(Tổ Quốc) - Để đảm bảo có thể sống chung với dịch Covid-19, chúng ta cần chắc chắn mình có thể tự bảo vệ sức khỏe tốt, nếu chẳng may mắc bệnh thì cũng nhanh chóng phục hồi. Người già như ông bà, cha mẹ là đối tượng càng được quan tâm nhiều hơn.
Dịch bệnh Covid-19 ở nước ta vẫn chưa có hồi kết khi hàng ngày vẫn xuất hiện số ca mắc mới tại nhiều địa bàn trên cả nước. Cách duy nhất để chúng ta bình ổn lại cuộc sống chính là sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo có thể sống chung với dịch Covid-19, chúng ta cần chắc chắn mình có thể tự bảo vệ sức khỏe tốt, nếu chẳng may mắc bệnh thì cũng nhanh chóng phục hồi. Nhất là người già như ông bà, cha mẹ sống cùng gia đình với chúng ta, điều này càng đặc biệt quan trọng.
Dưới đây là lưu ý đặc biệt quan trọng dành cho người cao tuổi trong giai đoạn "bình thường mới":
Người cao tuổi nào có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn?
Theo BS Trương Hữu Khanh (Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhiễm tới bất cứ ai, người cao tuổi cũng vậy. BS khẳng định: "Người cao tuổi có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu nên cần hết sức cẩn trọng bởi nếu chẳng may nhiễm Covid-19 thì rất nguy hiểm".
Trong nhóm người cao tuổi, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh có những người già có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Đó là nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền. Theo Bộ Y tế, người mắc những bệnh nền sau cần hết sức cẩn trọng vì nếu chẳng may nhiễm bệnh thì dễ chuyển biến nặng:
- Đái tháo đường.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).
- Bệnh thận mạn tính.
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
- Béo phì, thừa cân.
- Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).
- Bệnh lý mạch máu não.
- Hội chứng Down.
- HIV/AIDS.
- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.
- Hen phế quản.
- Tăng huyết áp.
- Thiếu hụt miễn dịch.
- Bệnh gan.
- Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.
- Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
Người già mắc Covid-19 thường bị ảnh hưởng như thế nào về thể chất và tinh thần?
Giới chuyên gia nhận định, người già mắc Covid-19 thường dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần khiến sức khỏe thể chất cũng theo đó mà suy yếu hơn. Về mặt thể chất, theo Quỹ Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm, người cao tuổi dễ mắc và tử vong cao hơn do Covid-19 là vì:
Một là, chức năng hệ miễn dịch giảm suy giảm. Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể có sự thoái hóa, suy giảm chức năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần. Mặt khác, hệ miễn dịch chính là "tấm khiên" của cơ thể ngăn chặn mọi tác động bên ngoài. Chức năng bảo vệ của hệ miễn dịch giảm khiến người lớn tuổi gặp khó khăn trong cuộc chiến chống lại "kẻ xâm lược" – virus, vi khuẩn tấn công cơ thể.
Hai là, phản ứng viêm quá mức. Khi tuổi tác tăng cao, mức độ viêm cao có thể làm tổn thương phổi, thận và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Ba là, dễ gặp biến chứng. Người cao tuổi thường có sẵn tình trạng bệnh lý nền trước đó, nên việc virus xâm nhập gây nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn ở bệnh tim, thận hoặc gan. Các trường hợp nặng, người bệnh phải thở bằng máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), thậm chí dẫn đến tử vong.
Bốn là, chức năng phổi giảm theo tuổi tác. Điều này khiến khả năng thông khí kém hiệu quả, nếu có thêm tình trạng viêm phổi tiến triển thì tình trạng suy hô hấp dễ phát triển.
Từ những sự thật đó, người già mắc Covid-19 dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần. Sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho quá trình điều trị và phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với những độ tuổi khác.
Vậy, phải làm sao để giúp ông bà, cha mẹ chúng ta phòng bệnh Covid-19 trong khi họ vẫn muốn ra ngoài thể dục, thỉnh thoảng gặp bạn bè cùng khu phố?
Không ai có thể ở mãi trong nhà từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, ông bà, cha mẹ của chúng ta cũng vậy. Người cao tuổi cũng cần có không gian giao lưu, giao tiếp xã hội, đi bộ, tập thể dục để giải khuây cũng như nâng cao sức khỏe... Trong mùa dịch Covid-19 kéo dài, giới chuyên gia xác định con người cần có suy nghĩ sống chung với dịch bệnh. Ông bà, cha mẹ chúng ta cũng cần sống chung với dịch bệnh thay vì lo lắng, sợ hãi.
Tất nhiên, không chỉ nói thế là xong. Bạn nên phòng tránh tối đa khả năng diễn tiến nặng của bệnh Covid-19 cho cha mẹ, ông bà mình nếu chẳng may nhiễm bệnh. BS Trương Hữu Khanh khẳng định, trong hiện tại, không có giải pháp phòng bệnh nào hiệu quả hơn bằng cách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19. Thay vì e dè, lo sợ, hãy tiêm vắc-xin ngay khi có cơ hội. Khi đi ra ngoài thì cần chú ý đảm bảo 5K, nhất là đeo khẩu trang và dùng sát khuẩn thường xuyên.
Bên cạnh đó, những người trẻ khỏe, đủ tuổi tiêm vắc-xin Covid-19 cũng nên tiêm đầy đủ. Bởi chỉ khi bạn đã tiêm đầy đủ thì cũng giúp giảm khả năng lây nhiễm bệnh sang cho ông bà, cha mẹ của mình. Ngoài tiêm phòng, người trẻ cũng cần đảm bảo phòng chống dịch 5K để tránh mang mầm bệnh về lây nhiễm cho người trong gia đình, trong đó có người cao tuổi.
Tóm lại, muốn phòng bệnh Covid-19 để ông bà, bố mẹ có thể quay về cuộc sống gần như xưa nhất có thể, bạn cần đảm bảo những việc bên trên, đòi hỏi cả người già lẫn người trẻ phải hợp tác. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đảm bảo cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới đúng nghĩa an toàn!
Để giúp người cao tuổi cập nhật những kiến thức, thông tin về sức khoẻ của bản thân chính xác nhất, Bệnh viện Đại học Y đã hợp tác với VCCORP thực hiện chuyên đề "Sống khoẻ - Quà tặng cháu con" trên các trang tin Soha, Afamily, Kênh 14, CafeF, CafeBiz, mạng xã hội Lotus và các nền tảng truyền thông khác.
Chuyên đề sẽ đem tới những thông tin giúp người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần cũng như góp phần thức tỉnh sự quan tâm, chia sẻ của con cháu, giới trẻ bằng hành động để họ trở thành cầu nối, hướng dẫn ông bà, cha mẹ tiếp cận với các kiến thức, công cụ, chương trình về chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt, chương trình còn giúp người cao tuổi tiếp cận được với các y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để được giải đáp các thắc mắc 24/7 qua tổng đài của bệnh viện.
TH