• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8

Thời sự 15/04/2024 19:59

(Tổ Quốc) - Về 04 dự án (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, (2) Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (3) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); (4) Luật Nhà giáo, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung 04 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Tiếp theo chương trình làm việc của Phiên họp thứ 32, chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trong đó có xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân).

Hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 16 dự án luật và thông qua 21 dự án, dự thảo.

Về tình hình thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết điều chỉnh Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2024, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 23 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội đã xem xét, thông qua 03 dự án, dự thảo. Do đó, năm 2024, Chính phủ còn phải phối hợp chỉnh lý, xây dựng mới, trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Bên cạnh tổ chức các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình đều được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến rồi mới trình Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 02 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với đánh giá về những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế (bao gồm cả nguyên nhân) của công tác lập, thực hiện Chương trình như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Về đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua rà soát cho thấy tất cả các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề xuất đưa vào Chương trình đều là kết quả của các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Về đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thay đổi so với thời điểm ban hành, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý tên gọi Nghị quyết thành Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phân biệt với Nghị quyết số 36/2021/QH15 hiện hành và phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024.

Về 04 dự án (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, (2) Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (3) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); (4) Luật Nhà giáo, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung 04 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9...

Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khẩn trương hoàn thiện nghị quyết về vấn đề này để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong ngày mai (16/4)./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