Móng chân - chỗ tụ máu thâm tím, chỗ sẹo lồi bao bọc... có lẽ là chi tiết thu hút nhất trên cơ thể nhân vật đang ngồi đối diện tôi. Hoàng Đức - Quả bóng Vàng Việt Nam 2021 chọn phong thái phòng thủ lạnh lùng để bắt đầu cuộc trò chuyện. Thời gian cứ thế trôi theo những tiếng cười giòn tan. Để rồi đúng vào lúc trời trở về chiều, Hoàng Đức bộc lộ trọn vẹn hình ảnh một chàng trai 24 tuổi cởi mở, dí dỏm, hiền khô nhưng cũng đầy nguyên tắc, ngay cả với người con gái mình yêu. Cuộc trò chuyện giúp tôi nhìn rõ giá trị của thể dục thể thao đã nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn con người mạnh khỏe đến nhường nào.
Hoàng Đức: Chấn thương chị ạ. Ám ảnh lắm luôn.
Phải làm vận động viên chị mới hiểu được cảm giác sợ hãi trước tin báo: “Dính chấn thương rồi”. Đương nhiên chấn thương có mức độ của nó. Nhưng nói gì thì nói, nặng hay nhẹ đều rất đáng sợ.
Chấn thương cỡ 1 tuần, 2 tuần không được ra sân gần như là chuyện hiển nhiên ai cũng phải trải qua. Nhưng oái oăm thay, cơ thể của cầu thủ vốn được luyện tập hàng ngày hàng giờ suốt hàng chục năm trời để trở thành một cỗ máy đá bóng, suy nghĩ và công việc chỉ liên quan đến bóng đá. Khi chấn thương thì sao? 24 tiếng trong ngày, 7 ngày trong tuần, 30 ngày trong tháng... bọn em chỉ được phép ăn, ngủ và xuống phòng gym tập. Chị đừng tưởng ở đó sẽ được vận động theo ý thích - không hề. Cực kỳ khó chịu.
Với những chấn thương nặng, bi kịch ngay lập tức ập đến: nghỉ bóng đá hoàn toàn suốt 1 - 2 năm trời và có thể kéo dài hơn thế nữa. Lúc đấy chị biết cầu thủ sợ gì không? Sợ phải đối diện với rất nhiều chán nản, áp lực đến mức không muốn làm một cái gì. Anh em cầu thủ phải công nhận với nhau, đáng sợ hơn cả những ngày buồn đau chính là những tháng ngày trống rỗng.
Ác một cái, chấn thương chẳng bao giờ dự báo hay thông báo trước. Tai nạn luôn có thể đến ở mọi tích tắc, mọi tình huống bóng mình không lường trước nổi. Cá nhân em may mắn khi mới bị chấn thương ở mức độ phải nghỉ thi đấu 1-2 tháng thôi. Nhưng những tháng ngày chán nản đó chưa bao giờ dễ quên chút nào.
Hoàng Đức: Khi đã coi bóng đá là nghề thì bọn em bắt buộc phải đầu tư hết mức cho nó. Ngay như chuyện phát triển cơ bắp thôi cũng phải bài bản.
Những năm trước cơ thể em hơi gầy. Cân nặng hụt so với chiều cao khung xương. Lúc tranh chấp, va đập dễ rơi vào thế yếu hơn, cũng dễ bị chấn thương hơn. Cho nên vài năm lại đây em phải tham khảo các huấn luyện viên, chuyên gia về chế độ ăn uống và tập luyện. Thời gian vừa qua em rất chịu khó đẩy tạ cho nên cơ thể biến chuyển tốt hơn hẳn. Em đã tăng được vài cân cơ. Tự hào phết đấy!
Khi dày mình hơn thì em khỏe hơn, cản lướt tốt hơn và rướn cũng tốt hơn. Vui nhất là khi tập luyện đỡ mỏi hẳn vì lực va chạm tác động lên khung xương giảm rất nhiều. Từ đó cơ thể bớt nguy cơ chấn thương khi va chạm.
Em cũng đồng thời tập luyện mỗi ngày để hoàn thiện hơn về kỹ thuật và hiệu quả tranh chấp 1:1 với đối phương. Bởi em biết đó là những điểm thiếu sót mình đang chưa hài lòng. Chính ra trên sân, nếu quan sát kỹ mọi người sẽ thấy em ít khi va đập với người khác. Quan điểm của em là chỉ tranh chấp ở những tình huống bắt buộc.
Hoàng Đức: Em nhận được nhiều lời nhận xét vậy rồi!
