Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 1.

Một buổi sáng đẹp trời trước khi giải đấu diễn ra khoảng một tuần, tôi có cơ hội được đến thăm gaming house của V Gaming Ladies. Là "gaming house" nhưng khuôn viên cho 6 tuyển thủ sinh hoạt chỉ gói gọn trong căn chung cư 55 mét vuông. HLV của đội là con trai nên được đặc cách ở riêng trong một căn nhỏ hơn ở tầng dưới.

"Nhà khá chật chội, có 2 phòng ngủ nhưng chỉ 1 vệ sinh. Các bạn tuyển thủ vì thế phải phân chia thời gian cố định để sử dụng", quản lý đội chia sẻ.

Nơi rộng nhất trong gaming house là phòng khách, được trưng dụng làm khu vực họp bàn chiến thuật và luyện tập chính. Đạo cụ hỗ trợ luyện tập bao gồm chiếc bảng trắng và 5 cái quạt mini để trên bàn. Bảng là để HLV chỉ đạo, phân tích trước và sau trận đấu, quạt giúp tay các bạn tuyển thủ khô và để máy điện thoại đỡ nóng khi chơi trong thời gian dài.

Khu luyện tập phụ là mọi ngóc ngách trong nhà. Miễn sóng wifi vẫn đầy, pin điện thoại vẫn "full" thì chỗ nào với các thành viên V Gaming Ladies cũng có thể biến thành nơi mài dũa kỹ năng được. Thỉnh thoảng, chiếc ghế sofa được tuyển thủ "sủng ái" hơn cả giường tầng. Đó cũng là đồ vật được các bạn yêu thích nhất.

Được biết gaming house hiện tại được V Gaming Ladies sử dụng là một "căn cứ chiến lược", sinh ra để phục vụ cho giấc mơ giành Huy Chương Vàng tại SEA Games 31. Trước đó, các bạn tuyển thủ luyện tập và thi đấu theo hình thức online 100%, một phần vì dịch bệnh, phần khác vì ngân sách eo hẹp. Thi thoảng có giải lớn, toàn đội mới được gặp mặt nhau thi đấu onlan.

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 3.

Việc toàn bộ thành viên được quy về một mối, ăn tập cùng nhau là điều may. Bởi lẽ Esports cũng như bao bộ môn khác, tính đồng đội và ăn ý luôn được đặt lên đầu. Đánh đổi sự khó khăn khi ở chung lấy thành tích tốt hơn thật đúng đắn, trong bối cảnh trước mắt các bạn là cơ hội đem Huy Chương Vàng về cho thể thao Việt Nam.

"Là đội tuyển toàn nữ với nhau, sống chung trong một thời gian như vậy nhiều khi hay xảy ra xích mích", Lê Trà My (Teamie) chia sẻ. "Mỗi người đều cố gắng nín nhịn, hạ cái tôi của bản thân xuống một chút để hướng đến mục tiêu chung".

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 4.

Tuổi đời của các thành viên trong V Gaming Ladies còn rất trẻ. Như Teamie, cô nàng này sinh năm 2000 nhưng vẫn thuộc hàng ngũ "chị lớn" trong đội. Tiếp nữa, dù sàn sàn tuổi nhau nhưng mỗi người trong đội lại sở hữu một vẻ riêng biệt, từ vẻ ngoài đến tính cách, chẳng ai giống ai. Ngoài mục tiêu là giành Huy Chương Vàng SEA Games ra thì điểm chung thứ hai của tất cả là… chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp.

Thật nực cười khi một trong những niềm hi vọng vàng của eSports Việt Nam tại SEA Games sắp tới từng nghĩ vậy, nhưng đó là sự thật. Tốc Chiến xuất hiện ở Việt Nam khoảng 2 năm trước. Bộ môn này được đánh giá khó tiếp cận, chỉ thật sự phù hợp với các bạn đã chơi phiên bản của chính nó trên PC.

Vào thời điểm NPH của Tốc Chiến bắt đầu các chiến dịch quảng cáo rầm rộ thì các tuyển thủ V Gaming Ladies vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường (hiện tại số đông vẫn đang làm sinh viên các trường đại học ở Hà Nội). Trong 6 VĐV thì chỉ có một vài bạn từng chơi game trên PC. Phần còn lại giống như Teamie, chưa một lần đụng đến LMHT.

