(Tổ Quốc) - Nước thì có rất nhiều, nhưng không phải nước nào cũng có thể uống giải khát. Tương tự như vậy, cuộc sống cũng xuất hiện vô số điều mà người trẻ cần tránh xa để đạt được thành công lâu dài.
Trong những ngày cách ly xã hội này, người trẻ càng phải ý thức cao với bản thân mình. Không nên để những thú vui ngắn hạn, sự hấp dẫn tức thời làm gián đoạn công việc, ảnh hưởng tới lý trí và chậm đi quá trình phát triển của bản thân. Nếu không tự khó tính với chính mình, con đường tiến tới thành công của bạn còn xa lắm.
1. Sự thỏa mãn ngắn hạn từ thiết bị điện tử
12 giờ đêm, rất nhiều người vẫn còn chưa ngủ.
Họ nằm trên giường, lướt Facebook, xem video, chơi game, sử dụng hết ứng dụng này đến mạng xã hội khác. Cứ thế, nửa đêm trôi qua chỉ trong chớp nhoáng. Nếu điện thoại không hết pin, có lẽ người ta có thể cắm mắt vào đó suốt cả ngày cả đêm cũng được.
Màn hình xanh lét của chiếc điện thoại cũng trở thành tấm gương lạnh lẽo phản chiếu lại đôi mắt đờ đẫn, gương mặt vô cảm cùng những quầng thâm đen xì.
Đối với những người có khả năng tự kiểm soát kém, điện thoại có thể đem tới niềm vui ngắn hạn chính là một thảm họa, khiến chúng ta chìm sâu vào đó, không thể tự thoát ra. Ngày cũng dùng, đêm cũng dùng, đi ăn, đi làm, đi đường hay đi vệ sinh cũng không rời tay. Khi đã quen với sự thỏa mãn ngắn hạn đó, não bộ chúng ta sẽ bắt đầu kháng cự việc suy nghĩ và đầu tư dài hạn.
Bạn sẽ ngày càng mất kiên nhẫn, chỉ chấp nhận những mẩu thông tin ngắn và dễ hiểu, chỉ xem đoạn phim cao trào, chỉ đọc phần kết luận của sách vở. Dần dần, bạn sẽ đánh mất sức tập trung trong một thời gian dài.
Thậm chí đáng sợ hơn, Aldous Huxley đã viết trong "Thế giới mới tươi đẹp" (Tên gốc: "Brave new world") rằng: "Người ta cảm thấy đau khổ không phải vì mình thay thế tư duy bằng tiếng cười, mà là do không hiểu tại sao mình lại cười và tại sao mình lại không tư duy nữa."
Sau hàng giờ đồng hồ mải mê với chiếc điện thoại, bạn chẳng đọng lại quá nhiều điều, chẳng cảm nhận quá nhiều hạnh phúc mà thay vào đó là sự trống rỗng vô tận.
Cảm giác thỏa mãn ngắn hạn ấy sẽ đánh cắp thời gian một cách vô thức và giết chết ý chí của bạn về lâu dài.
2. Những lối tắt để đạt mục tiêu
Châu là một người bị ám ảnh về việc giảm cân. Cô đã thử hầu hết các loại sản phẩm, từ sử dụng enzyme Nhật Bản, nhịn ăn, giảm thiểu tinh bột, uống trà lá sen, dùng miếng dán giảm cân...
Cô bỏ ra rất nhiều tiền nhưng hiệu quả đem tới gần như không đáng kể, trọng lượng cơ thể vẫn giậm chân tại chỗ.
Sau đó, Châu nhìn thấy một người bán hàng đăng tải sản phẩm thuốc giảm cân và hình ảnh so sánh trước - sau khi sử dụng trên một trang mạng xã hội. Cô đã bị kích thích rất nhiều và ngay lập tức đặt mua sản phẩm nọ.
Trong ba ngày đầu tiên, sau khi uống thuốc, Châu bắt đầu "ghé thăm" nhà vệ sinh thường xuyên. Người bán nói với cô rằng, đây là dấu hiệu bình thường, cho thấy cô hấp thụ tốt.
Sau ngày thứ tư, Châu mất ngủ suốt đêm. Cô nằm bẹp trên giường với đôi mắt nhắm nghiền, nhưng tim đập nhanh và thái dương giần giật mãi cho đến bình minh.