Nếu ai xem em thi đấu nhiều có lẽ sẽ hiểu ra thôi. Với em quyết liệt chơi bóng không đồng nghĩa với việc phải đốn ngã, nổi nóng hay triệt hạ đối phương theo cách mọi người thường nghĩ. Quyết liệt chơi bóng của em là mọi mục tiêu của BHL, của đội tuyển, của CLB được bảo vệ trong từng tình huống bóng mình tham gia.
Mọi người cứ quan niệm trên sân phải máu lửa, chịu khó va chạm, xảy ra xung đột là phải lao vào... Nhưng em không có thói quen đó. Trước giờ em thi đấu rất bình tĩnh. Mọi người nói em chỉ bình tĩnh không cá tính. Em lại thấy bình tĩnh mới chính là cá tính của em. Bình tĩnh là phong cách chơi bóng từ nhỏ của em.
Tất nhiên trong bóng đá sẽ có tình huống trở nên nguy hiểm hay đối thủ cố tình đá xấu mình. Mỗi người một tính, trên sân chẳng ai giấu nổi bản tính của mình đâu. Sẽ có người nóng giận, tỏ thái độ căng thẳng ngay. Nói thật em đá bóng từ nhỏ đến giờ chắc chắn cũng có tình huống mất bình tĩnh. Không phải nhiều nhưng em luôn cân bằng ngay sau đó. Vì tính cách của em không phải kiểu mất bình tĩnh để nổi nóng hay tranh cãi, gây lộn trên sân gây ra những tình huống khiến đôi bên căng thẳng. Họ chơi xấu chứ mình có chơi xấu đâu để mà phải trả thù hay xoạc chân chơi xấu lại. Em không có thói quen trả thù những người đá xấu mình.
Luyện mãi bao nhiêu năm mới bình tĩnh và dễ dàng bỏ qua mọi gây hấn như vậy chẳng nhẽ bây giờ nghe mọi người nói này nọ rồi bảo em thi đấu sang một kiểu khác bốc lửa hay gì đó là rất khó. Lúc ấy chẳng còn là em nữa.
Hoàng Đức: Thứ nhất, em không hướng đến mẫu cầu thủ nào đã từng xuất hiện và không muốn là một bản sao của ai đó. Em chỉ học hỏi điểm mạnh ở nhiều người khác và trau dồi cho bản thân trở nên bớt thiếu sót, nhiều mạnh mẽ hơn.
Còn những cầu thủ khiến em yêu thích và muốn học hỏi thì đó chính là João Félix của Atlético Madrid và Kai Havertz của CLB Chelsea. Họ đều là những cầu thủ có tuổi đời rất trẻ, chỉ mới 22 tuổi thôi nhưng chơi bóng rất bình tĩnh. Nếu chị xem chị có thể thấy những người điềm đạm như thế không quá ồn ào trong cả 90 phút. Họ cứ thế thầm lặng đá. Đối phương thậm chí còn tưởng họ vật vờ và không mấy quyết liệt trên sân nên rất dễ chủ quan, lúc ấy họ mới bất thần tỏa sáng. Đó là phong cách em hướng đến.
Thứ hai, bản chất em là một tiền vệ nên rất ít khi ghi bàn cho CLB và ĐTQG. Sở thích của em là kiến tạo bàn thắng cho đồng đội. Việc đó với riêng em còn quan trọng hơn cả ghi bàn.
Hoàng Đức: Đúng là người ghi bàn sẽ được nhắc đến nhiều nhất nhưng cá nhân em lại chỉ muốn nhận về cảm xúc vì đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Em là tiền vệ - người chuyền bóng và phân phối bóng cho toàn đội. Nếu có thể ghi bàn, đó là điều rất tuyệt vời. Nhưng ghi bàn chỉ là nhiệm vụ đột biến, mình không thể cứ chăm chăm vào mà quên mất nhiệm vụ chính của một tiền vệ - thực hiện được những đường chuyền dễ nhất cho đồng đội ghi bàn. Trường hợp HLV đặt em ở vị trí tiền đạo chẳng hạn, đương nhiên em sẽ dồn sức tập trung vào nhiệm vụ săn bàn.
Hoàng Đức: Trong các buổi tập, trước những tình huống sút được là vào thì em sẽ không sút mà vẫn muốn chuyền cho đồng đội.
Còn trong thi đấu sẽ hơi ít tình huống kiểu đó. Nhưng nếu thuận lợi khi sút bóng chiếm 60% còn cơ hội đến chân đồng đội ở vị trí đẹp là 40% thì em vẫn sẽ chuyền. Đương nhiên khi hơn 60% thuận lợi ở ngay dưới chân mình thì chắc chắn phải sút thẳng về cầu môn để tìm bàn thắng chứ.
