Tôi từng là một thằng caster, hay bình luận viên full-time bộ môn Dota 2, nghề nhiệp mà 70% người nghe qua đều phải hỏi lại: "Đó là việc quái gì vậy?". Thứ nhất, nó khiến người ta hiểu nhầm với BLV bóng đá hay xuất hiện trên TV. Thứ 2, Dota 2 là bộ môn ngay cả giới trẻ cũng ít nghe đến huống hồ là người lớn tuổi.

Nghề này không đòi hòi quá nhiều, nhưng tôi tự tin khẳng định rằng sẽ có rất hiếm người có thể tiếp bước con đường mình đã chọn.

Đừng hiểu nhầm, ngoài may mắn và liều lĩnh ra tôi không quá đặc biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Tôi dám chắc rằng trong nhóm bạn, có những đứa thậm chí sẽ nổi hơn cả tôi nếu nó lựa chọn giống tôi. Chúng tôi chia sẻ một niềm đam mê chung, một ngọn lửa bùng cháy trong người, là Dota 2. Nhưng sau cùng khi đứng trước lựa chọn giữa lý trí và cảm xúc, không phải ai cũng nghe theo trái tim mách bảo.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 1.

Tôi tin may mắn là một khả năng đặc biệt của con người. Nếu biệt đội siêu anh hùng có được thành lập, tôi sẽ ứng tuyển vào luôn.

Tôi không nói đùa, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã nhận ra khả năng này của mình. Làm gì có đứa trẻ nào thích chơi game mà lại không ra "nét cỏ". Và chắc chắn chẳng có đứa nào sau hàng tá những lần trốn học đi chơi điện tử mà lại không bị bắt như tôi. Họa chăng kỷ niệm hãi hùng nhất thời còn đi nét là lúc tôi đánh mất chiếc điện thoại đen trắng có giá khoảng 200 nghìn VNĐ. Tôi chẳng biết phải khai với mẹ như thế nào khi về nhà.

Đó là Dota 1. Còn Dota 2 phải gần cuối những năm học cấp 3 tôi mới có cơ hội làm quen.

Niềm đam mê bất tận khiến tôi có thể ngồi chơi Dota 2 cả ngày. Tôi có một vài người bạn ở nước ngoài, vì muốn "bay rank" cùng họ mà nhiều khi thức đến 4, 5 giờ sáng. Cũng nhờ quãng thời gian đó mà kỹ năng chơi của tôi ngày càng tiến bộ. Tôi bắt đầu muốn thể hiện mình nhiều hơn bằng cách tham gia vào những giải đấu phong trào.

Thành tựu đầu tiên đạt được là lần cùng stepAside lọt vào bán kết giải đấu toàn quốc năm 2013. Khi đó, tôi và các chiến hữu chỉ chịu dừng bước 1stVn, đội tuyển hàng đầu Việt Nam. Cả bọn bị mấy ông anh "đấm cực đau", nhưng khi cầm trên tay vài trăm tiền thưởng, thằng nào thằng đấy cũng vui như Tết.

Chính lúc cầm số tiền đó trên tay, tôi nhận ra rằng dù có chọn học khoa tiếng Tây Ban Nha hay Nhật Bản ở ĐH Hà Nội thì mọi thứ vẫn thế. Tôi không muốn trở thành một phiên dịch viên hay làm việc ở đại sứ quán. Tôi muốn trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp, bất chấp số tiền kiếm được sau giải đấu đầu tiên chỉ đủ cho 5 thằng chơi nét 2 trong 3 ngày. 

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 2.

Với tôi và anh em, tiền bạc vào thời điểm đó không quan trọng. Sau thành công rực rỡ đầu tiên tôi tiếp tục hò mọi người đăng ký thêm để so tài cùng các đội tuyển khác. Nhưng khi tâm hồn vừa mới bay bổng thì tôi đã bị hiện thực kéo xuống mặt đất.

Buổi tối năm 2014, tôi đứng trước 2 lựa chọn. Hôm đó chưa phải sinh nhật người yêu cũ nhưng cô ấy vẫn muốn tôi tới một buổi gặp mặt với bạn bè. Đen đủi thay nó trùng với thời điểm trận tranh hạng 3, giải GEXT của đội tôi.

