30 tuổi, tôi phải học cách "tiêu tiền" thay vì tiết kiệm như đồng nghiệp và bạn bè cùng trang lứa

(Tổ Quốc) - Lớn lên trong một gia đình tiết kiệm khiến tôi có ý thức về việc chi tiêu của mình.

*Bài viết được ghi lại theo lời kể của nhân vật chính có tên Jade Seah (một cô gái hiện đang sống tại Singapore).

30 tuổi, tôi phải học cách

Jade Seah (một cô gái hiện đang sống tại Singapore) chia sẻ bản thân đang phải học cách tiêu tiền.

Tôi đã phải học cách tiêu tiền. Vâng, bạn không nghe nhầm đầu. Tôi không phải học cách tiết kiệm tiền mà học cách chi tiêu. Không hề có lỗi đánh máy ở đây chút nào.

Thói quen tiết kiệm từ khi còn nhỏ vì hoàn cảnh gia đình

Bạn thấy đấy, gia đình tôi không có nhiều tiền. Bố tôi làm công việc xây dựng và mẹ tôi làm y tá theo ca. Họ kết hôn khi mẹ tôi mới bước sang tuổi 25 và đương nhiên là không có một nền tảng tài chính vững chắc. Bố mẹ tôi đã làm việc nhiều giờ chăm chỉ để hỗ trợ các con trong việc đi học, đồng thời phải trả nợ cho các khoản vay mua nhà.

Gia đình chúng tôi không phải là quá nghèo nhưng tôi biết rằng bố mẹ không có nhiều tiền. Chúng tôi chưa bao giờ đi taxi, phải sử dụng những thứ do chính gia đình trồng trọt và tôi cũng không có những món đồ học tập mới ở trường giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác.

30 tuổi, tôi phải học cách

Jade Seah có thói quen tiết kiệm từ nhỏ vì hoàn cảnh gia đình mình không được giàu có.

Chúng tôi đã không gọi đồ uống khi đến trung tâm thương mại vì bố tôi sẽ mang theo một chai nước để tiết kiệm tiền. Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã chọn một số cách tiết kiệm giống như truyền thống của gia đình mình. Tôi không có tiền tiêu vặt cho những chuyến đi chơi xa, vì vậy tôi và người bạn thân nhất sẽ chia nhau một đĩa cơm hoặc bát mì trong giờ ra chơi. Bằng cách đó, chúng tôi có thể tiết kiệm đủ cho cuộc sống tới tận cuối tuần.

Tôi luôn mang theo một chai nước (giống như cách mà bố mình đã làm) để không phải gọi đồ uống. Trên hết, tôi thực sự sáng tạo khi mua những món đồ thời trang basic (thay vì quần áo mới) sau đó “sửa đổi” chúng để trông đẹp hơn.

Cho tới khi kiếm được tiền, tôi nhận ra mình luôn cảm thấy khó khăn để chi tiêu

Tôi bắt đầu đi làm từ năm 23 tuổi và tiết kiệm được một ít mỗi tháng. Nhưng kỳ lạ là tới lúc này tôi vẫn cảm thấy thật khó để chi tiêu và tận hưởng số tiền kiếm được của mình. Ở tuổi 27, tôi xoay sở để trả một khoản tiền cho việc mua căn hộ đầu tiên của mình.

Khi bước vào tuổi 30, tôi vẫn cảm thấy tội lỗi về mọi thứ mà mình đã mua trong khi những người bạn cùng trang lứa của tôi vung tiền vào những chiếc túi hàng hiệu và những đêm đi chơi có giá tới 400 đô la (gần 10 triệu đồng).

Sau sự ra đi của người bà thân yêu, cô gái trẻ có cái nhìn mới về việc chi tiêu trong cuộc sống.

Chỉ sau khi người bà thân yêu của tôi qua đời cách đây vài năm, tôi mới bắt đầu thấy cuộc sống khác hẳn. Bà là một người phụ nữ giản dị kiếm sống lương thiện bằng nghề dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, bà lại luôn chi tiêu một cách hào phóng cho những người thân yêu của mình.

Điều này dạy tôi rằng tiền chỉ đơn giản là một phương tiện và nó không nên là mục tiêu cuối cùng. Tới thời điểm hiện tại, tôi xem tiền là con đường dẫn đến tự do cho bản thân khi có thể ăn, uống và trải nghiệm những điều mà trái tim tôi mong muốn.

Tôi dành tiền cho những trải nghiệm mà tôi yêu thích, như lướt ván và cho những người mà tôi yêu quý, chẳng hạn như đưa bạn bè đi ăn hoặc mua những thứ đẹp đẽ cho họ.

Không phải lo lắng về việc thiếu tiền cũng là một điều may mắn mà tôi biết ơn mỗi ngày. Nó nhắc nhở tôi không cần quá khắc nghiệt cho cuộc sống của mình để đuổi theo nó. Đơn giản vì chìa khóa của hạnh phúc là xây dựng các mối quan hệ.

Tái bút: Tôi vẫn mang theo một chai nước khi đi đâu đó, không phải vì tiết kiệm mà vì đó là một thói quen cũng tốt cho môi trường!

Theo herworld

30 tuổi, tôi phải học cách

Hồng Nhung

Tin mới