(Tổ Quốc) - Dưới đây là 3 loại rau mà cổ nhân Trung Quốc ví là "rau trường thọ - rau đại bổ", đáng mừng rằng chúng đều được trồng rất phổ biến ở Việt Nam.
Một nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã tiết lộ "bí quyết để trường thọ": Ăn 2 phần trái cây và 3 loại rau mỗi ngày.
Một bài báo đăng trên tạp chí Circulation đã thống kê gần 2 triệu người trưởng thành và chứng minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trái cây và rau quả đối với tuổi thọ.
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, cứ 10 người trưởng thành thì chí có 1 người ăn đủ lượng trái cây và rau xanh khuyến cáo. Ngoài việc tăng cường ăn rau, mọi người nên lựa chọn các loại rau lành mạnh nhất, bổ dưỡng nhất cho mình.
Dưới đây là 3 loại rau mà cổ nhân Trung Quốc ví là "rau trường thọ - rau đại bổ", đáng mừng rằng chúng đều được trồng rất phổ biến ở Việt Nam.
3 món "rau trường thọ - rau đại bổ" trồng đầy ở Việt Nam
1. Giá đỗ: "Thuốc" của mạch máu và làn da
Giá đỗ vị ngọt, hăng, hơi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ khát, tiêu thực. Ăn nhiều giá giúp bảo vệ được tế bào của cơ thể ngăn ngừa quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
- Giá đỗ giúp chống tăng huyết áp và bảo vệ mạch máu
Lượng lớn vitamin và khoáng chất trong giá đỗ có thể bảo vệ mạch máu, giúp máu lưu thông trơn tru hơn.
- Giá đỗ làm đẹp da
Giá đỗ rất giàu vitamin E có khả năng ức chế quá trình sản sinh sắc tố melanin, có tác dụng trị nám rất tốt. Đồng thời, vitamin E có thể tiêu diệt các gốc tự do hiệu quả, cải thiện hoạt động của tế bào, làm chậm quá trình lão hóa.
- Giá đỗ tốt cho hệ tiêu hóa
Giá đỗ vốn dĩ chứa đủ chất dinh dưỡng, nhiều vitamin, giàu protein... Sau quá trình ngâm, giá đỗ phát triển và chuyển hóa thành dạng có khả năng giúp tiêu hóa dễ hơn.
- Giá đỗ giúp bổ sung vitamin C
Trong quá trình sinh trưởng của giá đỗ sẽ tổng hợp một lượng lớn vitamin C, có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng chống cảm lạnh.
Cách sử dụng tốt nhất: Cách sử dụng giá đỗ hiệu quả nhất chính là rửa sạch, nhai kỹ, hoặc có thể dùng giá làm nộm, luộc lấy nước uống cũng đem lại hiệu quả tương tự.
Lưu ý khi ăn: Giá đỗ có tính lạnh, người tỳ vị hư nhược không nên dùng. Không nên nấu giá đỗ quá lâu vì sẽ khiến dinh dưỡng bị mất đi đáng kể. Không dùng giá đỗ khi đang uống thuốc vì giá đỗ có tính giải các chất độc nên nó cũng có thể giải luôn tác dụng của thuốc.
2. Lá hẹ: Nuôi dưỡng thận và thúc đẩy tiêu hóa
Theo sách Bản thảo thập di, có đoạn viết: "Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên". Trong Đông y, rau hẹ có vị cay, hơi chua, tính ấm, được mệnh danh là rau của thận, tốt cho "cánh mày râu" trong chuyện sinh lý.
Lá hẹ cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ thô, có tác dụng trong việc cải thiện nhu động đường tiêu hóa, trị táo bón, ngăn ngừa ung thư ruột kết.
Đồng thời, lá hẹ cũng có công dụng làm tan huyết ứ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải độc.
Cách sử dụng tốt nhất: Nấu các món từ hẹ như làm canh hẹ nấu thịt, canh hẹ đậu hũ nấu tôm, lá hẹ xào trứng...
Lưu ý khi ăn: Khi chế biến lá hẹ cần lưu ý cắt nhỏ và xào lửa to, thao tác thật nhanh. Những người âm hư hỏa vượng (triệu chứng: buồn bực, gò má ửng hồng, miệng khô không muốn uống nước, lưỡi đỏ, đổ mồ hôi trộm ban đêm…), người bị lở loét và các bệnh về mắt không nên ăn lá hẹ.
3. Rau dền: Tốt cho người bệnh tiểu đường, nhuận tràng, giải độc
Người Trung Quốc xưa ví rau dền là "rau trường thọ". Theo tờ Aboluowang, rau dền cơm được người dân xứ Trung Hoa yêu thích vì "bổ hơn thịt, rẻ hơn thuốc".
Trong Đông y, rau dền có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có công dụng chữa bỏng, mụn nhọt, bệnh đường hô hấp.
Rau dền là một trong những loại rau có hàm lượng chất sắt cao nhất trong các loại rau tươi. Hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Chính vì thế đây là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Bên cạnh đó, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Rau dền tính lạnh, vì vậy rất phù hợp để sử dụng trong những ngày nóng bức, nó giúp giải nhiệt, đồng thời giải độc tốt cho cơ thể.
Cách sử dụng tốt nhất: Luộc, hấp.
Lưu ý khi ăn: Không nên ăn rau dền quá nhiều một lúc vì có thể dẫn đến đầy hơi. Tránh ăn rau dền kết hợp cùng quả lê vì có thể gây cảm giác nôn và buồn nôn. Rau dền là loại rau có tính mát, không phù hợp cho những người bị tiêu chảy mạn tính, lạnh bụng...
Đậu Đậu