"Em biết đến Tốc Chiến sau khi được em trai (sinh năm 2006) rủ chơi. Trước đó em chơi PUBG Mobile và một số trò khác trên điện thoại di động", Teamie chia sẻ. "Ban đầu, game với em chỉ để giải trí mà thôi".

Mọi thứ sẽ dừng lại đây nếu không có "xúc tác" Covid-19. Dịch bùng phát khiến trường học buộc phải cho học sinh, sinh viên nghỉ, nhiều thành phố lớn rơi vào tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập. Giới trẻ khi ấy nghiễm nhiên có nhiều thời gian dành cho trò chơi điện tử hơn, các tuyển thủ V Gaming Ladies cũng không phải ngoại lệ.

Cứ thế như một lẽ tự nhiên, chơi nhiều sẽ giúp "lên trình". Teamie hiện đang sở hữu mức xếp hạng Cao Thủ, thành tích rất nhiều game thủ nam muốn nhưng cũng chẳng đạt đến nổi. Chơi giỏi vượt trội sẽ dẫn đến mong muốn được thể hiện bản thân, các giải đấu cộng đồng trở thành sân chơi vừa tầm cho Teamie và đồng đội. Từ đó, cơ hội lên chuyên đã xuất hiện.

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 6.

"Ban đầu em muốn mở một cửa hàng trà bánh. Đam mê số một của em là nấu ăn", Teamie chia sẻ sau khi được hỏi nếu không bén duyên với Tốc Chiến thì bây giờ cô đang làm gì. Trong số các thành viên còn lại có bạn đam mê nghệ thuật và đặt mục tiêu sau này sẽ trở thành diễn viên múa, có bạn mong muốn sẽ trở thành một nhân viên văn phòng bình thường, để dành đủ tiền để thỏa sở thích du lịch khắp đó đây, trải nghiệm các nền văn hoá và ẩm thực mới.

Tất cả những giấc mơ đó hiện đã được tạm gác lại, nhường chỗ cho mục tiêu SEA Games 31. Và để cụ thể hoá điều ấy, các thành viên của V Gaming Ladies đang trải qua giai đoạn trưởng thành thần tốc.

Đội không có người giúp việc nên những công việc thường ngày, từ nấu ăn cho đến giặt là các thành viên phải chia nhau ra làm từ A đến Z. Nhiều bạn trước được ba mẹ cưng chiều, không phải làm gì bây giờ đều đã có thể làm "nhoay nhoáy".

Ngoài khía cạnh đời sống, khả năng chịu sức ép, vượt qua định kiến trong game của các bạn cũng tăng đáng kể.

eSports hợp với các bạn nữ khi không đòi hỏi nhiều thể lực. Thế nhưng trong các tựa game MOBA như Tốc Chiến, có một "đặc sản" không thể thiếu, là sự "ung thư" của một bộ phận người chơi. Đôi khi vì kết quả không được như mong muốn mà nhiều game thủ sử dụng những từ ngữ nặng nề để đả kích chính đồng đội của mình, kể cả biết mình đang chơi cùng phái yếu.

Ngoài những từ bình thường, giới trẻ bây giờ "văn hay, chữ giỏi" đến mức tìm ra một từ khác mà tôi không tiện nhắc trong bài viết này để sỉ nhục riêng các bạn game thủ nữ. "Nhiều người bảo con gái tụi em chơi game thường được cưng chiều, săn đón. Cá nhân em thì thấy không phải lúc nào cũng vậy", Teamie khẳng định. "Chúng em cũng bị chỉ trích, nhục mạ nhiều lần khi chơi xếp hạng. Đó cũng là vì sao bây giờ chúng em hiếm khi chơi game một mình".

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 7.

Cũng giống như vị trí "hỗ trợ" trong Tốc Chiến bị nhiều người gọi là vô dụng, chẳng biết từ bao giờ và vì lý do gì, game thủ nữ mặc định bị coi là thua kém các bạn nam. Điều này dẫn đến những ảo tưởng tai hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn tuyển thủ nữ.

Năm nay, vào thời điểm BTC SEA Games công bố sẽ thêm cả nội dung thi đấu dành cho nữ, nhiều ý kiến xem nhẹ các bạn tuyển thủ phái yếu đã xuất hiện trôi nổi trên MXH, ví dụ như "giải nữ ai xem, ai quan tâm".

