(Tổ Quốc) - "Lúc sắp cưới nhau đi coi bói ông thầy nhìn rồi bảo rằng ba mẹ khắc tuổi, không nên về chung một nhà. Mẹ lúc đó kiểu: 'Thôi giờ thầy bảo vậy thì chia tay sớm bớt đau khổ'. Tuy nhiên...", Thu Hương chia sẻ.
Thời nay nhiều người luôn đau đầu vì tán gái sao mà khó quá. Nhiều anh chàng rơi vào tình cảnh "ế dài" rồi lại thắc mắc chuyện tại sao ngày xưa các phụ huynh lại quen biết, yêu đương và cưới nhau. Có bí quyết cả đấy, như câu chuyện của bố mẹ Thu Hương dưới đây là một ví dụ.
Cãi lời thầy bói để cưới cô hoa khôi ít hơn 5 tuổi
Ba Thu Hương tên Đạt, mẹ là Mộng Thu đều đang sinh sống tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ba mẹ cô cưới nhau vào năm 1995. Cơ duyên gặp gỡ của họ khiến cô con gái đến hôm nay nghĩ lại vẫn phải bật cười.
Hương kể: "Năm đó, ba đến nhà một người bạn từng đi nghĩa vụ quân sự chơi thì gặp mẹ đang gánh nước qua. Nhà bà ngoại cùng xóm với người bạn đó của ba mẹ.
Mẹ hồi đó là hoa khôi đấy, thấy cô gái xinh quá ba mới 'mặt dày' lao ra trêu chọc: 'Em ơi, cần anh gánh nước phụ không?'. Tiếc là mẹ có nghe nhưng im ru, chẳng đáp lại câu nào mà đi qua luôn. Tuy vậy, ba đã thích mẹ ngay từ lúc đó rồi.
Sau đó, ba cố tìm cách bảo anh bạn đó mai mối giúp để làm quen cho bằng được. May mắn là vài ngày sau, vợ chồng chú đó rủ mẹ cùng ba đi chơi núi Bửu Long. Chuyến đi chơi là cơ hội cho ba thể hiện. Đi nhóm được vài lần thì mẹ cũng có cảm tình với ba và hai người tách riêng ra với nhau. Ngay lần đi chơi đầu tiên ba đã chở thẳng mẹ về nhà ông bà nội giới thiệu rồi".
Thu Hương cũng chia sẻ thêm rằng vì xinh đẹp nên mẹ cô từng có khá nhiều người yêu cũ. Trong xóm thì từ đầu đến cuối xóm, người để ý mẹ cô nhiều nhưng yêu ai được chừng vài tháng là mẹ "đá" người ta.
Hương cho biết: "May mắn cho ba là hồi đó vừa vặn đạt tiêu chí tuổi tác và chiều cao mẹ đặt ra. Một phần mẹ nghĩ ba đi nghĩa vụ về sẽ đủ chín chắn khi được rèn luyện trong môi trường quân đội.
Nhiều người tán tỉnh mẹ có tính cách khá 'trẻ trâu'. Ba hơn mẹ đến 5 tuổi nên sự tin tưởng được đặt cao hơn. Khi mà cô chú cùng xóm rủ đi chơi xa thì mẹ chỉ vì còn trẻ thích đi chơi mà đồng ý chứ chưa nghĩ gì xa xôi. Ai dè lại gặp được chồng tương lai".
Tuy vậy sự "chai mặt" kèm theo chút may mắn của ba Hương chưa chắc đã thành công tán đổ mẹ cô. Cái chính là sự tâm lý và chu đáo của ông trong thời gian tán tỉnh. Không chỉ thế, ba cô còn rất quyết tâm và bỏ qua tất cả để cưới được mẹ.
Hương chia sẻ: "Ba biết mẹ rất lười sửa soạn đi chơi nên ba rất biết cách chọn thứ mẹ thích. Ví dụ như mẹ mê cải lương nên ba luôn mua sẵn vé để rủ rê mẹ xem. Nhờ vậy mà mẹ cũng hứng thú hơn hẳn và dành nhiều thời gian ra đường.
Lúc sắp cưới nhau đi coi bói ông thầy nhìn rồi bảo rằng ba mẹ khắc tuổi, không nên về chung một nhà. Mẹ lúc đó kiểu: 'Thôi giờ thầy bảo vậy thì chia tay sớm bớt đau khổ'. Tuy nhiên ba thì không tin, cho rằng đó toàn thứ nhảm nhí và quyết tâm cưới bằng được mẹ về nhà".
Mẹ Hương đẹp lộng lẫy trong ngày làm cô dâu
2 áo dài, 5 váy cưới và 200 tấm ảnh chụp dù hoàn cảnh khó khăn
Đám cưới diễn ra vào năm 1995, dù gia cảnh khi đó khá vất vả nhưng bố mẹ hai bên đều muốn mang những gì tốt nhất cho con cái.