Do thiếu ngủ, cô kiệt sức và liên tục thấy đau đầu, chân tay đều không vững.
Vì vậy, tuy giảm được 2,5 kg trong tuần đó nhưng trạng thái tinh thần của Châu đã gần như sụp đổ. Cô phải vứt bỏ tất cả số thuốc chưa sử dụng.
Nhiều loại thuốc giảm cân có cơ chế hoạt động giúp bạn giảm trọng lượng cơ thể rất nhanh, nhưng đồng thời, nó còn đem tới vô số thiệt hại không thể xóa nhòa cho cơ thể.
Nếu người trẻ không muốn bỏ ra công sức, chỉ đi tìm các lối tắt để đạt được mục tiêu, họ sẽ phải trả giá rất đắt theo một cách hoàn toàn khác. Không thể từ chối các món chiên rán nhiều calo, cũng không kiên trì tập thể dục mỗi ngày, ngược lại đặt hy vọng vào sản phẩm giảm cân, đó là lý do Châu phải trả giá bằng sức khỏe của mình.
Tương tự như vậy, cũng có người muốn thỏa mãn ham muốn vật chất, nhưng họ không chăm chỉ kiếm tiền, cũng không chịu dành dụm tiết kiệm, vì thế tìm đến những con đường tiêu cực khác như vay nợ lung tung, thậm chí là lừa đảo, cướp bóc, tống tiền…
Trong tác phẩm "Marie Antoinette: The Portrait of an Average Woman" của Stefan Zweig, kể về cuộc đời nữ hoàng Pháp Marie Antoinette, có câu: "Khi còn trẻ, cô ấy không hiểu rằng, mọi món quà mà định mệnh đem tới đều đã âm thầm đánh đổi bằng một mức giá xác đáng rồi."
Cuộc sống không có lối tắt nào cả. Những chuyện càng nóng vội thì càng khó thành công, chỉ có cách duy nhất là từ từ tiến bước.
3. Sự đồng hóa về tư tưởng
Một cô gái trẻ thường xuyên chia sẻ những bài viết mỗi ngày với nội dung như sau:
"Những dấu hiệu cho thấy anh ấy không yêu bạn nữa"
"Danh sách những biểu hiện của một gã đàn ông tồi, hãy cẩn trọng"
"Đàn ông như một củ hành tây, càng bóc càng rơi nhiều nước mắt"...
Những bài viết này sử dụng một số ví dụ điển hình, kết hợp với logic đơn giản nhưng đánh trúng tâm lý của rất nhiều phái nữ. Thường xuyên tiếp xúc với những thông tin này, họ tự "tẩy não" mình bằng những ám ảnh tồi tệ, đồng thời cũng tự đem lại cảm giác vượt trội ảo tưởng về bản thân.
Những người viết ra thông tin này hẳn là cực kỳ am hiểu một điều: Con người là loài động vật dễ bị điều khiển bởi ý thức. Khi không có lập trường riêng, chúng ta rất dễ bị đồng hóa bởi tư tưởng số đông, đánh mất khả năng tư duy độc lập.
Chẳng hạn như, nghe một nhân sĩ thành công cho rằng, "Càng biết tiêu tiền thì lại càng biết kiếm tiền", vậy là đa số người đều vội vàng tiêu xài, mua sắm không biết điểm dừng. Nhưng thực chất, để đạt được thành công, vị nhân sĩ đó đã phải vượt qua vô số nhân tố, khó khăn mà "biết tiêu tiền" chỉ là một chi tiết rất nhỏ khác trong hành trình đó.
Có thể thấy rằng, người trẻ chúng ta tuyệt đối không nên để tư tưởng bị đồng hóa, bị dẫn dắt bởi số đông. Khi tiếp nhận thông tin phải có tư duy, có suy ngẫm và có quá trình chắt lọc.
Duy trì khả năng suy nghĩ độc lập sẽ giúp bạn nhìn rõ bản lĩnh thực sự của bản thân, từ đó phát triển chính mình một cách vững vàng. Đừng nên vội vàng tiếp cận với bất cứ điều gì mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng. Con đường thành công cần rèn luyện bản tính kiên trì và cẩn thận.
Phương Thúy