(Tổ Quốc) - Nếu bạn mua trái cây để bày mâm ngũ quả, bày bàn thờ cúng gia tiên nhưng thiếu một trong 3 loại quả này thì thật sự là thiếu sót vô cùng lớn cho mong ước cả năm an lành, hạnh phúc.
Vào dịp Tết, trên bàn thờ cúng gia tiên luôn có rất nhiều loại trái cây, hoa quả bắt mắt. Trong đó, đặc biệt không thể thiếu 3 loại quả linh thiêng trên ban thờ ngày Tết. Chúng không chỉ giúp bàn thờ trở nên trang nghiêm, thanh tịnh mà còn chứa đựng tất cả tấm lòng thành của gia chủ trong một năm. Hơn hết, những loại quả này cũng có công dụng chữa bệnh cực tốt ngay trong Tết Nguyên Đán.
Nếu bạn mua trái cây để bày mâm ngũ quả, bày bàn thờ cúng gia tiên nhưng thiếu một trong 3 loại quả này thì thật sự là thiếu sót vô cùng lớn cho mong ước cả năm an lành, hạnh phúc:
Phật thủ có mùi thơm đặc trưng, tượng trưng cho sự lưu giữ thần Phật. Người dân ta tin dùng thờ cúng phật thủ sẽ giúp bàn thờ trở nên trang nghiêm hơn, thanh tịnh hơn.
Từ đó sẽ giúp chư thần chư vị, thần linh thổ địa, ông bà tổ tiên... có thể giáng ngự và phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc, dồi dào tài lộc.
Phật thủ cũng là một vị thuốc trong Đông y. Đông y ghi nhận, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau...
Phật thủ còn có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa. Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, axit hữu cơ, dầu chanh, glycozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí.
Trong bách khoa "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi có ghi, phật thủ dùng ngày 3-6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Phật thủ rửa sạch, thái thành phiến, phơi khô ngâm với rượu, uống trước bữa ăn, có tác dụng chữa tỳ vị rất tốt.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, người người nhà nhà mua phật thủ để trưng bày cho một năm mới an yên, tài lộc sum vầy. Sau đó không để bàn thờ nữa cũng đừng vội vứt đi, loại quả này hoàn toàn có thể được tận dụng làm thuốc chữa bệnh như bệnh đường tiêu hóa, ợ hơi, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, ho nhiều đờm, giải rượu...
2. Quả bưởi
Bưởi tượng trưng cho sự tròn đầy. Trong mâm ngũ quả bày cúng tổ tiên ngày Tết, từ xưa đến nay, bưởi là loại quả không bao giờ được thiếu bởi lẽ đó. Có bưởi thờ cúng dịp đầu năm là mong muốn một năm may mắn, mọi thứ đều tròn trịa, đầy đủ.
Trong Đông y, vỏ bưởi có vị đắng cay, tính bình; tác dụng trừ phong hóa đờm, tiêu tích, tiêu phù, hòa huyết giảm đau. Múi bưởi vị ngọt, chua, mát; vào tỳ, vị, phế; tác dụng kiện tỳ tiêu thực, khoan trung hạ khí, nhuận phế hóa đàm, chỉ khái, giải tửu.
Bưởi dùng tốt cho người bị đầy trướng đau tức vùng ngực bụng rối loạn tiêu hóa, nôn ói do nhiễm độc thai nghén, nôn ói do say tàu xe, viêm khí phế quản, viêm họng ho nhiều đàm, say bia rượu...
3. Chuối
Hình ảnh quả bưởi đặt lên nải chuối, bạn có liên tưởng đến điều gì không? Trong phong thủy, nải chuối lúc này như bàn tay đang hứng lấy, cầu xin những điều viên mãn, tròn đầy cho một năm mới. Hình ảnh này cũng tượng trưng thay cho lời cầu nguyện của các gia chủ.
Để bày mâm ngũ quả, loại chuối được lựa chọn tất nhiên là chuối tiêu. Không đơn giản là loại quả chọn vì đẹp mắt, vì ý nghĩa phong thủy, đây còn là loại quả chữa vô khối bệnh trong Đông y.
Theo Đông y, chuối tiêu vị ngọt, tính lạnh; vào vị, đại tràng có tác dụng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Chuối tiêu đặc trị trong các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Vỏ quả chuối chín vị ngọt, chát, tính ôn; tác dụng sát trùng, chỉ tả.
Thế nên, sau khi hết thời gian bày mâm ngũ quả, bạn nên tận dụng làm thuốc chữa bệnh. Không còn gì tuyệt vời hơn là những ước mong, hi vọng chữa lành bệnh tật được lấy từ những thứ được bày trên ban thờ ngay dịp đầu năm mới. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, an yên, cả năm hạnh phúc với những vị thuốc từ thiên nhiên!
TH