Giặt sấy quần áo là việc mà chúng ta làm gần như mỗi ngày. Vậy nhưng nhiều người vẫn mắc những sai lầm mà có khi bản thân không hề hay biết. Những lỗi sai ấy sẽ khiến cho quần áo của bạn nhanh hỏng hơn, tốn tiền mua mới.
1. Không kiểm tra nhãn của nhà sản xuất
Các nhà sản xuất quần áo bắt buộc phải dán nhãn hướng dẫn cách chăm sóc lên sản phẩm của họ. Nó sẽ cho bạn những lời khuyên làm sạch tốt nhất mà không gây hỏng vải.
2. Cài đặt sai chế độ hoạt động
Máy giặt và máy sấy đều có nhiều chế độ cài đặt nhưng không phải cái nào cũng phù hợp với món đồ của bạn. Hãy xem kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất và chọn lựa chế độ cài đặt phù hợp, nhờ đó mà tiết kiệm năng lượng đồng thời giữ gìn được chất lượng quần áo.
3. Sử dụng sai chất tẩy rửa
Những loại quần áo khác nhau sẽ phù hợp với dạng bột giặt không giống nhau. Ví dụ đối với trang phục trẻ em hay quần áo vải mỏng, bạn nên dùng chất tẩy rửa nhẹ có nồng độ hóa chất thấp hơn, ít gây hại cho những loại vải mỏng manh.
4. Sử dụng nước quá nóng
Sử dụng nước quá nóng khi giặt quần áo sẽ làm cho các sợi vải bị hỏng nhanh hơn. Bạn hãy chọn nước lạnh và chỉ dùng nước ấm trừ phi thực sự cần thiết.
5. Không phân loại quần áo bẩn theo màu sắc
Việc phân loại quần áo theo màu sắc trước khi giặt có thể không cần thiết nếu bạn sử dụng nước lạnh hoặc quần áo đã được vò qua bằng tay trước đó. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, giữ cho áo quần màu trắng của bạn không bao giờ bị ố màu thì hãy tiến hành phân loại đồ bẩn. Hãy sắp xếp các màu tối với nhau, màu hồng và màu đỏ giặt chung còn sản phẩm màu trắng thì giặt riêng.
6. Không xử lý sớm vết bẩn
Các vết bẩn chẳng may dính trên quần áo càng để lâu thì sẽ càng khó loại bỏ. Nếu chẳng may quần áo bị dây bẩn, bạn hãy xử lý càng sớm càng tốt nhé.
7. Xử lý vết bẩn sai cách
Không phải mọi vết bẩn đều được xử lý theo một cách thức giống nhau. Xà phòng tẩy rửa có nguồn gốc từ dầu mỏ sẽ hiệu quả với các vết dầu mỡ, trong khi đó nếu là vết máu, sôcôla hay mù tạt thì dùng nước lạnh hiệu quả hơn. Hãy dành ra chút ít thời gian để tra cứu và tìm hiểu cách làm sạch đối với vết bẩn mà bạn vướng phải nhé.
8. Chà mạnh vết bẩn
Việc chà xát mạnh có thể làm giãn quần áo, gây hỏng vải, thậm chí còn khiến vết bẩn lan rộng. Thay vào đó bạn hãy chỉ chấm nhẹ và làm sạch vết bẩn từ ngoài viền vào phía trung tâm.
9. Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa
Không phải cho càng nhiều chất tẩy rửa thì quần áo sẽ càng sạch. Ngược lại, hành động đó có thể làm quần áo thêm bẩn vì cặn bột giặt sẽ đọng lại ở những chỗ khó giặt như cổ áo. Bạn hãy làm theo đúng hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất. Khi giặt xong mà vẫn còn thấy bọt xà phòng nghĩa là bạn đang cho quá nhiều bột giặt rồi đấy.
10. Máy giặt quá tải
Vì muốn giặt được nhiều đồ trong khoảng thời gian ngắn, vì thế mà đôi khi chúng ta đổ quá đầy quần áo vào máy giặt gây quá tải. Trang phục của bạn sẽ không có không gian di chuyển đánh bật bụi bẩn, nước cũng chẳng thể len lỏi vào giữa quần áo để làm sạch.
11. Sử dụng máy sấy quá thường xuyên
Việc để quần áo khô tự nhiên sẽ tốt hơn là sấy chúng dưới sức nóng của máy sấy. Quần jean sẽ lâu bị phai màu hơn, các món đồ bằng cotton cũng hạn chế được tình trạng bị co lại. Bạn hãy tận dụng ánh nắng mặt trời để làm khô quần áo, vừa bảo vệ chất lượng vải mà còn tiết kiệm tiền điện. Trong trường hợp sử dụng máy sấy, hãy cân nhắc cài đặt chế độ nhiệt thấp hơn.
12. Không vệ sinh máy sấy
Vệ sinh máy sấy sạch sẽ không chỉ giúp làm khô quần áo nhanh hơn mà còn ngăn ngừa các sự cố phát sinh thậm chí là hỏa hoạn.
Sau mỗi lần sử dụng, bạn hãy làm sạch xơ vải ở lưới lọc. Cứ mỗi 6 tháng đến 1 năm, hãy vệ sinh lỗ thông hơi của máy sấy. Chúng ta có thể dùng nước ấm và xà phòng rửa bát để làm sạch màn hình lỗ thông hơi. Trong trường hợp thấy quần áo lâu khô hơn bình thường, không cần đợi tới 6 tháng, bạn nên vệ sinh lỗ thông hơi ngay lập tức.
Theo: Home
An Du