(Tổ Quốc) - Trong tâm trí của nhiều người dân Sài Gòn, ký ức kinh hoàng về vụ hỏa hoạn tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC cướp đi sinh mạng của 60 người vẫn còn ám ảnh dai dẳng mãi...
Trong 1 buổi đêm, ngọn lửa hung tàn đã cướp đi sinh mạng của 6 thành viên trong 1 gia đình tại Cát Lái - Thủ Đức - TP.HCM vào rạng sáng ngày 30-3-2021. Khi các nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường và danh tính được xác nhận đã khiến bà con lối xóm, hay chỉ đơn giản là 1 độc giả theo dõi tin tức trên các trang báo cũng không khỏi xót xa.
Vài ngày sau đó, khi mà người ta vẫn ngồi nhắc đến vụ cháy thương tâm ở Thủ Đức thì rạng sáng ngày 4-4, bà hỏa lại tàn nhẫn quét qua 1 căn nhà và khiến 4 người tử vong thương tâm. Điều đáng nói, họ cũng là thành viên trong cùng 1 gia đình.
Khi những ngọn lửa qua đi cũng là lúc đau thương hiển hiện trước mắt, nỗi đau của người thân khi chứng kiến thảm cảnh khó mà có thể nguôi ngoai. Kí ức buồn và đầy ám ảnh đó có lẽ sẽ có còn dai dẳng bám riết lấy những người dân đến rất lâu về sau.
Những ngày "đỏ lửa" vừa qua khiến kí ức về 1 vụ cháy có thể gọi là thảm họa vào những năm đầu thế kỉ XX chợt ùa về. Suốt những ngày cuối tháng 10 năm 2002 đó, người dân TP.HCM sống trong không khí nặng nề tang tóc để rồi 19 năm sau đó, nỗi đau ấy vẫn âm ỉ cháy trong lòng người.
VỤ HỎA HOẠN ITC
Tòa nhà ITC là viết tắt của International Trade Center (Trung tâm thương mại Quốc tế) là tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm. Tọa lạc trên vị trí đắc địa được bao bọc bởi các trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn tại Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Toà nhà có sáu tầng lầu với tổng diện tích 6.500m², được xây dựng vào năm 1970, thời đó có tên là Thương xá Tam Đa hay Crystal Palace.
Toà nhà được sửa chữa vào năm 1985, vừa được sử dụng làm tòa nhà văn phòng với 59 phòng cho thuê, vừa như một trung tâm mua sắm với 172 quầy mua bán vàng bạc đá quý, sân trượt băng, căn-tin... Ngoài ra, đây cũng chính là địa chỉ của vũ trường Blue.
Đây có thể coi là niềm tự hào của kinh tế TP.HCM lúc bây giờ, 1 khu trung tâm thương mại rộng lớn với thiết kế đẹp mắt và hiện đại. Nơi đây gần như lúc nào cũng đông đúc bất kể ngày hay đêm.
Thế rồi vào buổi chiều thứ Ba, ngày 29 tháng 10 năm 2002, khoảng 13h30', người ta thấy khói đen mù mịt bao phủ xung quanh tòa ICT. Khu vực tầng 2 và tầng 3 rực lửa, các tầng 4 - 5 -6 bị bao bọc bởi khói đen kịt, các cột khói cũng phát triển dần cao đến hàng trăm mét.
Người dân có quanh khu vực đó đều khẳng định đám cháy bắt nguồn từ tầng 2, cũng chính là tầng vũ trường Blue tọa lạc, đám cháy phát triển nhanh đến chóng mắt và lan ra khắp toàn bộ tòa nhà.
Khung cảnh kinh hoàng đó khiến những người dân sống trong khu vực đường Lê Thánh Tôn và Lê Lợi phải vội vã di dời đồ đạc và người thân ra khỏi nhà đến tìm đến nơi an toàn.
Khi ngọn lửa phát triển đến mức không thể khống chế, nhiều người mắc kẹt trong tòa ITC bắt đầu hoảng loạn và sợ hãi. Sức nóng kinh khủng vượt quá khả năng chịu đựng của con người, tâm lý bất ổn khi cận kề sự sống và cái chết đã khiến nhiều người tìm mọi cách để thoát khỏi ngọn lửa hung tàn, thậm chí bằng những cách thức tiêu cực và nguy hiểm đó là nhảy xuống từ các tầng cao dẫn đến thương tích và có cả trường hợp tử vong.
Ngay lập tức lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại hiện trường, huy động sự tiếp viện của lực lượng chữa cháy Quân khu 7, Bộ Tư lệnh quân sự thành phố, Sân bay Tân Sơn Nhất. Đội cảnh sát chữa cháy trên sông nhận lệnh tiếp nước chữa cháy từ Bến Bạch Đằng.
