(Tổ Quốc) - Để kích thích sự sáng tạo và phát triển tính cách cho con, bố mẹ cần lưu ý khi chọn đồ chơi cho bé.
Những món đồ chơi đã trở nên quá quen thuộc với các gia đình nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, thay vì thích gì mua nấy, thấy vừa mắt là chọn ngay thì bố mẹ nên cân nhắc trong việc lựa chọn đồ chơi cho con. Để kích thích khả năng óc sáng tạo cũng như góp phần phát triển tính cách, tâm lý cho trẻ, bố mẹ nên mua đồ chơi cho con dựa vào độ tuổi, kỹ năng và tính cách của bé.
Nguyên tắc khi chọn đồ chơi cho con
Khi mua đồ chơi cho con, bố mẹ nên chọn thương hiệu tin tưởng và có tiếng trên thị trường. Hiện nay có rất nhiều đồ chơi với đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá thành cho các bé, tuy nhiên hãy cố gắng nghiên cứu về thàh phần, cấu tạo, chất liệu vừa để đảm bảo an toàn cho con vừa dễ vệ sinh, cọ rửa và bảo quản chúng.
Chú ý tính an toàn khi mua đồ chơi cho bé: Ngoài việc được làm từ chất liệu không độc hại, đồ chơi nên được thiết kế không góc cạnh, màu sắc trang nhã, không dễ vỡ để tránh làm tổn thương con khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Đồ chơi không nên có âm thanh quá to vì sẽ làm ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Hầu hết hiện nay các món đồ chơi có phát nhạc, âm thanh rất nhiều nên bố mẹ cần chú ý điều đó. Một số loại cũng được nhà sản xuất thiết lập 3 chế độ âm thanh từ nhỏ, trung bình đến lớn, bố mẹ có thể lưu ý điều này khi cho trẻ chơi, tránh làm con bị giật mình bởi cường độ âm thanh này.
Đồ chơi treo trước mặt bé (đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi) phải thường xuyên thay đổi vị trí, tránh để bé nhìn quá lâu vào một điểm hoặc một hướng. Tốt nhất là bố mẹ nên mua đồ chơi có khả năng tự động xoay vòng, hoặc người lớn sẽ thay đổi liên tục món đồ để con quan sát được khắp mọi nơi.
- Đồ chơi phải có tính thẩm mỹ, hình dạng sinh động, có thể tạo hứng thú say mê và phát triển trí tưởng tượng cho bé.
Lựa chọn đồ chơi theo lứa tuổi
Cho bé chơi đồ chơi là một trong những cách giúp bé phát triển tốt nhất. Về tư duy sáng tạo, cũng như khả năng vận động phát triển. Tuy nhiên, đồ chơi chỉ phát huy được hết tác dụng nếu như. Các bậc phụ huynh lựa chọn những món đồ chơi độ tuổi phù hợp nhất với lứa tuổi của con.
- Bé dưới 4 tháng tuổi: Bạn nên mua cho bé những đồ chơi có tác dụng phát triển thị giác, thính giác và các động tác của cơ bàn tay. Đó là những đồ chơi to, màu sắc sặc sỡ, có âm thanh phát ra. Với những bé sơ sinh, hình ảnh đen trắng và to rất có tác dụng vì lúc này bé chưa nhìn được màu sắc. Khi con lớn thêm một chút thì những quyển sách vải, món đồ chơi phát ra tiếng cũng rất thích hợp.
- Bé 5 - 10 tháng tuổi: Lúc này bé đã có thể giơ tay lên để cầm nắm nên bạn có thể chọn cho bé những đồ chơi dễ cầm, phát quang, phát ra âm thanh và dễ lay động được. Các món đồ này vẫn phải đảm bảo an toàn, dễ chơi, màu sắc phù hợp với mắt của trẻ.