Thu Hương kể tiếp: "Khi ấy dì mình được bảo lãnh qua Mỹ theo diện con lai nên cũng có gửi chút tiền về phụ đám cưới mẹ. Mẹ mặc tổng cộng 2 áo dài, 5 váy cưới trong hôn lễ. Ảnh chụp cũng có gần 200 tấm để trong 2 cuốn album to bự.
Hồi đó cả nhà nội lẫn ngoại đều khó khăn nhưng cố gắng tổ chức đủ lễ và hoành tráng nhất có thể.
Đám cưới của mẹ có quay phim, chụp ảnh ngoại cảnh ở công viên Đầm Sen và cũng là đám đầu tiên trong xóm có nhạc sống. Lúc dựng rạp, mẹ còn đi ghe qua khu Him Lam (quận 7 bây giờ) khi đó chỉ có sông và ruộng để hái hoa dừa về bó bông, chặt cây lá dựng rạp.
Tiền cưới là bà ngoại và bà bác cho nữa. Mẹ thích chụp ảnh lắm và cưới xin là dịp đời người có một lần nên mới quyết làm lớn như vậy".
Những hình ảnh trong đám cưới.
Sau đám cưới là chuỗi ngày khá khó khăn với ba mẹ Hương. Từ việc kinh tế bấp bênh đến lối sống khác, tất cả đều khiến họ phải mất một thời gian mới thích nghi được.
"Mẹ về làm dâu ở quận 12, ba đi làm ở xưởng giày. Mỗi ngày mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà, chiều ba về thì chở mẹ dạo phố một vòng. Lúc cưới xong thì bán hết nữ trang và dùng tiền mừng để thanh toán các khoản cho đám cưới nữa.
Mẹ từ một cô gái thành thị nấu nồi cơm điện giờ về vùng ngoại ô thành phố phải nhóm củi nấu cơm, chà nhọ nồi đen nhẻm. Xung quanh là đồng trống, ếch nhái kêu. Đêm nào mẹ cũng nhớ nhà khóc. Ba biết ý nên hay đèo mẹ về ngoại lắm. Cuộc sống của ba mẹ cũng vất vả nhiều năm, có lần khi mình đi học mẫu giáo, ba phải bán máu để có tiền đóng học. Sau này nhà nội có đất đai cho thuê để bán xe máy, mở tiệm thì kinh tế mới ổn hơn", Thu Hương tâm sự.
Ba mẹ cô đã cùng nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn đó để xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Hiện tại, cuộc sống của họ đã viên mãn với mọi thứ ổn định, con cái lớn khôn.
Hương kể: "Giờ ba mẹ không cần đi làm nữa, mình và em đã vào đại học. Ông bà nội vừa mất, ba vẫn chạy về nhà nội chăm nom, dọn dẹp và ngủ lại. Tuy vậy, ba vẫn tranh thủ về ăn trưa với mẹ và giúp mẹ gấp đồ.
Ba mẹ ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ lắm nhưng mình và em thì không có được tính cách ấy. Hiện giờ cuộc sống ba mẹ hạnh phúc lắm, cái gì cũng làm cùng nhau. Khi có đám giỗ thì ba phụ mẹ và các bác sơ chế, lau dọn nhà cửa trưng bày các thứ.
Khi ăn xong thì ba dọn dẹp bát đũa và rửa hộ nữa. Khách về ba tự động dọn dẹp lau nhà sạch sẽ. Đó là những điều mà mình hết sức ngưỡng mộ. Đôi khi người đàn ông chẳng cần công to việc lớn gì, giúp được vợ con những việc nho nhỏ cũng là đủ rồi.
Quần áo ba toàn ba tự ủi. Ba cũng chiều mẹ lắm luôn. Mỗi tuần, mẹ lại đưa cho ba một danh sách các thứ đi siêu thị mua về như bột giặt, nước xả, dầu ăn... vì mẹ vẫn lười ra đường như xưa".
24 năm trước quyết định cưới người đàn ông "khắc tuổi", tuy nhiên chưa một ngày nào mẹ Hương cho rằng quyết định ấy là sai lầm. Có thể cuộc sống hiện tại không sang giàu nhưng bình yên, êm ấm và hạnh phúc.
"Mẹ mình vẫn nói may mà năm xưa lấy ba, dù không khá giả nhưng vẫn ngày ăn đủ ba bữa, chẳng lo nghĩ gì nhiều. Mọi việc trong nhà mẹ đều tự quyết được. Những người từng theo đuổi mẹ trước đây, nhiều người chẳng đối xử tốt với vợ con đâu. Bởi vậy, những hàng xóm khi xưa đều bảo rằng mẹ may mắn quá", Hương nói thêm.
Cuộc đời đôi khi chỉ mong được may mắn như thế, tìm được người yêu thật lòng và cùng nguyện sát vai suốt những tháng năm bên nhau.
An Thanh