(Tổ Quốc) - "Nếu người ta đã coi như mình không có mặt trên cuộc đời này, thì mình cũng không cần xuất hiện, không cần làm phiền đến cuộc sống riêng của họ", Tít tâm sự.
DJ Tít (tên thật là Trần Thị Thủy Tiên) sinh năm 1994 tại Lai Châu. Sau này, cô theo ông bà tới Điện Biên sinh sống. Được nhớ đến với hình ảnh một nữ DJ xinh đẹp và nóng bỏng thế nhưng không phải ai cũng biết cô từng trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió.
Kí ức của cô là bóng dáng tiều tuỵ của mẹ trong những tháng ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh. Từ một người phụ nữ xinh đẹp nức tiếng, căn bệnh ung thư phổi đã lấy đi hình hài của duyên dáng yêu kiều đó, và cướp đi mẹ của đứa con thơ vừa mới lên 10.
Sự vắng mặt của mẹ trên cuộc đời này đã để lại trong trái tim Tít nỗi trống trải không gì khoả lấp được. Dù sau này, những điều cô nhớ được về mẹ chỉ là một gương mặt nghiêm nghị, những lần chớp nhoáng về thăm con... thì bóng hình mẹ vẫn theo cô trên mọi chặng đường đời.
DJ Tít bảo, dù được "bú" bà nhiều hơn bú mẹ, ngửi hơi ấm của bà nhiều hơn hơi ấm của mẹ nhưng cô vẫn luôn cảm nhận được yêu thương của mẹ cận kề, cả khi mẹ không còn trên đời này nữa.
"Còn bố em thì sao, Tít?", tôi hỏi. Cô DJ xinh đẹp nở một nụ cười. Cái nụ cười bình thản và an nhiên khiến người đối diện thấy thoáng chút lạ lùng. "Em thấy bình thường chị ạ", Tít chậm rãi đáp.
Rồi bắt đầu kể: "Giấy khai sinh của em vẫn có tên bố đấy! Nhưng từ khi lọt lòng đến giờ em chưa bao giờ gặp bố cả.
Bà em bảo hồi ấy mẹ em yêu bố nhưng ông bà ngăn cản. Tính mẹ thì cương quyết lắm. Hai người lấy nhau mội thời gian thì mang thai em.
Hồi em vẫn còn chưa chào đời, bố nói với mẹ theo đoàn văn công đi diễn xa. Rồi bố đi luôn không về nữa"...
Tôi hỏi tiếp: "Em có tò mò muốn biết bố là ai, bố đang như thế nào, hay muốn hỏi bố là tại sao lại bỏ hai mẹ con em mà ra đi chưa thế?".
Cô trả lời: "Chị biết không, có rất nhiều người cũng hỏi em giống như chị. Họ còn bảo là chắc chắn sau này em sẽ đi tìm bố. Vì ai cũng muốn biết về nguồn cội của mình.
Em thấy thường những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình ly tán hay đặt câu hỏi với người thân là bố/mẹ con đâu, tại sao bố/mẹ không xuất hiện trong cuộc đời con.
Nhưng từ nhỏ em đã không bao giờ nhắc đến bố.
Ông bà thi thoảng kể chuyện với em nhưng chỉ nói qua qua thôi. Bảo là nếu bố muốn tìm mình rất dễ. Nhà bố ở ngay gần nhà ông bà trẻ của em. Để biết được thông tin về em đâu khó khăn gì.
Thế nhưng bố không tìm. Em nghĩ bố có lý do khó nói.
Còn em nghĩ đơn giản lắm, nếu người ta đã coi như mình không có mặt trên cuộc đời này, thì mình cũng không cần xuất hiện, không cần làm phiền đến cuộc sống riêng của họ. Ai cũng có những nỗi niềm riêng, cuộc sống riêng. Khi họ đã quyết định như thế, mình nên tôn trọng.
Vả lại, em nghĩ việc đấy cũng không quá quan trọng. Nếu mình là một người bi luỵ, suy nghĩ nhiều quá thì sẽ thấy buồn. Nhưng chắc bởi từ bé em không có tình cảm của bố, nên cũng thấy bình thường.
