(Tổ Quốc) - Trong hôn nhân không có chuyện nhỏ, tất cả chuyện nhỏ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đằng sau những chuyện lớn.
Tại sao phụ nữ có thể vô lý đến mức đòi ly hôn chỉ vì cái giẻ rửa bát bẩn?
Tôi đã từng nghe rất nhiều chị em than vãn chuyện chồng ở bẩn, vô tâm, cẩu thả nó còn kinh khủng hơn so với đàn ông ngoại tình. Tôi chả tin cho đến hôm qua, 1 chị bạn sang nhà chơi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy cái giá bát nhà tôi gọn gàng là do chồng tôi úp.
Nghe nói chị ấy từng 11h đêm lao ra khỏi nhà trong nỗi uất ức và không rơi nổi nước mắt đi tìm nhà nghỉ ngủ vì chồng để chậu bát 3 ngày không rửa. Nhưng rồi mấy ngày sau họ lại bình thường, lại hạnh phúc sau tiếng ting ting chuyển khoản của anh chồng. Ồ, thì ra tiền có thể xoa dịu và làm hạ cơn tức giận của phụ nữ vi diệu thế sao? Đến lúc hỏi ra thì chị ấy bảo đây là tiền mà đầu tháng chồng vay nên bây giờ chồng trả.
Câu chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn khi lại là 11h đêm, chị bạn tôi nhắn tin: "Hóa ra thủ tục ly hôn đơn giản thật em ạ".
Tôi đáp theo phản ứng tự nhiên: "Đúng rồi, ly hôn thuận tình đơn giản mà".
Đột nhiên chị ấy thở dài: "Chị đang nghĩ ly hôn thì nên ở đây tiếp hay thuê nhà khác, 2 mẹ con chắc vẫn sống tốt".
Bấy giờ tôi mới ý thức được câu nói của chị không phải bâng quơ, tôi chuẩn bị 1 tâm lý vững chãi để nghe bạn mình chia sẻ.
"Tối nay lại cãi nhau vì lão ấy rửa bát không giặt giẻ, rửa nồi nấu cơm thì đổ hết cơm nguội vào bồn. Bảo sao có mỗi chuyện bé tí cứ phải để vợ nói lắm. Có lần giũ cái giẻ rửa bát khéo ra cả muôi cơm. Bẩn thỉu không chịu nổi. Chị nói thì cứ kêu để đấy anh làm, cãi nhau bao lần không sửa được. Chị tức quá mới tuyên bố: 'Anh có tin tôi bỏ anh vì cái giẻ rửa bát không?', chị bạn tôi trút bầu tâm sự.
Điều chị bức xúc nhất là không chỉ riêng chồng chị, nếu chị kể chuyện này với bạn bè, người ta đều nói: "Có chồng biết rửa bát nấu cơm là tốt rồi còn đòi hỏi gì nữa, chồng tôi còn chả được như thế, cứ chuyện bé xé ra to".
Tôi lại nhớ 1 trích đoạn trong bộ phim Vũ điệu cha cha làng biển thời gian gần đây đang hot. Cô vợ đã phát khóc lên hét vào mặt chồng chỉ vì anh ta không lộn được đôi tất khi thay ra. Và cô ấy đã tuyên ngôn 1 câu đầy ám ảnh: "Anh mãi mãi không biết được lý do tôi ly hôn đâu".
Khi những mẩu thuốc vương vãi ám cả vào quá trình phát triển của 1 đứa trẻ
Vẫn là sự thất vọng về câu chuyện lông gà vỏ tỏi trong cuộc sống hôn nhân nhưng cô vợ này lại quyết định ly hôn trong phút mốt, khi đã quá ngưỡng chịu đựng.
"Tôi phải sống với con người vô tâm, vô tư lắm lúc đến vô tri ấy trong 15 năm. Tôi đã nuốt hết những uất ức, bức bối vào lòng như 1 thói quen cho đến khi tôi phát hiện đứa con trai tôi đặt bao kì vọng nó đang trưởng thành như 1 phiên bản thứ 2 của chồng tôi.
Nó cứ đi học về là ném quần áo bẩn khắp phòng, sách vở ngổn ngang, mùi khói thuốc nồng nặc và vài mẩu vương vãi trên thành cửa sổ. Tôi quát nó, mắng nó tí tuổi đã học đòi người lớn còn bày bừa cho ai dọn. Nó đáp gọn lỏn: 'Mẹ dọn bao nhiêu năm cho bố mẹ có than vãn gì đâu mà giờ mẹ nói con'".
