(Tổ Quốc) - Cha mẹ cần hiểu rằng, tiết kiệm là một thói quen tốt nhưng tiết kiệm sai cách sẽ trở nên keo kiệt, tằn tiện.
Thói quen tiết kiệm được không ít cha mẹ dạy dỗ cho con mình ngay từ nhỏ. Thế nhưng, ranh giới giữa việc tiết kiệm và keo kiệt đôi khi lại quá mong manh, trẻ nhỏ có thể không phân biệt được. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình có 3 hành vi tiết kiệm sau đây, nhất định phải sửa đổi ngay cho con mình.
3 hành vi tiết kiệm của trẻ cần cha mẹ sửa đổi
1. Thích tận dụng những thứ nhỏ nhặt
Trẻ thích lấy bút chì, tẩy của bạn trong lớp, đi ăn uống với bạn không bao giờ mang theo tiền, thấy đồ miễn phí đều cố lấy cho thật nhiều, đến nhà bạn chơi thường hay xin xỏ. Tất cả những điều này tưởng chừng là vấn đề nhỏ nhặt, không đáng để bận tâm nhưng dần dần sẽ khiến tính cách của trẻ trở nên méo mó.
Nếu trẻ làm 1 hoặc 2 lần, có thể mọi người sẽ bỏ qua. Thế nhưng, nếu điều này lặp lại quá thường xuyên, nó sẽ tạo thói quen xấu, chẳng có ai thích một người như vậy cả.
2. Thích lấy đồ của người khác
Trong giai đoạn trẻ cần cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc về các quy tắc, nếu không được giáo dục đúng đắn, trẻ sẽ rất dễ coi thường.
Khi chơi với bạn bè, nếu bạn có đồ chơi mới, trẻ lập tức giành lấy cho bằng được. Trẻ không nhận ra thứ này vốn dĩ không thuộc về mình. Đôi khi những hành vi này không dễ bị phát hiện, chẳng hạn như cha mẹ phát hiện trong cặp con mình có một cây bút mới, họ nghĩ con lấy nhầm chứ không phải cố tình. Chính sự xoa dịu này của cha mẹ đã để lại hậu quả tai hại cho tương lai của con cái.
3. Chẳng bao giờ cho người khác cái gì
Khi trẻ đang ăn một cái gì đó nhưng người khác xin xỏ đều không cho, dù cha mẹ cũng không có ngoại lệ. Lúc này, nếu trẻ còn quá bé thì không có vấn đề gì, nhưng nếu trẻ trên 2 tuổi mà có hành vi như vậy rất đáng để cha mẹ lưu ý.
Một số cha mẹ tự an ủi bản thân rằng, trẻ ích kỷ như thế này còn hơn là ngu ngốc, rộng lượng để người khác lợi dụng. Điều này dễ dàng khiến đứa trẻ trở thành một người chỉ biết đến bản thân, sống ích kỷ.
Nếu nhận thấy con mình có những hành vi xấu này, cha mẹ không cần phải quá lo lắng, nghĩ rằng đó là vấn đề to tát khiến cho trẻ sợ hãi. Cha mẹ chỉ cần biết sửa sai thì không bao giờ là quá muộn, dù trẻ 1 tuổi, 10 tuổi hay 20 tuổi vẫn kịp.
Đức tính tiết kiệm cần được trau dồi như thế nào ở trẻ?
Khái niệm tiết kiệm rất rộng, tùy vào từng góc độ sẽ có những cách hiểu khác nhau. Ví dụ, một người có thu nhập bình thường, ăn 1 bữa giá 2 triệu được xem là xa hoa, nhưng đối với người giàu có thì đây là cái giá của 1 ly rượu.
Lúc này, vấn đề không phải chi phí mà là giá trị. Suy cho cùng, người giàu có quyền hưởng thụ cuộc sống, việc chi tiền triệu cho 1 bữa ăn không gọi là xa hoa.
Hiểu được điều này, cha mẹ mới dạy dỗ con cái đúng cách. Cha mẹ nên dạy cho con mình không nên sống xa hoa mà là tiết kiệm, làm những việc phù hợp với hoàn cảnh sống của bản thân.
Khi trẻ chưa hiểu hết tiết kiệm là gì, cha mẹ có thể thay đổi suy nghĩ của con cái bằng cách đưa trẻ đi xem phim, trải nghiệm những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.
Khi hiểu được tiết kiệm là gì, trẻ sẽ biết áp dụng vào cuộc sống của mình tốt hơn. Chẳng hạn như tắt điện sau khi ra khỏi phòng, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không lãng phí tiền bạc vào những thứ không cần thiết…
Khi phát hiện con mình thường hay lãng phí, cha mẹ phải can thiệp chỉnh đốn ngay, đừng để đến khi tình hình nghiêm trọng mới nghĩ cách khắc phục.
PHAN HIỀN