Thi đấu với tâm lý nặng trĩu nên phong độ của tôi không cao. Những ngón tay vì thế mà chẳng "múa" điệu nghệ như trước. Những vị tướng mà tôi đã thuộc làu cách chơi nay sao khó sử dụng thế?

Tôi trở thành nguyên nhân khiến đội thất bại. Đương nhiên, tôi cũng chẳng còn tâm trí đi tham dự buổi gặp mặt kia nữa.

Sự việc sau này nghĩ lại, tôi coi đó là một nốt trầm lớn trong bản nhạc tôi đang viết dở, chưa có ý định dừng lại thì đã phải kết thúc. Nhưng cũng nhờ nó mà những cánh cửa khác mở ra với tôi.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 3.

Đồng đội của tôi bắt đầu có những lựa chọn khác, không muốn làm tuyển thủ chuyên nghiệp nữa. Một số muốn tiếp tục đi học, số khác chuyển sang kinh doanh. Họ bắt đầu coi Dota 2 là một món giải trí, chứ không phải một con đường để lựa chọn. Tôi hiểu và không trách họ. Cá nhân tôi cũng biết mình cũng chẳng tiến xa hơn nữa.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 4.

Thế là tôi "gãy cánh" trên con đường mình đã chọn.

Nhưng tôi không thể dừng lại được nữa. Không có cánh thì tôi vẫn còn chân để đi bộ. Ngoài tuyển thủ, vẫn còn nhiều lựa chọn khác để tôi tiếp tục sống với đam mê, trong đó là bình luận viên.

Lúc nảy sinh ra ý tưởng này, tôi chỉ đơn thuần muốn chứng minh cho mọi người thấy Dota 2 thật sự không khó. Nhờ vốn tiếng Anh có sẵn, tôi nghĩ rằng mình có khả năng giúp đỡ người mới, giải thích cho họ hiểu cách Dota 2 vận hành trong bối cảnh chưa có nhà phát hành nào ở Việt Nam đứng ra mua lại trò chơi này.

Đó là một quãng thời gian thật sự khó khăn, khi mỗi phiên livestream đầu tiên của tôi chỉ có vài ông bạn thân làm khán giả. Máy tính ở nhà lúc đấy chẳng xịn, mạng cũng thuộc hạng xoàng. Thế nên mỗi lần lên sóng là anh em kêu "lag quá ông ơi", "làm gì mà míc rè thế?".

Đúng như câu nói đùa người ta vẫn sử dụng, làm vì đam mê chứ tiền nong gì tầm này. Cứ có thời gian rảnh là tôi xem Pewpew. Sau Pewpew, có một số kênh khác như MMS, ESV cũng khá nổi lúc bấy giờ.

Nhắc đến ESV, chính họ đã trao cơ hội đầu tiên cho tôi. Đó là một cuộc thi tuyển chọn ra các bình luận viên trẻ và nhiệt huyết với nghề được tổ chức vào năm 2015. Năm đó tôi về nhất cuộc thi và được nhận vào làm.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 5.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 5.

Tôi và 4 anh em khác được ESV nhận thử việc. Để lên CTV chính thức, chúng tôi phải làm không lương trong 3 tháng. Sau đó, mỗi người nhận lương khoảng 3 triệu.

Ở đây, tôi lại được tề tựu cùng những người chung niềm đam mê. Nhưng để duy trì những ngày tháng tươi đẹp như thế, tôi buộc phải chểnh mảng việc học.

Tôi như người âm phủ, sống về đêm còn ngày ngủ gật. Trên giảng đường, tôi thường xuyên xuất hiện với bộ mặt mệt mỏi. Lắm lúc nhìn thiếu sức sống đến mức mấy cậu bạn ra hỏi thăm: Dạo này làm gì như cái xác khô thế mày?

Tối đến, tôi trở thành một con người khác. Tôi phục vụ tất cả những ai mở kênh, niềm nở chào từng người một trước khi trận đấu bắt đầu. Sáng tôi như cái xác khô, tối đến thì lại đầy sức sống.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 6.

Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ chiều tối cho đến đêm, 5 ngày/tuần. Có những lúc giải đấu xuất hiện liên tiếp, anh em không còn cách nào khác ngoài ăn uống ngủ nghỉ luôn ở công ty cả tuần. Thời điểm đó đồ ăn trong các bữa hầu hết là bánh mì và nước lọc cho nhanh gọn, tiện lợi. Vất vả lắm nhưng sau mỗi ca, ai nấy đều vỗ vai đồng nghiệp mà nói rằng: Cháy hết mình nhé!

Như vậy với tôi là quá tuyệt vời rồi.

Sau này chuyển sang thành lập 23 Creative cũng thế. Ban đầu khó khăn nhưng thực sự rất vui. Tôi còn nhớ buổi tối hôm đó, anh Mỹ gặp mặt rồi kể cho tôi kế hoạch mà ban đầu nghe qua, tôi cứ tưởng gã này đầu óc có vấn đề thật rồi.

Mỹ sinh năm 1988, là người có nhiều kinh nghiệm nhất bọn. Ở tuổi của anh ấy, người ta đã bắt đầu nghĩ đến một cuộc sống ổn định, lấy vợ và sinh con. Nhưng cũng giống chúng tôi, Mỹ coi Dota 2 quan trọng hơn tất cả. Chính anh là người nhận ra rằng ở ESV, anh em không thể phát triển thêm được nên quyết định rủ mọi người ra đi.

Người ta có tuổi mà vẫn còn dữ dội như thế, tôi khi đó mới 21, 22 tội gì mà không "quẩy hết mình".

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 7.

Để làm bất kể cái gì, trước tiên trong tay cần phải có vốn. Ban đầu chúng tôi chung tay góp nhặt được một khoản. Túi tôi thì nhẵn nên buộc phải vay người thân.

Có hàng ti tỉ thứ cần phải dùng đến tiền khi đứng ra thành lập tổ chức riêng. Ngoài trang bị, chúng tôi cần một căn nhà sao cho đủ 2 điều kiện: Rộng rãi, tách biệt. Nghề của chúng tôi là gào lên trong các trận đấu, đương nhiên trong lúc bình luận chúng tôi không muốn làm phiền những người xung quanh. Cũng vì điều này mà khâu tìm kiếm chỗ đặt trụ sở rất gian khổ.

Tôi giật mình khi anh em quyết chọn một căn ở ngoại thành Hà Nội. Căn này thuộc quyền sở hữu của người nhà một thành viên trong nhóm (Tú Lê) nên cả bọn sẽ đỡ phần nào tiền phí. Ngặt nỗi quãng đường từ trường đến chỗ làm của tôi dài hơn 20 km, còn từ chỗ làm về nhà là 18 km. 

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 8.

Cũng chính vì khoảng cách địa lý mà một lần tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hôm đó, tôi bận bình luận đến tận 12 rưỡi đêm, trong khi sáng hôm sau đúng 7h00 phải có mặt ở trường để thi. Vừa xong việc, tôi lên xe trở về nhà. Nhưng đi được một đoạn thì chiếc xe "cà tàng" hỏng.

Quãng đường đã đi quá dài để tôi dắt bộ xe về chỗ làm. Lúc đó cũng muộn để gọi xe ôm, trời thì mưa tầm tã.

Không còn cách nào khác, tôi buộc phải gọi điện về nhờ Mimosa trợ giúp. Lúc sau, Mimosa chở Tú Lê đến. Thế rồi mỗi người một việc, Mimosa đề nghị chở tôi về nhà để ngày mai tôi đi thi. Còn Tú Lê nhận trách nhiệm "thồ" tạm xe của tôi về trụ sở.

Tôi từng mất giọng vì phải bình luận quá nhiều ngày liên tiếp. Tôi từng bị người xem chửi bới thậm tệ vì mắc sai lầm nhỏ khi đọc tên tuyển thủ. Nhưng đêm đó là lúc tôi lung lay với con đường mình đã lựa chọn nhiều nhất.