Thật may, các thành viên của V Gaming Ladies có cách để vượt qua những trải nghiệm tiêu cực ấy, đó chính là khoá mic, tạm thời ngừng sử dụng MXH. Bộ đôi tuyệt chiêu nghe đơn giản nhưng lại hiệu quả. Trong lúc luyện tập và thi đấu, nếu mọi thứ diễn ra không đúng như kỳ vọng thì toàn đội sẽ hạn chế tối đa cãi vã. Mọi khúc mắc được để dành khi thắng thua được xác định, còn trong trận tất cả phải tuyệt đối tin tưởng nhau.

Với trường hợp của Teamie, cô nàng tuyển thủ sinh năm 2000 này rắn rỏi đến mức biến những cảm xúc tiêu cực, sự coi thường hướng đến mình trở thành động lực để phấn đấu.

"Em không biết mọi người nghĩ như thế nào về cơ hội của V Gaming Ladies ở SEA Games nhưng từ lúc bắt đầu chiến dịch, em đã đặt mục tiêu cả đội sẽ giành quyền tham dự giải đấu ấy. Sau khi đã được đại diện cho Việt Nam rồi thì tất nhiên, mục tiêu sẽ là tấm Huy Chương Vàng Thứ nhất, danh hiệu ấy sẽ giúp em chứng tỏ được khả năng của mình. Thứ hai, nó sẽ khiến các bạn nam phải thừa nhận khả năng của đội tuyển nữ chúng em", Teamie háo hức. 

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 8.

Giấc mơ SEA Games của tuyển thủ eSports nữ: Khi niềm hi vọng được gói ghém trong sự giản đơn, hồn nhiên - Ảnh 9.

Tại SEA Games 31, V Gaming Ladies là đội nữ duy nhất tham gia tranh tài ở hạng mục eSports. Với màn trình diễn ở giai đoạn tuyển chọn tiền giải đấu, người hâm mộ kỳ vọng những cô gái vàng tạo được dấu ấn khó phai ở giải đấu tầm cỡ khu vực, từ đó trở thành hình tượng giúp nuôi dưỡng những ước mơ cho phái yếu Việt Nam ở bộ môn thể thao mới mẻ.

Tuy nhiên trên thực tế, trong trường hợp V Gaming Ladies có thi đấu xuất sắc và giành Huy Chương Vàng chung cuộc đi chăng nữa, tương lai của đội tuyển này vẫn đang bị đặt dấu hỏi.

Theo chia sẻ của quản lý, có khả năng các VĐV trẻ tuổi của cô sẽ đường ai nấy đi sau hành trình SEA Games sắp tới. Lý do được đưa ra là gaming house chính của tổ chức V Gaming được đặt ở TP. Hồ Chí Minh còn toàn bộ tuyển thủ đều đang sinh sống, học tập và làm việc ở miền Bắc.

Một lý do khác là mức đãi ngộ các tuyển thủ nữ nhận được tương đối hạn chế. Câu chuyện này không phải của riêng Việt Nam, trên thế giới, các tổ chức eSports hàng đầu cũng đang gặp vấn đề tương tự nên không thể giải quyết một sớm một chiều.

Những cô gái V Gaming Ladies sẽ phải đứng trước các ngã rẽ khác nhau. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Hiện tại, dàn tuyển thủ nữ trẻ tuổi vẫn một lòng hướng về mục tiêu chung.

Nhớ lại khoảnh khắc giành quyền đại diện cho Việt Nam tham dự SEA Games, Teamie mô tả đó là "một trong quãng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời". Toàn đội vỡ oà trong sung sướng vì đã đạt được một thành tựu kể từ lúc chính thức lên chuyên nghiệp, càng tự hào hơn khi người thân biết được mình, từ những đứa mê game bây giờ đã sánh ngang hàng ngũ với VĐV thể thao truyền thống.

"Giành được Huy Chương Vàng chắc chắn chúng em sẽ còn vui hơn nữa. Em sẽ tự thưởng cho bản thân một chuyến đi du lịch. Em thích biển, em sẽ đi Phú Quốc cùng bạn trai", Teamie hồn nhiên thổ lộ.

Thế mới thấy dù phía trước ra sao, những trải nghiệm SEA Games đem lại cho các bạn tuyển thủ nữ V Gaming Ladies thật sự quý báu.

Tú Nguyễn
Trường Dương