Tổng cộng có hơn 50 xe chữa cháy với hàng trăm người tham gia làm nhiệm vụ. Trong khi đó, xe cứu thương liên tiếp chở nạn nhân về trung tâm cấp cứu trên đường Hàm Nghi. Hàng chục vòi cứu hỏa phun nước vào trong.
Từng tham gia chữa cháy cứu người trong vụ ITC, Thượng tá Nguyễn Danh Thành, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 (TP.HCM) lúc đó là đội trưởng đội trung tâm, đơn vị nhận được tin và đến đầu tiên chữa cháy, còn nhớ như in những ký ức đau thương và kinh hoàng về vụ cháy ITC xảy ra vào đúng cuối tháng phòng chống cháy nổ.
Lực lượng chữa cháy lên được hiện trường, khung cảnh hết sức hãi hùng hiện ra. Chỗ nào có ghế ngồi thì chỗ đó có người chết. Khi tiếp cận những người tử vong, hầu như họ đã cháy đen và rất khó nhận dạng...
CHỮA CHÁY BẰNG LÒNG DŨNG CẢM
Suốt nhiều giờ đồng hồ, với sự nỗ lực của rất nhiều cơ quan đoàn thể nhưng ngọn lửa vẫn ngoài ngoài tầm kiểm soát của con người. Đội trung tâm tiến hành lập xe thang 52m ở ngay đoạn tiếp giáp giữa ITC và tòa nhà liền kề bên cạnh là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Đồng thời, lập một đường cầu thang bộ để người dân trên tòa nhà xuống.
“Mặc dù đã phun nhiều nước nhưng do diện tích quá lớn nên hầu như ban đầu việc chữa cháy không hiệu quả. Tòa nhà ITC làm theo dạng các u, giữa các tầng lầu của tòa nhà từ tầng 2 đến tầng 7 lại rỗng ở giữa, đây là điểm làm đám cháy lan nhanh. Do vậy, việc chữa cháy bằng việc phun nước gặp nhiều khó khăn”, thượng tá Thành đã kể lại.
Cả tầng 2-3 rực lửa, tầng 4, 5, 6 khói mù mịt ngất trời. Góc tòa nhà bên đường Nguyễn Huệ giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngọn lửa hoành hành dữ dội, 4 xe cứu hỏa tập trung chĩa vòi rồng vào đây. Gió thổi to khiến ngọn lửa đôi lúc lại bùng lên, khí nóng và khói bao trùm toàn bộ khu vực.
Việc chữa cháy bắt đầu từ 13h45, đến khoảng 16h thì ngọn lửa phần nào được khống chế, khói đã dịu bớt. Tuy nhiên những ống vòi phun quá yếu cùng với thiết kế đặc thù của tòa nhà khiến cho nước không thể phun được vào tới bên trong. Hơn 49 văn phòng các doanh nghiệp đang kinh doanh dần bị thiêu rụi toàn bộ.
Lúc này, khi khói đã phần nào giảm xuống, tại khu vực tầng 4 và tầng 5 đường Nguyễn Trung Trực, 1 số thi thể bị cháy đen lộ ra. Lực lượng cứu hỏa bắt đầu triển khai đập tường để thâm nhập vào bên trong dập lửa từng tầng. Ông Lê Tấn Bửu chỉ huy đội cứu hỏa cho thành lập ngay 3 đội trinh sát với 20 người, đập tường khu vực tầng 3, từ phía mặt đường Lê Lợi. Khu vực góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực được dành toàn bộ cho xe bệnh viện và nhân viên y tế.
Đến 19h, lượng khói khủng khiếp bên trong tòa nhà ITC vẫn chưa thể khống chế được. 1 tiếng đồng hồ sau, các tốp cứu hộ bắt đầu đột nhập vào các tầng nhà để tìm kiếm thi thể nạn nhân.
22h, những thi thể đầu tiên được đưa xuống xe cứu thương và di chuyển đến nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng.
Không khí dần nặng nề khi càng lúc càng nhiều thi thể nạn nhân trong tình trạng đau đớn được đưa xuống. 23h45', 4 xe cứu thương chở 16 thi thể rời khỏi hiện trường.
Qua đến ngày 30-10, cuộc tìm kiếm xác nạn nhân vẫn không ngừng nghỉ, toàn bộ khu vực bị phong tỏa, khói vẫn bốc cao.
Nói về trận hỏa hoạn kinh hoàng đó, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy, Sở cảnh sát PCCC TP.HCM, thuộc Ban chỉ huy chữa cháy vụ ITC, cho biết lực lượng cảnh sát PCCC trong vụ ITC đã huy động rất nhiều đơn vị, cả lực lượng chữa cháy bên ngoài như hàng không, quân đội nhưng do đám cháy lớn, xe của lực lượng PCCC tiếp cận khó, phương tiện lại chưa hiện đại nên việc chữa cháy rất khó khăn.