Dưới cơn mưa, tôi nghĩ ra vô vàn con đường để giải quyết vấn đề. Tôi có thể gọi đội sửa chữa khẩn cấp, họ làm việc 24/24. Nhưng trong ví tôi lúc đó không có nổi vài chục nghìn. Tôi không thể bỏ thi được, vì dù chểnh mảng, tôi vẫn cần phải qua môn vì bố mẹ.

Cứ mỗi lần nhận kế sách không thể áp dụng được vào tình thế hiện tại, tôi vò đầu bứt tai. Tôi sợ chiếc xe duy nhất cùng mình trinh chiến suốt thời gian qua sẽ không sử dụng được nữa. Lương tháng khởi điểm ở 23 Creative chỉ từ 1 đến 2 triệu. Số tiền đó dùng để ăn trưa cũng đủ hết chứ đừng nói là mua xe mới.

Rơi vào đường cùng, tôi bắt đầu nghĩ miên man. Tôi có lẽ đã "tốt" hơn nếu theo đuổi một con đường khác, từ bỏ đam mê nhưng ít ra không khó khăn thế này.

Lúc tôi tưởng đời đã quật ngã được mình thì cũng may, 2 siêu nhân mặc áo mưa, phóng như bay trong màn đêm để níu kéo Hoàng Kỳ Anh ở lại. Họ không có ánh hào quang lấp lánh tỏa xung quanh. Bù lại, họ cho tôi thấy thế nào là không bỏ mặc đồng đội trong cơn hoạn nạn.

Cảm ơn anh em. Cũng cảm ơn cơn mưa nữa, nhờ nó mà tôi giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc của mình.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 10.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 9.

Dota 2 đối với nhiều người là một trò chơi cực "toxic". Nhưng chính nó đã gắn kết chúng tôi trở thành một khối, đồng tâm hiệp lực cống hiến cho cộng đồng. Chúng tôi hiểu kênh mới thành lập còn nhiều khó khăn để rồi cùng nhau cố gắng.

Sau này công việc thuận lợi, mỗi tháng chúng tôi được 6 triệu. Tăng lương vui thật, nhưng tôi thích khi nói về những thành tựu mình cùng anh em ở 23 Creative làm được hơn.

Chúng tôi tự hào là đơn vị tổ chức pubstorm thành công, gây được tiếng vang nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Chưa dừng lại ở đó vào đầu năm nay, chúng tôi đã tổ chức thành công giải đấu PGL với số tiền thưởng lên đến 100 triệu VNĐ. Đó thật sự là kỷ niệm, một mốc son không thể nào quên.

Nhưng cũng vì sự chuyển mình quá nhanh kể từ khi xuất hiện mà mọi thứ không được vui như trước nữa.

Kể từ khi tiến lên thành công ty, có khá nhiều chuyện xảy ra. Công việc của tôi và anh em không đơn thuần chỉ là bình luận các trận đấu nữa mà phải chuyển sang làm những nội dung chất lượng để thu hút thêm người xem. Tôi và anh em bắt đầu lấy công làm lãi. Lắm lúc phải ngồi than thở với nhau rằng số tiền nhận được sau mỗi tháng không bằng một nửa công sức mình bỏ ra cho công ty.

Những chiếc bánh mì trong thời gian nghỉ giữa các ca không còn ngon như trước nữa. Sự niềm nở lúc mới đến chấm công cũng không còn.

Đó là lúc những bất đồng xuất hiện. Và khi 2 bên không đạt được tiếng nói chung, một bên phải chấp nhận ra đi. Người đó là Mimosa.

Anh ấy không đồng tình với cách vận hành của công ty nên quyết định nghỉ. Dù trong đầu vẫn chưa có phương hướng gì, anh ấy vẫn ra đi. Điều này khiến không chỉ Mimosa mà những anh em còn trụ lại tan nát con tim.

Anh ấy sẽ làm gì? Đó là câu hỏi mà chúng tôi cứ ngay ngáy trong đầu. Mimosa vẫn muốn cống hiến, nhưng 23 Creative thời điểm đó không còn là nơi anh ấy thuộc về.

