(Tổ Quốc) - Rất nhiều trường hợp bị mất tiền oan khi mua hàng online đã dấy lên cảnh báo nên cảnh giác với những chiêu trò tinh vi chỉ để chốt đơn hàng.
Ngày nay, công nghệ thông tin 4.0 lên ngôi kéo theo việc mua sắm, tiêu dùng của cộng đồng cũng nghiêng dần về xu hướng hiện đại hơn, nhanh chóng nhiều hơn.
Nếu như trước đây bạn phải thay quần áo, dắt phương tiện giao thông xuống đường, hòa mình vào dòng người đông đúc và thời tiết khắc nghiệt để mua hàng thì giờ chỉ cần ngồi tại nhà và lướt mạng là đã có thể mua sắm được tất cả những thứ mình muốn.
Bên cạnh đó, những nhà buôn bán kinh doanh cũng có nhiều cơ hội làm giàu hơn. Nếu chỉ 1 nguồn hàng phong phú nhưng không đủ vốn để mở cửa hàng thì cũng chỉ cần trang hoàng lại trang cá nhân của mình, chăm chỉ đăng tải mặt hàng mình buôn bán, rất nhanh thôi khách hàng sẽ tự tìm đến bạn.
Thế nhưng, sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành mua bán trực tuyến cũng kéo theo những "phi vụ" dở khóc dở cười khi mà hàng hóa đi từ nơi người bán, qua tay những người vận chuyển và đến với người tiêu dùng lại là những câu chuyện chẳng thể lường trước.
Hàng loạt những trường hợp oan trái khi sản phẩm khách đặt nhận về tay khác xa hình thực tế, hay đặt một đằng trả hàng một nẻo, chuyển tiền nhưng không giao hàng,... là những chiêu thức lừa đảo mà nhiều shop ảo thực hiện để chiếm đoạt tiền của khách.
Từ những trường hợp mua hàng online rủi ro này, cùng rút ra 3 trò lừa đảo từ chủ shop để chốt đơn hàng mà bạn chỉ cần thấy mập mờ dấu hiệu nhỏ thôi cùng cần phải né ngay và luôn nhé.
1. Không đặt mà vẫn nhận được hàng
Đây có lẽ là câu chuyện thường gặp khi mua bán hàng online. Sở dĩ mua hàng online dễ bị lừa kiểu này là do người bán và người mua tương tác qua ô chat, không gặp trực tiếp. Khách và người bán có thể cách nhau cả ngàn km hoặc trong nước hoặc tận nước ngoài. Cho nên, chuyện để có thể biết rõ shop là ai, shop bán hàng thế nào, chất lượng ra sao là điều rất khó. Người mua chủ yếu dựa vào đánh giá của khách hoặc đọc xem shop có từng bị dính các "phốt" hay không.
Điển hình như trường hợp của chủ tài khoản Facebook K.O này chẳng hạn. Chị chia sẻ câu chuyện của bản thân khi không đặt hàng nhưng bỗng dưng phải nhận hàng từ một cửa hàng lạ hoắc.
Theo đó, chị K.O nhận được điện thoại giao hàng từ một bạn shipper, không nhớ rõ về việc mình hay người thân trong gia đình có đặt hàng hay không nên chị K.O vẫn nhận hàng và trả với số tiền 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi mở hàng ra chị mới phát hiện sản phẩm đó mình không hề đặt.
Vô tư cung cấp thông tin cá nhân qua Facebook, không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân từ chiêu lừa đảo của những kẻ làm ăn thiếu chân chính.
Từ những thông tin cá nhân những kẻ gian đã cố tình dàn dựng lừa đảo giả danh shop bán hàng để khách hàng nhận về những mặt hàng kém chất lượng, hay không hề đặt bỗng dưng nhận được hàng yêu cầu thanh toán tiền mặt nhưng lại không cho kiểm tra hàng hóa.
Bí kíp:
Bạn không nên quá chủ quan khi đưa ra thông tin cá nhân của mình công khai trên mạng xã hội. Điều này để tránh kẻ gian, người xấu trục lợi, khiến bạn bị mất tiền oan.
3. Đã chuyển tiền nhưng khi tận mắt nhận hàng thì chất lượng kém không thể dùng nổi
Trường hợp của mẹ bầu này đã đặt 1 chiếc váy yêu thích qua 1 shop bán hàng online, đến khi hàng nhận về không giống hình mẫu, mẹ bầu rất bực mình. Nhưng may mắn là liên lạc với shop thời trang kia, họ rất vui vẻ đồng ý sẽ đổi lại đúng hàng khách đã yêu cầu. Thế nhưng, chờ mãi, chờ mãi, chiếc váy yêu thích vẫn bặt vô âm tín.
Hay thậm chí là hình ảnh sản phẩm mà người mẫu mặc vừa vặn, chất liệu đẹp, đường may cẩn thận... nhưng khi khách nhận được lại là sản phẩm kém chất lượng, nhăn nhúm, màu khác xa hình chụp, rộng so với thân hình...
Trong trường hợp này, khách không nên tặc lưỡi cho qua mà cần trao đổi ngay với shop để có được phản hồi vì sao sản phẩm như vậy. Hoặc yêu cầu phải đổi sản phẩm ngay.
Bí kíp né:
Khi mua phải có đoạn trao đổi yêu cầu cửa hàng phải đảm bảo hình ảnh như hình. Nếu khác hay không đảm bảo yêu cầu thì sẽ phải hoàn tiền hoặc đổi đúng như sản phẩm mà khách đặt.
3. Những trang lừa đảo giả mạo cửa hàng nổi tiếng để bán online
Sự tiện lợi khi mua sắm ở shop online không phải bàn cãi nhưng vì không gian ảo nên sẽ có những kẻ mượn danh để lừa đảo. Chiêu thức của chúng là lập shop online giả mạo các thương hiệu lớn đăng trên mạng xã hội để bán hàng. Những người này sẽ nhận tiền nhưng không trả hàng cho khách, khi khách vào thắc mắc đòi bồi thường, giải quyết thì ngay lập tức page giả, tin nhắn đều bị khóa và không thể liên hệ được nữa.
Những page giả thường không có dấu tích xanh. Số lượng người theo dõi thường thấp. Phần địa chỉ website hiển thị trên trang giả mạo có tên miền không phổ biến, là những tên miền lạ, dài và khó nhớ.
Các trang bán hàng này liên tục hiện lên thông tin người mua hàng ảo, sản phẩm được bán với một giá rẻ bất thường.
Kiểm tra thông tin liên lạc được hiển thị trên Facebook và website bằng cách nhấp chuột vào địa chỉ website đó. Nếu dẫn đến một trang web lạ khác đó là giả mạo.
- Các website liên tục hiện lên thông tin người mua hàng ảo.
- Giá bán rẻ một cách bất thường.
Bí kíp né:
Khi mua hàng online khách phải kiểm tra kỹ thông tin về cửa hàng. Những cửa hàng lớn, làm ăn có uy tín sẽ có các đánh giá trên mạng.
Ngoài shop online, khách nên xem có công khai địa chỉ, sau đó gõ địa chỉ này trên google để kiểm tra chính xác.
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể xem địa chỉ đó có số điện thoại khác không thì gọi điện để kiểm tra.
K.T