhớ: Không được trừ vào khoản tích lũy hay là khoản thiết yếu để tránh tạo thói quen xấu.
Bước 2: Tuyệt đối không vay nợ tiêu dùng
Vay nợ là bạn đang mang gánh nặng không chỉ là tiền bạc còn là tâm lý, tinh thần. Trong trường hợp tuân thủ quy tắc 50 - 30 - 20 ở trên, khó rơi vào trường hợp phải vay nợ tiêu dùng. Tuy nhiên sức hấp dẫn của việc mua sắm, đặc biệt là với các bạn trẻ khi "trào dâng" thì cần làm gì?
Dừng lại một chút để suy nghĩ về thu nhập hiện tại. Khi khoản thu nhập chưa cao thì việc quan trọng nhất là duy trì kỷ luật của bản thân chứ không phải là nuông chiều cảm xúc. Dù bạn vay nợ của người thân, bạn bè hay ngân hàng thì đều phải suy nghĩ thật kỹ.
Ngoài ra, các ngân hàng còn tung ra nhiều gói hỗ trợ, giúp bạn vay được khoản ưu đãi. Ví dụ như gói vay học tập, vay tiêu dùng, vay mua sắm. Thế nhưng quan trọng, đã là đi vay thì ít hay nhiều thì bạn vẫn phải trả 1 khoản lãi.
Ví dụ: Bạn vay tiền ngân hàng mua trả góp thì khoản tiền trả góp sẽ chênh hơn giá gốc khoảng vài triệu đồng. Và đây là khoản tiền không đáng có nếu nhu cầu chỉ là làm đẹp để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
Thay vì vay nợ bạn nên tuân thủ theo nguyên tắc: Tích lũy trước và tiêu xài sau.
Bước 3: Tập thói quen đầu tư thông minh
An toàn thì chọn gửi tiết kiệm ngân hàng
Nên gửi tiết kiệm ngân hàng ngay khi nhận được lương và nên gửi tiết kiệm theo hình thức gửi tiết kiệm điện tử.
Bạn có thể mở rất nhiều cuốn sổ tiết kiệm khác nhau. Việc này giúp bạn giữ được đồng tiền không mất giá và giúp tiết kiệm được không chi tiêu linh tinh.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây thì lãi suất ngân hàng đã giảm xuống và trong trường hợp gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn thì lãi suất không cao.
Hơn nữa, nếu mỗi tháng lại mở 1 cuốn sổ tiết kiệm với giá trị là 1,5 - 2 triệu tương ứng với 20% thu nhập của mình thì cũng hơi phiền phức. Và tiết kiệm cũng chưa phải là cách tối ưu hóa khoản tiền của bạn.
Muốn tăng nhanh thì mang đi đầu tư
Muốn khoản tiền tiếp tục sinh sôi nảy nở để tạo ra thêm nhiều tiền thì cần mang đi đầu tư. Bạn không nên nghĩ phải có rất nhiều tiền mới có thể đầu tư, như cổ phiếu hay là chứng khoán, ôm đất.
Có ít tiền muốn đầu tư thì nên đầu tư vào đâu?
- Trường hợp bạn không quá am hiểu về thị trường tài chính và không ưa mạo hiểm thì có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ đầu tư. Những chuyên gia của quỹ này sẽ sử dụng tiền của bạn để đầu tư giúp. Sau đó có lãi họ sẽ gửi trả lại cho bạn.
Lưu ý:
- Khi nghe được những lời mời gọi đầu tư tiết kiệm có mức sinh lời từ 10% trở lên thì nên hết sức cẩn thận.
- Các sản phẩm đầu tư lại mong muốn rút tiền sớm thì sẽ mất phí rút tiền rất cao. Thậm chí là cao hơn cả khoản lợi nhuận nên bạn cần tìm hiểu kỹ với những sản phẩm đầu tư.
- Bên cạnh đó nên xác định cần đầu tư lâu dài, ít nhất là từ 6 tháng - 1 năm thì mới mong có khoản sinh lời cao và tập được thói quen đầu tư bền vững.
Bước 4: Tăng thu nhập
Bên cạnh việc kiểm soát chi tiêu hợp lý và học cách đầu tư trong khoản tiền đang có thì 1 việc rất quan trọng là phải gia tăng thu nhập.
Muốn tăng thu nhập thì bạn cần đầu tư vào chính bản thân mình. Đó là nâng cao kỹ năng, kiến thức.
Ví dụ như đầu tư tiền học các khóa học chuyên môn để tăng kỹ năng sẽ giúp bạn có cơ hội tiếp cận được công việc có thu nhập tốt hơn.
Số tiền đầu tư này có thể lấy từ khoản linh hoạt. Cách làm này giúp bạn sử dụng khoản 30% này không bị hoang phí và thời gian của bạn cũng được tận dụng một cách tối ưu.
Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật.
Hồng Nhung