(Tổ Quốc) - Sự thật là có nhiều thói quen chi tiêu đang âm thầm bào mòn ví tiền của bạn nhưng nhiều người lại không ý thức được.
Có một thực tế là nhiều người khá hài lòng về mức lương, trong tháng dường như cũng chẳng có khoản chi nào lớn, song cuối tháng ví tiền của họ vẫn rỗng tuếch. Họ luôn phải thốt lên một câu quen thuộc: “Lạ thật, tại sao mình chẳng tiết kiệm được đồng nào?”.
Có nhiều thói quen chi tiêu đang âm thầm bào mòn ví tiền của bạn nhưng bạn lại không ý thức được. Chúng sẽ khiến bạn lãng phí tiền một cách không có chủ ý.
Mới đây trong một cuộc khảo sát trên mạng xã hội Trung Quốc, người tiêu dùng đã liệt kê ra 10 thói quen “nguy hiểm” khiến ví của họ rơi vào tình trạng cạn kiệt. 10 thói quen ấy được xếp theo thứ tự từ dưới lên như sau:
Số 10: Bẫy miễn phí vận chuyển
“Thật khó để kiềm chế bản thân không mua hàng khi thấy được miễn phí vận chuyển”, đó đúng là “lời gan ruột” của nhiều người.
Để được khuyến mại phí ship, người mua bắt buộc phải đáp ứng đủ điều kiện về đơn hàng. Vì mong tiết kiệm khoản phí vận chuyển ấy, nhiều khi bạn sẽ mua về những thứ mình không thực sự cần thiết, từ đó gây lãng phí.
Số 9: Ăn quá nhiều khi tâm trạng không vui
Cuộc sống hiện đại khiến con người phải chịu nhiều áp lực từ công việc và cuộc sống. Nhiều người đã tìm đến ăn uống để giải tỏa tâm trạng, tuy nhiên đây là một cách xả stress rất tốn tiền, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe.
Người dùng mạng gợi ý bạn nên đặt ra hạn mức tiền dành cho ăn uống mỗi tháng, số tiền để mua thực phẩm và cả số lượng bữa ăn lớn. Qua đó bạn vừa đảm bảo được sức khỏe lại không làm “đau ví”.
Số 8: Không so sánh giá trước khi mua
Đôi khi cùng một mặt hàng nhưng ở những cửa hàng khác nhau lại có mức giá không giống nhau.
Hiện nay có nhiều trang web so sánh giá, giúp bạn tìm kiếm giá của cùng một sản phẩm ở những cửa hàng khác nhau. Bằng cách so sánh giá trước khi mua hàng, bạn sẽ tiết kiệm được số tiền đáng kể.
Số 7: Đi mua sắm mà không lên danh sách trước
“Rõ ràng tôi chỉ muốn đến cửa hàng mua giấy vệ sinh, không hiểu sao khi về lại xách theo túi lớn túi nhỏ, thậm chí còn mua cả một chiếc quạt điện?”, nhiều người đã có trải nghiệm “bi hài” tương tự như thế. Đó là hệ quả của việc không lên danh sách đồ cần mua trước khi đi mua sắm.
Bước vào cửa hàng, bạn rất dễ bị thu hút bởi những món hàng bắt mắt với các công dụng hữu ích khác nhau. Với danh sách lập sẵn buộc bạn chỉ được mua những thứ trong kế hoạch, từ đó mà tiết kiệm được tiền.
Số 6: Ăn ngoài
Nhiều người hiếm khi nấu nướng ở nhà vì căn bếp không đủ thiết bị hoặc họ quá bận rộn không có thời gian. Họ thường ăn ở ngoài đến quá nửa các bữa ăn trong tháng, để rồi cuối tháng mới “đau khổ” nhận ra chi phí ăn ngoài quả thực là một khoản chi khổng lồ.
Người dùng mạng đưa ra lời khuyên nếu quá bận rộn bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ các thiết bị nhà bếp thông minh, thời gian nấu nướng sẽ giảm bớt nhiều.
Nấu ăn ở nhà vừa đảm bảo vệ sinh, giữ được độ tươi ngon của nguyên liệu, quan trọng là giá thành sẽ rẻ hơn đáng kể.
Số 5: Mua hàng khi người nổi tiếng quảng cáo
“Idol của tôi quảng cáo thứ gì, tôi chỉ muốn mua nó về ngay”, một người dùng mạng chia sẻ. Tin chắc rằng không ít người có tâm lý và thói quen mua sắm đầy “u mê” như vậy. Điều đó dễ dàng dẫn đến việc họ mua về nhiều thứ bản thân không cần.
Việc bạn hâm mộ ai đó không xấu nhưng thói quen chi dùng ấy chắc chắn là gây hại nghiêm trọng cho ví tiền của bạn.
Số 4: Không kiềm chế được ham muốn
Nhiều người không thể kiềm chế được ham muốn mua sắm của bản thân. Khi nhìn thấy một món đồ yêu thích, ngay lập tức họ chỉ muốn mua nó về. Nếu không được thì họ sẽ khó chịu, bứt rứt không yên.
Làm thế nào để kiềm chế được ham muốn mua sắm ấy? Lời khuyên của những người tiêu dùng là sau khi xem sản phẩm thì bạn hãy về nhà suy nghĩ thêm vài ngày. Qua thời gian ấy ham muốn mua sắm trong bạn sẽ nguội bớt. Bởi vì bạn nhanh chóng nhận ra rằng cho dù không mua món đồ ấy thì cuộc sống của bạn vẫn diễn ra bình thường, vui vẻ.
Số 3: Trả góp bằng thẻ tín dụng
Với suy nghĩ không khó để trả một khoản tiền nhỏ mỗi tháng, một số người đã lạm dụng việc trả góp bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên trả góp sẽ đi kèm với lãi suất, hành vi đó khiến tài khoản của bạn bị “bắt cóc” mất khoản tiền không nhỏ. Suy cho cùng thì thanh toán một lần vừa tiết kiệm tiền lại nhanh gọn, thoải mái hơn nhiều.
Số 2: Không biết tiền đã tiêu vào đâu
Mở ví và thấy trống rỗng nhưng bạn không thể nhớ được là tiền của mình đã “đi đâu về đâu”? Thực sự đó là tình cảnh của không ít người, lý do bởi họ không ghi chép và quản lý tài khoản của mình, do đó cũng chẳng biết phải điều chỉnh và tiết kiệm từ đâu.
Lời khuyên là hãy hạch toán chi tiêu, ghi chép, tổng kết, đối chiếu… các khoản mua sắm của bản thân, từ đó bạn mới có thể quản lý tốt tiền của mình.
Số 1: Bạn sẽ tức điên nếu trót bỏ lỡ chương trình giảm giá
Chương trình giảm giá thường được các cửa hàng quảng cáo bằng những thông điệp đầy mời gọi như “mua một tặng một”, “giá rẻ nhất chưa từng có trong lịch sử”... Chẳng may bỏ lỡ, bạn tức giận và tiếc nuối nghĩ khó có cơ hội mua được giá hời như vậy lần nữa.
Nhiều người có chung tâm lý như vậy, vào mỗi đợt giảm giá của cửa hàng họ muốn mua nhiều nhất có thể vì sợ “không mua sẽ hết”. Bạn cứ yên tâm, hết đợt khuyến mại này rồi sẽ có những đợt khác thôi, trừ phi cửa hàng nghỉ kinh doanh.
Theo: Money
An Du