Cuối cùng, chị không chờ được con trai thi xong đại học mà quyết chấm dứt chuỗi ngày làm ô sin cho người đàn ông mình từng yêu thương mù quáng.
Tại sao ngày càng có nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau vì những lý do vô cùng vặt vãnh? Bởi vì khả năng chịu đựng của chúng ta đối với "cuộc sống tầm thường" ngày càng giảm.
Tiến sĩ John Gottman, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Washington và vợ ông đã nghiên cứu sự thân mật trong 40 năm. Cuối cùng ông đã tìm ra yếu tố quan trọng nhất quyết định một mối quan hệ thân mật.
Ngay cả khi vợ chồng có một nền tảng tình cảm tốt và một mối quan hệ bền chặt, họ vẫn sẽ dễ dàng bị đánh bại bởi một thứ - Đó là sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày.
Thực ra hôn nhân của người bình thường không có quá nhiều bi đát, mối quan hệ thực sự là do những chuyện "nhỏ nhặt" này mà ra.
Tôi nghĩ trong hôn nhân không có "chuyện nhỏ", tất cả "chuyện nhỏ" chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đằng sau những "chuyện lớn".
Không có ai sinh ra đã vô tâm, chỉ là tâm họ đang đặt vào đâu
Không có người thứ 3 mà vẫn phải xa cách có tiếc không? Câu trả lời là có, nhưng đối với nhiều người vợ quá ngưỡng chịu đựng thì dù tiếc, sự buông tay này vẫn đáng.
Về cơ bản sẽ có 3 cách để chúng ta đối mặt với những thứ lông gà vỏ tỏi này:
1. Chịu đựng đi, đừng làm ồn ào lên, không có gì to tát cả.
2. Không chịu được thì cứ cãi nhau mãi đến khi không còn sức cãi nhau nữa thì ly hôn.
3. Thực sự nhìn nhận để giải quyết triệt để vấn đề.
Trong mối quan hệ, từ việc nhỏ đến việc lớn, bạn nhất định sẽ trải qua một quá trình: Nhu cầu chưa được đáp ứng => Phán đoán, nghĩ tiêu cực về đối phương => Bên kia cũng làm điều tương tự => Nghĩ tiêu cực về nhau hơn nữa. Vì vậy, điều đáng sợ nhất trong hôn nhân là để cái tôi quá lớn.
Mọi người luôn hình thành 1 kiểu suy nghĩ: Một là đàn ông có trách nhiệm với phụ nữ. Hai là phụ nữ phải hy sinh cho đàn ông.
Ở đây, "trách nhiệm" và "hy sinh" được coi là đương nhiên. Cho đến nay chúng ta vẫn thấy loại cốt truyện này trong nhiều bộ phim và trong cả cuộc sống gia đình.
Nhưng chính kiểu sắp đặt ấy đã khiến hầu hết các cuộc hôn nhân đều đi đến con đường cụt. Vì nó không phù hợp với bản chất của con người.
Ví dụ việc các ông chồng cho rằng lấy vợ thì cô ấy sẽ phục vụ nhà chồng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Nhưng lý do vì sao cô ấy phải làm vậy?
Sự "tự cho mình là trung tâm" trong kiểu hôn nhân này là lý do cơ bản khiến chúng ta mất nhau từ những đôi tất bẩn hay cái giẻ rửa bát còn dính đầy cơm.
Chồng tôi cũng từng có rất nhiều khuyết điểm, tôi cũng từng phát điên lên mỗi sáng khi anh ấy chẳng bao giờ xả nước sau khi đi vệ sinh và chiếc khăn rửa mặt lúc nào cũng vắt vẻo ở bồn.
Nhưng rồi chính tay anh ấy đã dán rất nhiều mẩu giấy nhớ khắp nhà với các nội dung: "Nhớ xả nước", "Phải treo khăn lên", "Đậy đồ ăn mới được cất vào tủ lạnh"…
Tôi hỏi sao anh ấy phải làm vậy thì chồng tôi trả lời: "Đàn ông thường vô tâm nhưng nếu đã quyết tâm thì việc gì cũng đơn giản".
Và vấn đề là anh ấy có muốn sửa đổi hay không? Tâm anh ấy có thực sự đặt vào việc hãy sửa chữa bản thân vì hôn nhân gia đình, vì nụ cười của vợ và vì hoàn thiện chính mình không? Hãy tìm cho bạn câu trả lời trước khi quyết định "giải tán"...
VV