100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam

(Tổ Quốc) - Tính đến 3/5 - đúng 100 ngày kể từ khi Việt Nam phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên (ngày 23/1/2020). Tổng số ca bệnh được phát hiện hiện nay là 271, trong đó 131 trường hợp được cách ly sau khi nhập cảnh. Đã có 219 người khỏi bệnh, 52 ca bệnh đang điều trị ở các cơ sở y tế, chưa có ca tử vong.

2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý), Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc.

2 bệnh nhân này, trong quá trình di chuyển, lưu trú tại Khánh Hòa đã lây bệnh cho một nữ nhân viên khách sạn - trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 170/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ngày 31/1, WHO tuyên bố sự bùng phát chủng corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).

100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 1.

2 cha con ông Li Ding chụp hình với các nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Văn Tiên.

Từ ngày 23/1 - 13/2, cả nước có 16 người mắc bệnh Covid-19. Tất cả đều có nguồn lây nhiễm liên quan đến ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.

Ngày 7/2, các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Sự kiện này không chỉ giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các bộ sinh phẩm chẩn đoán sớm bệnh viêm đường hô hấp cấp, mà còn đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Ngày 13/2, phong tỏa xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với 11 ca dương tính, trong đó 6 người là nhân viên Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản được cử sang Vũ Hán tập huấn từ tháng 11/2019 và cùng trở về Việt Nam ngày 17/1.

Sơn Lôi là ổ dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, gần 11.000 người dân phải cách ly.

Ngày 26/2, toàn bộ 16/16 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 giai đoạn 1 được công bố khỏi bệnh và xuất viện.

Ngày 4/3, xã Sơn Lôi dỡ phong tỏa sau 21 ngày cách ly.

100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 2.

Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị phong tỏa sau khi ghi nhận 11 ca bệnh Covid-19 liên quan.

Ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội và bệnh nhân "siêu lây nhiễm" Bình Thuận

Tối ngày 6/3 - sau 21 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, cũng là bệnh nhân 17 trên cả nước. Từ đó, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 chống dịch với các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài.

Bệnh nhân 17, nữ, 26 tuổi, lưu trú tại phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054 từ London ngày 2/3. Cô lây cho 3 người khác gồm bác ruột, giúp việc và lái xe riêng. Những ngày sau, Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca bệnh Covid-19 - là hành khách trên các chuyến bay trở về từ Anh, Pháp, Hàn Quốc,...

Ngay trong đêm 6/3, Hà Nội quyết định cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125-139 Trúc Bạch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tối 6/3, sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, chính quyền đã cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125-139 Trúc Bạch.

Ngày 10/3, bệnh nhân "siêu lây nhiễm" số 34, nữ, 51 tuổi, Bình Thuận, trở về từ Washington (Mỹ), nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bà đã lây cho 11 người, trong đó có 5 người thân, 3 người tiếp xúc trực tiếp (F1) và 3 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).

Tối 11/3, WHO chính thức công bố Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) là đại dịch toàn cầu.

Ngày 16/3, Chính phủ yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người.

Ngày 18/3, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch.

Ngày 20/3, Bộ Y tế thông báo hai nữ điều dưỡng của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19, lần lượt là bệnh nhân 86 và 87.

Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai có tổng cộng 46 bệnh nhân liên quan, trong đó Công ty Trường Sinh có 27 người (kể cả 1 người nhà nhân viên).

Ngày 20/3, Bộ Y tế thông tin một bệnh nhân là phi công người Anh (bệnh nhân 91) có liên quan đến quán Bar Buddha, TPHCM. Kể từ đó, phát hiện tất cả 18 bệnh nhân (12 nguyên phát và 6 thứ phát). Quán Bar Buddha được xác định là ổ dịch Covid-19 thứ 3 tại Việt Nam.

100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 4.

Tối 28/3, 10 xe của Binh chủng Hóa học tiêu độc toàn bộ không gian BV Bạch Mai, vận chuyển 600 người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung.

Cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày

Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống Covid-19, từ 0h ngày 1/4.

Ngày 6/4, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân 243 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ổ dịch thứ 4 trên cả nước được xác lập, tính đến 15/4, có thêm 13 bệnh nhân được phát hiện.

Ngày 8/4, thôn Hạ Lôi với khoảng 13.000 người thực hiện cách ly 28 ngày.

100 ngày nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh 5.

Thôn Hạ Lôi bị phong tỏa ngay khi xác nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên trên địa bàn.

Ngày 15/4, Thủ tướng yêu cầu 28 tỉnh, thành phố "nguy cơ cao" và "nguy cơ" lây nhiễm tiếp tục cách ly xã hội đến ít nhất hết ngày 22/4.

Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh.

Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.

Ngày 24/4, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đất nước chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Cả nước từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, chỉ còn 4 huyện gồm: Mê Linh, Thường Tín (Hà Nội), Đồng Văn (Hà Giang) và Yên Phong (Bắc Ninh) có "nguy cơ cao", tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội.

Ngày 1/5, Việt Nam có tổng cộng 14 bệnh nhân tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh và xuất viện. Họ gồm bệnh nhân 36, 50, 52, 74, 92, 124, 130, 137, 149, 151, 188, 207, 224 và 235, phân bố tại các tỉnh/thành: Hà Nội (5), Quảng Ninh (2), Bình Thuận (1) và TPHCM (6).

Ngày 2/5, tình hình sức khỏe 3 ca bệnh Covid-19 nặng. Bệnh nhân 19 - bác gái bệnh nhân 17 có số ngày điều trị lâu nhất - gần 2 tháng, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết.

Bệnh nhân 161, 88 tuổi, tim mạch bình thường, huyết áp bình thường. Qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy virus cho kết quả âm tính thì có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não. Cập nhật đến chiều ngày 1/5, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 161 đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hồ Chí Minh, tình trạng ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, không tràn dịch màng phổi. Cập nhật đến chiều ngày 1/5, bệnh nhân này hiện đã tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.

Ngày 3/5, dự tuyển vaccine phòng Covid-19 do Việt Nam hợp tác với Anh nghiên cứu sản xuất, đã được tiêm thử nghiệm trên chuột và sẽ đánh giá sau hai tuần.

Đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 210 quốc gia, lãnh thổ, có gần 3,5 triệu người mắc, cướp đi sinh mạng của gần 245 nghìn người. Covid-19 đe dọa tình hình kinh tế của thế giới, các quốc gia và dân tộc.

Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Quốc gia đề nghị người dân không chủ quan, cùng chung tay đồng hành với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy định và khuyến cáo của ngành y tế.

Minh Nhân

Tin mới