3 kịch bản lạm phát năm 2020

(Tổ Quốc) - Vị chuyên gia thường có dự báo khá chính xác về CPI tin rằng, việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020 do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 3/1 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đã đưa ra một số kịch bản về lạm phát trong năm 2020.

Cụ thể, vị chuyên gia thường có dự báo khá chính xác về CPI tin rằng, việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.

Và ông đưa ra 3 kịch bản. Thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.

Thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I/2020, do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2019. Lúc đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.

Thứ ba, cũng là kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.

Ông Nguyễn Đức Độ dự báo CPI sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% ( /- 0,5%) trong năm 2020.

Trước đó thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho biết GDP năm 2019 ước tính tăng 7,02% so với năm 2018. CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018 và đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4% - đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.

12 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2020 đã được Quốc hội thông qua

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;

2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%;

3. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;

4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;

6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;

7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;

9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;

10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;

12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Phương Thảo

Tin mới