Hoàng Đức: Anh Quang Hải có nói việc anh ấy đi sang một đội bóng nước ngoài đã là thành công chứ chưa nói sang đó làm gì. Cá nhân em cũng nghĩ vậy. Nếu có lời mời em rất sẵn sàng đi luôn. Em muốn thử sức mình lắm chứ.
Thật tình em chỉ mong muốn cầu thủ Việt Nam, ai có cơ hội thì đều nên đi ra nước ngoài làm việc và thi đấu. Mình sẽ bứt ra được khỏi vùng an toàn. Mọi người vẫn thường nói bóng đá Việt Nam cần nỗ lực “thoát Đông Nam Á”. Vậy ai sẽ hành động để “thoát” trước tiên nếu không phải là cầu thủ? Có thể một vài cầu thủ ra đi không thành công nhưng chắc chắn tất cả mọi người sẽ học được rất nhiều, ngay từ chính những thất bại đó.
Và nếu có ý chí xuất ngoại rồi thì cầu thủ mình nên đi càng sớm càng tốt. Giai đoạn 24 - 25 là độ tuổi gần như lý tưởng nhất để cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Bởi vì giai đoạn đó, tâm lý của cầu thủ đang rất khao khát chinh phục, sức trẻ còn rất nhiều để lao vào thử thách. Kể cả trường hợp thử thách vài năm rồi và chấp nhận về nước làm lại từ đầu, cơ hội vươn lên chứng tỏ mình với bóng đá trong nước của cầu thủ vẫn còn nhiều. Chỉ cần quá 1-2 năm thôi, bước sang tuổi 26-27 mới tính đến chuyện đi nước ngoài thì đường về sẽ khác đi rất nhiều. Bởi vì lúc ấy cầu thủ gần 30 tuổi rồi, hạn chế về thể lực và sự lo lắng bắt đầu xuất hiện. Cho nên, cầu thủ đi được càng sớm càng tốt cho tất cả. Kể cả với nền bóng đá Việt Nam nói chung.
Hoàng Đức: Nhiều rồi ạ! Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan...
Nhưng em đang vướng hợp đồng ở Trung tâm trong 2 năm nữa. Sau này nếu có cơ hội, em nghĩ có thể ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tiên. Vì đây là những nền bóng đá hàng đầu Châu Á, lại có văn hóa và nếp sống gần với người Việt Nam hơn cả. Khi thành công rồi mình sẽ đặt mục tiêu cao hơn như là sang Châu Âu.
Em đặc biệt ấn tượng với phong cách của cầu thủ Nhật Bản. Họ rất khác với phần còn lại của bóng đá châu Á nói chung. Phải được trực tiếp đá với họ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 mới thấy, họ không đá thô bạo, cực kỳ kỹ thuật và hiệu quả. Mặc dù biết là trên level (trình độ - PV) của mình rồi nhưng họ không tỏ thái độ “tao khinh mày”. Họ rất tôn trọng mình. Đá với những đội như vậy sướng thật sự!
Hoàng Đức: Ở CLB em chơi thân với Đức Chiến. Hai anh em cùng quê đá bóng và chơi thân từ năm 11 tuổi nên rất hiểu tính cách của nhau.
Em thì trầm tính ở mọi nơi trong khi lúc ở trên sân Chiến rất quyết liệt, mạnh mẽ nhưng ngoài đời lại rất nhí nhố, vui tính và hay trêu đùa. Cho nên em có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau rất nhiều việc cả trên sân cũng như ngoài đời. Hai anh em thân nhau đến mức nhiều khi chẳng cần nói ra người kia cũng hiểu bạn mình đang nghĩ gì.
Hay hơn nữa là em và Chiến đều thích chơi game. Hồi nhỏ hai đứa còn thỉnh thoảng đạp xe đạp, trốn học đi chơi game. Lớn lên rồi vẫn chở nhau bằng xe máy ra tiệm game chơi. Bây giờ trưởng thành rồi, lịch tập huấn và thi đấu bận rộn hơn bọn em còn mua chung một bộ máy tính đặt trong phòng để không phải đi ra ngoài chơi.
Hoàng Đức: Bạn cùng lớn lên với nhau thân và vui thế đấy chị. Không cần phải làm gì to tát cho nhau, chỉ cần luôn ở bên cạnh, tin tưởng và chia sẻ với nhau mọi thứ. Những ngày Chiến bị chấn thương, em đi thi đấu xa vẫn tranh thủ thời gian nghỉ gọi về hoặc chơi cùng vài ván game để nó bớt buồn.
