(Tổ Quốc) - 12 bị can vừa bị khởi tố có sai phạm trong việc IPC Tân Thuận bán chỉ định cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 21/11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã Khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 12 bị can để điều tra về tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến sai phạm tại TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO)
12 người bị khởi tố gồm: ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh VP Thành ủy TP.HCM; Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy Chủ tịch HĐTV IPC; Phạm Xuân Trung, đảng ủy viên, Phó tổng giám đốc IPC; Trần Mạnh Khôi, nguyên Trưởng ban kiểm soát, ; Đoàn Minh Lý; Phùng Đức Trí, Phó bí thư Đảng ủy, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, phó tổng giám đốc IPC; Nguyễn Trường Bảo Khánh, đảng ủy viên, thành viên chuyên trách hội đồng thành viên IPC; Trần Đăng Linh, đảng ủy viên, phó tổng giám đốc công ty; Lương Chí Cường, chuyên viên tài chính- kế hoạch IPC; Đoàn Thị Minh Trang, nguyên trưởng phòng tài chính- kế hoạch IPC; Lâm Văn Tuấn; Vũ Xuân Đức, đảng ủy viên, thành viên chuyên trách hội đồng thành viên IPC
Trong đó, Phạm Xuân Trung, Trần Mạnh Khôi và Đoàn Minh Lý bị bắt giam, còn lại được Cơ quan điều tra cho tại ngoại.
Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với bị can Huỳnh Phước Long - nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty SADECO.
Cách đó vài tháng, ông Huỳnh Phước Long cũng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được cơ quan điều tra cho tại ngoại.
12 bị can này được xác định có vai trò liên quan đến vụ Tề Trí Dũng vi phạm pháp luật trong việc quản lý vốn nhà nước tại công ty IPC và SADECO.
Trưa 21/11, nhiều tổ công tác của Công an TP.HCM đã thực hiện khám xét nhiều địa điểm nơi ở, làm việc của các bị can.
Tại Công ty IPC, xe biển xanh đậu dưới hầm xe của công ty, một tổ công tác đã lên công ty để thực hiện việc khám xét. Tại căn nhà trên đường Bình Lợi, quận Bình Thạnh, một tổ công tác mặc sắc phục công an đã vào bên trong thực hiện khám xét.
Theo điều tra, IPC sở hữu góp vốn tại SADECO do đứng tên pháp lý vốn của Văn phòng Thành Ủy theo quyết định năm 2007 quyết định số 370-QĐ/TCQT-SXKD.
Đến năm 2015, công ty này tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng (IPC có tỷ lệ vốn góp gần 75%).
Tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu của SADECO cho Công ty Exim với giá 26.100 đồng mỗi cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại SADECO từ 75% xuống 44%.
Đến tháng 9/2016, Exim lại bán lại cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 mỗi cổ phiếu.
Cuối năm 2016, Công ty Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của SADECO và cam kết cùng phát triển hai dự án tại 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) và Khu dân cư Rạch Chiếc trên đường Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức).
Sau đó, SADECO đã ra nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược, và được nhóm đại diện vốn của IPC tại SADECO đồng ý.
Tháng 1/2017, SADECO và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp, xác định mỗi cổ phiếu là hơn 36.500 đồng.
Tháng 6/2017, khi chưa trình UBND TP.HCM chủ trương tăng vốn góp, SADECO đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Việc bán chỉ định cổ phiếu cho Nguyễn Kim được cho là giúp doanh nghiệp này thâu tóm SADECO khi chiếm 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%.
Theo Cơ quan điều tra, hành vi này của SADECO gây thiệt hại ít nhất hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước - căn cứ từ việc Công ty Exim bán cổ phần cho Nguyễn Kim hồi tháng 9/2016 (57.000 đồng).
Minh Mẫn