- Bé 11 - 18 tháng: Bé đã biết đi, bạn nên mua cho con những đồ chơi phát ra âm thanh và có thể chuyển động được như xe tập đi, xe đẩy, xe kéo giành cho trẻ nhỏ… để giúp bé có hứng thú rèn luyện kỹ năng đi... Lúc này, con cũng đã thích khám phá, tò mò nên những loại đồ chơi có tính giáo dục sớm cũng được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn.
- Bé 18 tháng - 3 tuổi: Thể lực và trí tuệ của bé đã phát triển hơn. Bé thích bắt chước và tập làm theo những động tác của người lớn. Tư duy của bé mang tính trực quan hình tượng. Vì thế, bạn nên mua cho trẻ những đồ chơi có tính chất mô phỏng lại cuộc sống xã hội như: đồ chơi nấu ăn, đồ chơi bác sĩ.
- Bé 4-5 tuổi: Bé đã lớn và không còn hứng thú với những đồ chơi có chi tiết đơn giản mà thích những thứ có khả năng cử động, chẳng hạn như: búp bê phải cử động được chân tay, mắt hay thay được quần áo... Ở độ tuổi này, con bắt đầu thích lắp ghép những món đồ khó như lego, xoay rubik hoặc sắp xếp các mảnh ghép nhỏ thành một bức tranh hoàn chỉnh.
- Bé 5-6 tuổi: Bạn nên chọn mua những đồ chơi phát huy trí thông minh của bé như: đất sét, đồ chơi xếp hình, tranh động vật, trò chơi điện tử để phát huy và kích trích trí não của bé.
Lựa chọn đồ chơi theo tính cách của bé
- Đối với những bé quá hiếu động: Nên chọn những đồ chơi ở trạng thái tĩnh để sửa thói quen quá hiếu động của bé. Những trò chơi như xếp hình, đất nặn, xếp hình, lắp ghép... định hướng sự chú ý của bé vào tay và não để tháo, lắp ghép hình, dần dần sẽ khắc phục được thói quen hiếu động của trẻ.
- Đối với những bé có tính nhút nhát, trầm ngâm: Nên chọn loại đồ chơi ở trạng thái động, ví dụ như: ôtô, máy bay, xe tăng... hoặc các loại đồ chơi cần phải chơi cùng bạn để giúp bé dần hoạt bát và nhanh nhẹn hơn.
- Đối với những bé hấp tấp, vội vàng: Hãy lựa chọn những đồ chơi mang tính chế tác để sửa tính khí nóng vội cho bé. Một số đồ chơi tự tạo bằng giấy, gỗ, vải để bé tự tay làm sẽ luyện cho trẻ tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, không nóng vội.
Lựa đồ chơi theo từng kỹ năng
- Đồ chơi giúp con sáng tạo hơn: Vẽ tranh từ các loại hạt, tranh bằng bàn tay, tranh nước, lắp ghép thành hình khối, sắp xếp mảnh ghép thành hình mẫu...
- Đồ chơi giúp bé hoạt động thể lực: nhà cầu trượt, xích đu, chơi bóng rổ, bóng đá...
- Đồ chơi giúp bé tăng khả năng suy nghĩ: cờ vua, lego, xếp rubik...
- Đồ chơi giúp con khám phá: các loại ô tô, sách vải, bộ đồ bác sĩ, kĩ sư...
Lưu ý: Đừng quá cứng nhắc với các quy tắc
Nếu con bạn học rất nhanh và thích chơi những trò khó hơn một chút thì cũng có thể cho bé thử sức với level cao hơn. Tuy nhiên, đừng quá khó vì sẽ khiến bé dễ cảm thấy chán nản, nhanh bỏ cuộc. Ngoài ra, nếu con đủ tuổi nhưng vẫn chưa thể chơi một trò nào đó thì cũng đừng trách mắng bé, hãy để con tiếp xúc dần dần vì mỗi bé là một cá thể và tính cách khác nhau.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên cùng chơi với con, dành ra khoảng thời gian nhất định trong ngày để tập trung chơi cùng trẻ. Như vậy, vừa giúp con khám phá bản thân vừa là cơ hội gắn kết tình cảm gia đình.
San San