VŨ TRƯỜNG BLUE VÀ SỰ TẮC TRÁCH GÂY NÊN THẢM KỊCH
Trận hỏa hoạn xảy ra ở tòa nhà ITC năm đó đã cướp đi sinh mạng của 60 người, 70 bị thương do bỏng, ngạt và có cả những trường hợp do nhảy lầu vì không chịu nổi sức nóng của ngọn lửa kinh hoàng. Những con số quá khủng khiếp và ám ảnh...
Ngoài ra thiệt hại về vật chất cũng lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Các cuộc điều tra về nguyên nhân vụ cháy nhanh chóng được tiến hành. Điểm khởi phát của đám cháy chính là tại vũ trường Blue tọa lạc tại tầng 3 và đang trong thời gian thi công sửa chữa.
Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn là khi các công nhân sửa chữa vũ trường Blue hàn các bulong định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm (có thể bắt cháy từ nhiệt độ 300 độ C) gây cháy lan nhanh và cháy lớn.
Điều đáng nói và khiến lòng người phẫn uất đó là khi thấy đám cháy lan rộng, thợ hàn không kiểm soát được ngọn lửa thì thay vì ngay lập tức tìm cách ứng cứu và sự hỗ trợ của lực lượng PCCC thì họ đã... đóng kín cửa mặc kệ cho đám cháy cứ thế mà phát triển.
60 mạng người đã bị nhẫn tâm coi thường để rồi ra đi trong đau đớn như thế.
Phiên tòa xét xử những người có liên quan trực tiếp đến vụ hỏa hoạn ITC đã được tiến hành. Trong nhóm tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy có 5 bị can gồm:
Nguyễn Văn Phương (tức Paul Nguyễn - Việt kiều Mỹ, chủ vũ trường Blue).
Huỳnh Quang (nhân viên kỹ thuật ánh sáng vũ trường Blue).
Lâm Nghĩa Hòa (chủ cơ sở cửa sắt Nam Thông tại 72 Calmette).
Nguyễn Phú Tín và Phan Viết Thanh (thợ hàn của Nam Thông - người trực tiếp gây ra vụ cháy).
6 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm:
Chung Thị Mỹ Lệ (nguyên giám đốc ITC).
Lê Hồng Thăng (nguyên đội trưởng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy của ITC).
Lê Ngọc Thủy (phó ban quản lý Blue, vợ của Paul Nguyễn).
Lưu Nhật Tuấn (tổng quản lý Blue).
Nguyễn Trọng Cường (trưởng ban quản lý Blue).
Huỳnh Quý (nhân viên kỹ thuật ánh sáng Blue).
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đình chỉ điều tra với bị can Giang Quốc Trung, một trong 3 thợ hàn gây ra vụ cháy vì đã chết trong hỏa hoạn.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Văn Phương khi cho cải tạo, sửa chữa vũ trường đã không yêu cầu thực hiện an toàn phòng cháy mà chỉ chú ý tới lợi nhuận. Huỳnh Quang được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát việc hàn sửa nhưng không buộc thợ hàn che chắn.
Lâm Nghĩa Hòa và các thợ hàn của cơ sở Nam Thông biết hàn điện gần các tấm xốp cách âm dễ gây cháy nhưng không che chắn.
Chung Thị Mỹ Lệ thiếu kiểm tra công việc cấp dưới, không phát hiện sai sót của Nguyễn Trọng Cường và Lê Ngọc Thủy. Lê Hồng Thăng không triển khai, thực hiện hết chức trách đôn đốc, kiểm tra nội quy phòng cháy chữa cháy tại ITC. Lưu Nhật Tuấn và Huỳnh Quý trực tiếp đề xuất, xét duyệt phương án sửa chữa vũ trường nhưng bỏ mặc, không kiểm tra khi sửa chữa.
Phiên tòa kết thúc, những người có trách nhiệm liên đới đến vụ hỏa hoạn ITC đã phải nhận trách nhiệm trước pháp luật về những tắc trách gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, trong kí ức của cả 1 thế hệ, người ta không thể nào quên không khí tang tóc, nặng nề và đau thương bao trùm cả TP.HCM những ngày đỏ lửa ấy...
Gần 20 năm đã trôi qua nhưng những ký ức kinh hoàng về vụ hỏa hoạn vẫn in hằn trong tâm trí nhiều người Sài Gòn. Tòa nhà ITC bây giờ ra sao, cuộc sống của những người dân quanh khu vực đó hiện như thế nào sau 20 năm? Mời độc giả đón đọc vào đêm mai (11/4).
Mạn Ngọc (T/H)