(Tổ Quốc) - So với cách giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori có 10 sự khác biệt rõ rệt, tạo nên hiệu quả giáo dục toàn diện.
Montessori là phương pháp giáo dục được sáng lập bởi Tiến sĩ, nhà Giáo dục học người Ý Maria Montessori. Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh…
Những năm gần đây, phương pháp giáo dục này rất được ưa chuộng. Ngày càng nhiều nhà trường và phụ huynh cho con em theo học Montessori thay cho phương pháp giáo dục truyền thống.
Vậy rốt cuộc Montessori có những khác biệt và ưu điểm gì so với giáo dục truyền thống? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:
Môi trường
Các lớp học Montessori được chuẩn bị trước dựa trên những quan sát về nhu cầu cá nhân của học sinh. Chương trình giảng dạy của Montessori bao gồm các bài học và các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm.
Trong khi đó, các lớp học truyền thống lại dựa trên các bài học hoặc các hoạt động lấy giáo viên làm trung tâm.
Chủ động và thụ động
Các bài học của phương pháp giáo dục Montessori đều chú trọng vào thực hành và các hoạt động thực tiễn. Học sinh được tự khám phá thông tin. Điều này giúp các em có sự chủ động trong học tập.
Các bài học truyền thống thì lại khác. Học sinh thường được truyền tải, nghe các bài giảng một cách thụ động, sau đó phải ghi nhớ lại và làm bài kiểm tra.
Thời gian học tập
Trong các lớp học Montessori, học sinh được học tập trong quãng thời gian cần thiết cho môn học và sẽ tránh bị gián đoạn bởi những yếu tố bên ngoài.
Còn với các lớp học truyền thống, trẻ em có thời gian học giới hạn và sẽ kết thúc tiết học khi có chuông hoặc trống.
Vai trò của giáo viên
Đối với phương pháp Montessori, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, người tư vấn trực tiếp cho học sinh theo mô hình 1-1. Họ hỗ trợ mỗi đứa trẻ đi theo con đường học tập của riêng mình.
Chương trình giảng dạy của các lớp học truyền thống thường được xác định trước về các yếu tố như tốc độ, thứ tự của mỗi bài học. Điều này có nghĩa giáo viên phải giảng dạy cùng một bài học, cùng một tốc độ, cùng một thứ tự cho tất cả học sinh.
Tất nhiên, sẽ có học sinh hiểu và có những học sinh không kịp tiếp thu được kiến thức.
Nhóm tuổi và cấp học
Trong trường học Montessori, các lớp học rất linh hoạt và được xác định bởi phạm vi phát triển của trẻ. Sẽ có các lớp học trộn 3 độ tuổi và các giai đoạn tuổi của lớp Montessori như sau: Từ 0-3, 3-6, 6-9, 9-12, 12-15 và 15-18 tuổi.
Ở các trường học truyền thống, các lớp học không linh hoạt như vậy và được phân chia chặt chẽ bởi độ tuổi.
Chương trình giảng dạy mở rộng
Phương pháp Montessori có chương trình giảng dạy linh hoạt và mở rộng để đáp ứng nhu cầu cũng như trình độ, mức tiếp thu kiến thức của học sinh.
Phương pháp giáo dục truyền thống thì chương trình giảng dạy được xác định trước và không liên quan đến nhu cầu của học sinh.
Tốc độ học tập
Tốc độ làm việc, học tập của từng cá nhân luôn được tôn vinh và khuyến khích trong các lớp học Montessori. Trong khi đó, các lớp học truyền thống thì muốn tất cả trẻ em học tập và làm việc cùng một tốc độ.
Lòng tự trọng
Các giáo viên của phương pháp Montessori hiểu rằng, lòng tự trọng của trẻ xuất phát từ cảm giác tự hào về thành tích cá nhân. Còn với các lớp học truyền thống, lòng tự trọng được cho là đến từ sự đánh giá và xác nhận bên ngoài.
Tình yêu học tập
Mục tiêu hàng đầu mà phương pháp Montessori hướng đến là đề cao, hỗ trợ khả năng tư duy, tự phát triển của trẻ. Từ đó, Montessori ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu học tập.
Khác với Montessori, phương pháp giáo dục truyền thống tập trung vào hiệu suất và điểm kiểm tra tiêu chuẩn. Trẻ học tập không phải vì thích mà vì bị bắt buộc.
Sự phát triển và hình thành
Đây là điểm khác biệt cuối cùng và cốt lõi nhất của phương pháp Montessori với phương pháp giáo dục truyền thống. Phương pháp Montessori được sáng lập bởi Tiến sĩ, nhà giáo dục học Maria Montessori, dựa trên kinh nghiệm học tập cả đời và sự quan sát cách trẻ em thực sự học của bà.
Còn giáo dục truyền thống thì chỉ đơn giản dựa trên truyền thống mà thôi!
Thanh Hương