Hơn nữa, em thấy chơi game không có hại. Chơi game quá đà để đến nỗi game chơi mình mới đáng sợ. Với bọn em, suốt một ngày dài từ sáng đến chiều chỉ biết đến bóng đá, vào giải thi đấu còn không cầm đến điện thoại. Nếu không có một cách thư giãn nào đó, chắc chắn cầu thủ sẽ bị căng thẳng đến bất ổn.
Từ ngày có máy tính, em có thêm phương tiện để thư giãn mỗi tối. Thường em dùng để nghe nhạc, chơi game và bây giờ còn là dùng để học thêm ngoại ngữ qua mạng. Đôi lần bạn gái cũng hỏi, vậy lúc nào em dành thời gian cho cô ấy? Bởi vì thường vào buổi tối sau khi chơi game xong em mới nói chuyện với bạn ấy.
Em hay nói đùa: “Cả ngày anh dành cho công việc. Tối anh mới có thời gian cho những việc riêng tư. Anh biết game từ nhỏ, trước cả khi biết em nên cái gì phải ra cái đấy”...
Hoàng Đức: Em đùa thôi. Bởi vì cô ấy hiểu em.
Gần như ai yêu cầu thủ bóng đá cũng sẽ phải chấp nhận thực tế là thời gian dành cho đối phương sẽ không nhiều. Có khi đã lên kế hoạch gặp gỡ hay đi du lịch chi tiết rồi đây nhưng lại phải lỡ hẹn do công việc. Thời gian đầu chúng em đã từng rơi vào bế tắc vì yêu xa. Bạn gái ở tận Đồng Nai trong khi em ở Hà Nội và đi thi đấu khắp nơi. Đôi khi cũng xảy ra hiểu lầm rồi hai đứa chưa hiểu nhau, chưa có sự cảm thông và suy nghĩ cho nhau.
Sau 2 năm gắn bó, chúng em đang hiểu nhau hơn. Em bắt đầu biết ghìm cái tôi của mình để quan tâm đối phương và bạn gái đã chấp nhận, thông cảm cho công việc của em.
Hoàng Đức: Bạn ấy không cần gì quá ở em. Không cần em phải nhắn tin suốt ngày. Một ngày em nói chuyện với bạn rất ít nhưng em lại cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm và tin tưởng rất nhiều.
Hoàng Đức: Có lẽ em là tình yêu rất lớn của bố mẹ. Chị gái em đã đi lấy chồng, giờ nhà chỉ còn mỗi em mà em lại đi xa, cả năm mới về một lần nên mỗi khi về nhà bố mẹ rất vui.
Từ nhỏ đến giờ, gần như em không phải làm bất cứ việc gì trong nhà. Đến nỗi cầm cái chổi quét nhà bố em cũng không cho. Sự chăm sóc bố dành cho em rất đặc biệt. Lần nào em về bố cũng sẽ là người đi chợ mở tiệc để cả gia đình cùng chung vui. Bố là người biết rõ em thích món ăn nào nhất, em dậy lúc mấy giờ và đi chơi với bạn bè chỗ nào.
Còn mẹ lại rất hiền và tâm sự với em mọi chuyện. Có lần hai mẹ con đang ngồi nói chuyện với nhau về họ hàng làng xóm gì đó thôi. Tự nhiên, ngước mắt lên em thấy mẹ khóc. Chẳng hiểu mẹ rơi nước mắt vì nội dung câu chuyện, hay vì lâu quá rồi không ngồi với em nữa...
Hoàng Đức: Có lẽ đúng chị ạ. Kể cả giai đoạn tăm tối nhất với em cũng sẽ có những sự quan tâm tận tâm xuất hiện.
Thời điểm 15-16 tuổi ngay đến bản thân em cũng tự đồng ý với mọi nhận xét rằng mình không thể phát triển được nữa về chuyên môn. Mình phải từ bỏ bóng đá thì thầy Nguyễn Thành Công được Viettel mời về huấn luyện lớp U17 của em.
Rất nhẹ nhàng thôi, thầy gặp riêng và hỏi: “Tại sao em chưa cố gắng hết sức mà bản thân đã muốn dừng cuộc chơi?”
15-16 tuổi đã phải dừng chơi ư? Thứ đáng tiếc và đáng sợ nhất của tuổi trẻ chính là phải dừng cuộc chơi. Từ lúc ấy, bản thân em đã không một phút dám bỡn cợt, hờ hững trong tập luyện. Và mọi trận đấu sau này em tham gia đều với tâm thế không thể dừng cuộc chơi ở đây. Đó chính là động lực để em đứng lên tốt hơn sau mỗi lần vấp ngã.
Thanh An - Ảnh: Như Đạt