(Tổ Quốc) - Mới đây, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức buổi lễ công bố và trao quyết định "Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%" cho 10 cặp vợ chồng Quân nhân hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngày 22/12 vừa qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức buổi lễ công bố và trao quyết định: "10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%" trong chương trình hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn với chủ đề "Yêu thương lan tỏa".
Hiện nay, có không ít gia đình phải chạy chữa khắp nơi để "tìm con yêu", vừa mất nhiều thời gian lại gây tốn kém chi phí. Trong đó có không ít cặp vợ chồng là quân nhân, đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Thấu hiểu khát khao cháy bỏng đó cũng như những khó khăn, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội triển khai chương trình Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn với chủ đề "Yêu thương lan tỏa" nhằm san sẻ phần nào gánh nặng cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm con yêu.
Ths. BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện cho biết: "Giấc mơ có một gia đình nhỏ và tiếng cười trẻ thơ tưởng chừng như rất giản đơn nhưng đối với các gia đình vô sinh - hiếm muộn, đó lại là một hành trình vất vả, nhọc nhằn. Đối với những gia đình quân nhân thì khó khăn càng nhân lên gấp bội khi phần lớn thời gian, họ khoác trên mình màu áo lính phục vụ nhân dân, đất nước, thậm chí không thể chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Mỗi gia đình đều có những câu chuyện, hoàn cảnh riêng, nhưng đều chung một khát khao cháy bỏng là đón được con yêu. Vì lẽ đó, bản thân các bác sĩ, đội ngũ nhân viên của Bệnh viện luôn nỗ lực duy trì các hoạt động ý nghĩa như chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa nói riêng và các chương trình hướng tới cộng đồng nói chung".
Trong thời gian diễn ra chương trình từ 19/5/2021 – 19/05/2022, bên cạnh các hỗ trợ thiết thực như: Miễn phí khám, tư vấn, siêu âm, soi tươi đường sinh dục, xét nghiệm tinh dịch đồ; Giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng; Voucher 3 triệu đồng khi thực hiện kĩ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm; Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn hỗ trợ 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 gia đình quân nhân hiếm muộn phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ.
Trải qua quá trình tổng hợp, xét duyệt hồ sơ công tâm, hội đồng chuyên môn Bệnh viện cùng Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội quyết định hỗ trợ miễn phí Thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn quân.
Danh sách 10 gia đình được hỗ trợ TTTON miễn phí trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn với chủ đề "Yêu thương lan tỏa":
1. Gia đình quân nhân: Phan Minh Châu (1989) - Trần Thị Thanh Thảo (1991)
Địa chỉ: Phú Quốc, Kiên Giang - Đơn vị: Phòng Trinh sát, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.
2. Gia đình quân nhân: Phan Văn Thanh (1979) - Lô Thị Ất (1987)
Địa chỉ: Trùng Khánh, Cao Bằng - Đơn vị: Đồn Biên phòng Ngọc Chung, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng.
3. Gia đình quân nhân: Vàng A Chua (1988) - Lý Thị Xía (1994)
Địa chỉ: Mường Chà, Điện Biên - Đơn vị: Đồn Biên phòng Mường Mươn, Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên.
4. Gia đình quân nhân: Vừ A Ninh (1989) - Vàng Thị Hoa (1994)
Địa chỉ: Mường Nhé, Điện Biên - Đơn vị: Đồn Biên phòng Nậm Kè, Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên.
5. Gia đình quân nhân: Lê Duy Tuấn (1992) - Chu Thị Hoài Thu (1992)
Địa chỉ: Nha Trang, Khánh Hoà - Đơn vị: Tàu 936 Học viện Hải Quân, Bộ tư lệnh Hải Quân.
6. Gia đình quân nhân: Trương Quang Giang (1988) – Trần Thị Hạnh (1990)
Địa chỉ: Nha Trang, Khánh Hoà - Đơn vị: Trường Sỹ quan thông tin, Bộ Quốc phòng.
7. Gia đình quân nhân: Hoàng Văn Dũng (1990) - Nguyễn Thị Yến (1990)
Địa chỉ: Lê Chân, Hải Phòng - Đơn vị: Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân.
8. Gia đình quân nhân: Lò Khắc Quỳnh (1990) - Tô Thị Tuyết (1993)
Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ - Đơn vị: Viện Kiểm sát Quân sự, Quân khu 2.
9. Gia đình quân nhân: Chu Văn Trường (1984) - Nghiêm Thị Hồng (1990)
Địa chỉ: Yên Phong, Bắc Ninh - Đơn vị: Đại đội 29, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh.
10. Gia đình quân nhân: Hoàng Đức Cảnh (1990) - Đặng Thị Hoài Trang (1992)
Địa chỉ: Đoan Hùng, Phú Thọ - Đơn vị: Phòng hậu cần, Sư đoàn 316.
10 trường hợp được chọn thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi….), khoảng 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, các gia đình sẽ tự chi trả theo quy định.
Trường hợp các gia đình quân nhân đã nộp hồ sơ tham gia xét duyệt nhưng không nằm trong danh sách hỗ trợ miễn phí Thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã quyết định hỗ trợ:
- Miễn phí nuôi cấy và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
- Tặng voucher 5.000.000VNĐ khi thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm.
- Miễn phí thăm khám và giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng.
Tổng gói hỗ trợ cho 1 trường hợp khoảng 20 – 30 triệu đồng.
Tại buổi lễ, các gia đình nhận được hỗ trợ đã có những chia sẻ xúc động về hành trình tìm con của mình. Ví dụ có thể kể đến là trường hợp đã hiếm muộn 13 năm như người lính Phan Văn Thanh và vợ là chị Lô Thị Ất người dân tộc Tày ở xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh thường xuyên công tác xa nhà, vì vậy sau 7 năm lấy nhau không có tin vui, hai vợ chồng thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm tại một Bệnh viện nhưng thất bại. Hành trình tưởng chừng phải dừng lại thì hai vợ chồng may mắn nhận được gói hỗ trợ ý nghĩa đầy nhân văn tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Và cả gia đình anh Hoàng Văn Dũng - chị Nguyễn Thị Yến kết hôn từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hiện thực hóa được giấc mơ làm cha làm mẹ. Công tác tại Bộ Tham mưu - Quân chủng Hải quân, anh Dũng phải công tác xa nhà, lênh đênh trên biển trong suốt thời gian dài. Từ Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cam Ranh… trong suốt 8 năm kể từ khi kết hôn, chị Yến cũng không thể nhớ rõ biết bao lần theo chồng chuyển công tác. Hai vợ chồng cũng đã một lần thực hiện thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công. Khi đang tích góp để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, anh Dũng và chị Yến nhận được thông tin đã may mắn nhận được gói hỗ trợ của Bệnh viện.
Đậu Đậu