Nhiều bạn bè khi biết chuyện đều thắc mắc với Tít rằng việc "quên lãng" được hoàn toàn một người đáng lẽ ra rất có ý nghĩa trong cuộc đời mình như thế, là do tính cách mạnh mẽ vô tư của cô, hay bởi cái tổn thương ấy quá lớn nên không dám đối mặt.
Tít bảo, hồi bé chạy sang nhà hàng xóm chơi thấy gia đình người ta đông đủ đoàn tụ, cũng chỉ hơi buồn chút rồi lại quên luôn. Không phải cô mạnh mẽ hay vô tư từ nhở, mà vì "em có ông bà rồi, ông bà yêu thương, chiều chuộng bù đắp, nên em không thấy thiếu thốn. Ông bà giống như bố mẹ em vậy".
Tuy nhiên, cũng có một giai đoạn khá khó khăn xảy ra với DJ Tít. Đó là thời điểm cô quyết định rời xa vòng tay bao bọc chăm chút của ông bà, một thân một mình lên Hà Nội kiếm sống.
Hồi ấy, Tít mới chỉ 13 tuổi.
Trải qua những ngày tháng khó khăn, cơ cực đến nỗi gói mì tôm cũng phải đi mua chịu, Tít thấm thía sự mất mát của một đứa con lớn lên mà thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ.
Buổi đêm nằm trong căn nhà trọ, sau một ngày bươn bả kiếm sống với đầy rẫy những cạm bẫy, tủi hờn... Tít rơi nước mắt. Lần đầu tiên sau chừng ấy năm, cô bắt đầu nghĩ đến hai chữ "GIÁ NHƯ".
Giá như mẹ vẫn còn sống! Giá như bố không bỏ đi! Giá như ngay lúc này đây, ở nơi tối tăm chật chội này, mình có thể gọi một cuộc điện thoại và đầu dây bên kia đáp: "Có mẹ đây, con đừng sợ!".
Thế nhưng, chính sự thiếu thốn ấy đã khiến Tít trở thành cô của ngày hôm nay. Lúc vượt qua được những khó khăn, cũng là lúc Tít nhận ra được mình đã trưởng thành, và mọi nỗi đau cũng chỉ là thử thách để cô mạnh mẽ bước tiếp trong cuộc sống này.
Ở tuổi 26, Tít đã vững vàng hơn. Những kỉ niệm tưởng rằng là nỗi buồn năm xưa giờ cũng chỉ là "chuyện thường tình".
"Tức là em sẽ bỏ qua cho bố tất cả đúng không"?, tôi hỏi.
Tít suy nghĩ một chút rồi đáp: "Có gì đâu chị. Người khác có thể làm điều gì đó không đúng với mình, nhưng có bị tổn thương hay không, lại do mình quyết định.
Ngay từ đầu em đã không nghĩ gì, thì sau này cũng thế. Kí ức của em về bố là con số 0, thì mọi thứ về bố cũng là số 0 như thế.
Lúc 13 tuổi, có thể em có đôi chút chạnh lòng, nhưng giờ em nghĩ mình phải quen với những điều thường tình như thế trong cuộc sống.
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi gia đình một hoàn cảnh. Không nhà nào giống nhà nào được. Vả lại, có rất nhiều câu chuyện nhìn bề ngoài là như thế, nhưng bên trong không thật sự như thế.
Ai muốn như vậy đâu. Kể cả ông bà hay mẹ mình cũng không muốn như thế! Nhiều khi bị rơi vào những hoàn cảnh không thể làm khác được, thì cũng không thể trách được.
Đôi khi, em còn phải nói cảm ơn những khó khăn đó, để em trở thành một người mạnh mẽ như bây giờ".
Giống như khi bắt đầu, Tít kết thúc cuộc trò chuyện bằng một nụ cười yên bình. Cô bảo: "lâu lắm rồi em mới thấy mình hạnh phúc như vậy". Vòng qua những ngón tay cô là bàn tay của một người đàn ông trẻ tuổi, có gương mặt nam tính nhưng ấm áp.
Đó cũng là người đàn ông đã lắng nghe tâm sự của Tít trong suốt bao tháng ngày. Rồi thương cô đến thắt ruột. Càng nghe, càng hiểu, càng thấy yêu và trân trọng người con gái đã đi qua giông gió, để trưởng thành và tốt đẹp như bây giờ.
Vân Anh