(Tổ Quốc) - Bạn lo lắng rằng mình không tiết kiệm được nhiều tiền như các bạn cùng lứa tuổi? Dưới đây là lời khuyên về số tiền tiết kiệm bạn thực sự nên có ở tuổi 35.
Không có gì lạ khi bạn thắc mắc rằng mình nên có bao nhiêu tiền tiết kiệm ở một độ tuổi nhất định. Hầu hết, mọi người hỏi điều này vì muốn biết liệu đang ở trên hay dưới mức tiết kiệm cần có. Nhưng câu trả lời không đơn giản như vậy, vì nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân.
Tôi nên có bao nhiêu tiền tiết kiệm ở tuổi 35?
Theo mức tối thiểu, số tiền chính xác để tiết kiệm ở mọi lứa tuổi là sáu tháng thu nhập. Bất kỳ số tiền nào vượt quá mức này sẽ được chuyển hướng vào danh mục đầu tư hoặc quỹ hưu trí. Điều này là do tiết kiệm có nghĩa là duy trì ở dạng tiền mặt dễ thanh khoản, sẵn sàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trong khi các khoản đầu tư kém thanh khoản hơn và thường trong dài hạn. Ví dụ, nếu thu nhập của bạn là 10 triệu đồng thì khoản tiết kiệm cần có là 60 triệu đồng.
Nếu tôi không đủ số tiền này thì sao?
Tất nhiên, số liệu ở trên là tình huống mặc định. Tài chính cá nhân giữa lý tưởng và thực tế không phải lúc nào cũng khớp nhau. Tình hình tài chính của mỗi người là khác nhau. Bạn có thể có những trách nhiệm mà người khác không có.
Ví dụ, một số người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh, những người này cần được chăm sóc sức khỏe đắt tiền hơn. Một số người có thu nhập thấp hơn mức trung bình nên khó tiết kiệm. Ngoài ra còn có một yếu tố mà nhiều người ở độ tuổi 30 có điểm chung.
Đó chính là tuổi 30 của bạn thường là độ tuổi phải gánh vác những cam kết tài chính nặng nề như mua nhà, xe hơi hoặc nuôi con đầu lòng. Có thể bạn đã tiết kiệm một cách siêng năng từ những năm 20 tuổi, nhưng đám cưới đã tiêu sạch một phần đáng kể số tiền đó.
Nếu không đủ số tiền 6 tháng thu nhập này bạn nên học cách tiết kiệm và xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.
Có nên giới hạn số tiền có thể tiết kiệm mỗi tháng
Điều này xảy ra bởi vì bạn chỉ dựa vào việc lập ngân sách chi tiêu. Việc tích lũy tiền tiết kiệm đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ có một ngân sách eo hẹp. Hãy chủ động đầu tư vào bản thân bằng cách không ngừng cố gắng nâng cao kỹ năng chuyên môn của bạn hoặc học cách đầu tư cơ bản để tăng tiền.
Chỉ vì từ “tiết kiệm” được sử dụng, không phải lúc nào cũng có nghĩa là mua ít hơn. Đúng, kỷ luật tài chính và lập ngân sách là bắt buộc, nhưng tích lũy tiền tiết kiệm cũng có nghĩa là bạn phải tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn. Và cũng giống như tiết kiệm, đầu tư không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Bạn cũng có thể cân nhắc tham gia một công việc bán thời gian để nâng cao thu nhập cho mình.
Điểm mấu chốt
Tiết kiệm không nên là một mục tiêu cụ thể cho từng lứa tuổi. Tập trung vào tuổi tác là không lành mạnh. Mục tiêu tiết kiệm của bạn phải là một số tiền chứ không phải là số tuổi. Nếu bạn kiếm được 5 triệu/tháng và mục tiêu tiết kiệm của bạn là 200 triệu đồng, thì độ tuổi có liên quan gì không?
Nếu bạn không có một đồng nào tiết kiệm được và muốn bắt đầu ngay bây giờ, thì hãy tiết kiệm tích cực (có thể tiết kiệm 50% thay vì 20% tiền lương hàng tháng) và hoàn thành trong 12 tháng. Không quan trọng nếu bạn 25, 35 hay 45. Ngay khi bắt đầu nỗ lực tiết kiệm, bạn có thể giải quyết tình hình tài chính của mình.
Đừng hoảng sợ về số tiền bạn có hiện tại và liệu điều đó có “phù hợp” với lứa tuổi hay không. Tập trung vào số tiền bạn cần và cách bạn đạt được điều đó.
Theo herworld
Hồng Nhung