(Tổ Quốc) - 3 trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế quản lý đã chính thức hoạt động vào chiều 7/8. Trước giờ "xung trận", nhiều nhân viên y tế vào Nam chống dịch đã có những chia sẻ rất đặc biệt.
3 trung tâm hồi sức COVID-19 với tổng quy mô 1.500 giường bệnh vừa khánh thành bao gồm Trung tâm hồi sức Bệnh viện (BV) Bạch Mai đặt tại BV dã chiến số 16 (phường Phú Thuận, quận 7), Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại BV dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh) và Trung tâm hồi sức BV Việt Đức đặt tại BV dã chiến số 14 (TP Thủ Đức).
TP.HCM đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có
Như vậy đến nay, TP.HCM đã có 5 trung tâm hồi sức COVID-19, bao gồm Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường đặt tại BV Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) và một trung tâm đặt tại BV CIH (quận Bình Tân).
Tại buổi khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay TP đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4.
Hơn 3 tháng qua, cả hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu cùng toàn thể người dân thành phố cùng với sự hỗ trợ của Trung ương đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và "bảo vệ sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết", từ cuối tháng 6/2021 đến nay, TP đã có 15 BV dã chiến thu dung điều trị và 42 BV, cơ sở điều trị COVID-19 được đưa vào hoạt động với quy mô gần 45.000 giường.
Việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực cùng với sự vận hành của đội ngũ y bác sĩ đầu ngành của Trung ương, TP và các địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị các ca F0 trên địa bàn cũng như phát huy hiệu quả các BV trong tháp điều trị 5 tầng của thành phố.
Hiện nay, mục tiêu hàng đầu của TP là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong.
Do đó, TP yêu cầu các BV dã chiến, các trung tâm hồi sức trong quá trình hoạt động phải đặc biệt lưu ý đến việc này, luôn phát huy mạnh mẽ nhiệt huyết và trái tim của người thầy thuốc để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Chủ tịch TP.HCM cũng gửi lời tri ân chân thành đến các lực lượng tuyến đầu, ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Nhiều người đã hơn một năm chưa có ngày nghỉ đúng nghĩa khi xông pha vào tâm dịch.
Trong buổi lễ, Thứ tưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế xúc động chia sẻ, ông xin cúi đầu tri ân các đóng góp, sự hi sinh của các y bác sĩ trong suốt những đợt dịch vừa qua.
Thứ trưởng đề nghị các BV điều phối những trung tâm hồi sức COVID-19 nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau chia sẻ chuyên môn, đảm bảo công tác hậu cần, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế để làm sao giúp TP.HCM chống dịch tốt nhất.
Mong sẽ trở về bình an
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, ngay khi nhận thông tin TP.HCM cần chi viện, chỉ trong một đêm phát lời kêu gọi, 230 cán bộ viên chức, nhân viên y tế có năng lực của BV đã nộp đơn tình nguyện vào góp sức vì miền Nam yêu thương.
"Chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị mọi thứ, từ giường bệnh, thuốc men đến chế độ ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân sau này...
6 giờ sáng hôm qua, đoàn tàu hỏa từ Hà Nội đã khởi hành vào TP.HCM, mang theo 500 kiện hàng, bao gồm các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, máy thở.
500 giường hồi sức cấp cứu sẽ đưa vào hoạt động, hỗ trợ các bệnh nhân nặng nhất.
Chúng tôi mong những kinh nghiệm có được ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương... sẽ giúp ích trong việc chẩn đoán, điều trị, cứu sống kịp thời bệnh nhân COVID-19" - TS.BS Đoàn Thu Trà nói.
Trước giờ "ra trận", nhiều nhân viên y tế tình nguyện vào Nam chống dịch đã có những chia sẻ rất đặc biệt.
Hà Giang, điều dưỡng khoa Tim mạch, BV Bạch Mai cho biết, trước khi đi, gia đình khuyên em khi vào TP.HCM hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe. Ở nhà mọi người cũng sẽ chăm sóc bản thân thật tốt để Giang yên tâm công tác.
"Em mong được đóng góp sức trẻ của mình để cống hiến cho đất nước. Biết là sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng em sẽ cố gắng thực hành thật tốt các quy trình phòng chống lây nhiễm. Mong mình sẽ trở về bình an" - nữ điều dưỡng xúc động.
Còn với Bùi Thúy Điệp (27 tuổi), đồng nghiệp của Giang cho biết, cô quyết định xung phong vào TP.HCM chỉ trong vòng 10 phút khi nghe lời kêu gọi từ Ban Giám đốc BV.
"Tối Chủ nhật đăng ký là thứ Hai em lên đường luôn. Gia đình dù lo lắng nhưng rất ủng hộ và tôn trọng quyết định của em.
Đã chọn nghề y thì nghĩa vụ và thiên chức là cứu người. Sắp tới khi nhận bệnh, em sẽ tham gia điều trị vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh nhân", Điệp nói.
Hoàng Lê