Tôi là một thằng đơn giản. Tôi từng đặt lợi ích chung lên nhu cầu riêng nhưng không phải ai cũng như vậy. Khi đứng ở 2 phía nghe những câu chuyện, thứ tiên tôi cảm thấy đau xót. Thứ 2 tôi hiểu và ngộ ra một điều rằng ai cũng có giới hạn khi cùng nhau cống hiến cho mục tiêu chung. Khi đạt giới hạn, ai cũng có xu hướng bung ra đi con đường riêng của mình. Điều này thật sự không thể tránh khỏi.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 10.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 11.

Tôi cũng có giới hạn của mình. Khi đứng trước lựa chọn có nên tiếp tục cố gắng tiếp hay không, tôi đã dừng lại.

Xin mọi người hãy thông cảm, đã đến lúc tôi nghĩ đến gia đình và người yêu. Liệu họ có thể chờ đợi tôi bao lâu nữa đây?

Đến lúc này, sau khi trải qua đủ mọi hỉ nộ ái ố, tôi vẫn thấy mình may mắn. Khi bày tỏ ý định tạm nghỉ học để theo đuổi con đường bình luận viên, bố mẹ không những không ngăn cản mà còn ủng hộ. Bù lại, tôi buộc phải hứa rằng sau này mình phải có một bằng cấp gì đấy và có một công việc ổn định hơn.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 12.

Tôi bị ám ảnh bởi những lần vô tình bị người quen tóm lại rồi hỏi chuyện nghề nghiệp, lương bổng. Thi thoảng tôi phải nói dối mình đang làm marketing cho một công ty truyền thông vì nếu trả lời thật, chắc chắn họ sẽ chẳng hiểu gì. Tôi không trách móc ai cả, chỉ là xã hội Việt Nam cần thêm thời gian để những người như tôi được chấp nhận.

Kể từ khi có bạn gái, tôi cũng tự nhủ rằng mình cần một thứ gì đó khác để còn chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Dù cô ấy không đòi hỏi gì nhưng tôi hiểu cả 2 cần sự đảm bảo về tương lai.

Để làm được những điều trên tôi đâu có thể làm BLV Dota 2 mãi được.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 13.


Lúc mới lên đại học tôi có khá nhiều tài lẻ. Tôi có thể đàn hát, nói tiếng Anh lưu loát, sáng tác nhạc và chơi bóng rổ nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu chăm chú học tập hơn, liệu con đường của tôi có bớt gồ ghề, tôi có thể kiếm được một công việc nhàn hạ hơn chăng?

Nhưng rồi tất cả suy nghĩ đó đều bị bác bỏ bởi một sự thật, tôi yêu Dota 2 hơn hết thảy.

Nhờ Dota 2 mà tôi có cơ hội thể hiện, hoàn thiện bản thân. Nếu không có những buổi tối cắm đầu vào bình luận đến khô rát cổ họng, tôi đâu có được hoạt ngôn như thời điểm hiện tại. Nếu không có những lần mày mò xem video, tôi đâu có được lượng kiến thức khổng lồ về bộ môn mà nhiều người cho rằng quá khó để chơi.

Tôi không quá nổi tiếng, nhưng khi đi đường một số người vẫn nhận ra tôi và vẫy tay chào, thậm chí còn xin chụp ảnh.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 14.

Có một thanh xuân như thế, đương nhiên tôi rất đỗi tự hào.

Và nếu có cơ hội trở lại nói chuyện với chính tôi trong quá khứ, tôi sẽ vỗ vai chàng thanh niên trẻ tuổi ngày đó rồi nói rằng: Hãy cứ mơ mộng đi, đừng để bản thân phải hối tiếc vì điều gì.

Tôi tin nếu cứ theo đuổi đam mê, kết quả nào nhận được cũng đều tốt đẹp.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 17.

[Ngồi xuống và nghe tôi kể về Esports] Kỳ Anh Hoàng: Xác sống cũng được, tất cả vì đam mê - Ảnh 18.