VBA 2021 sẽ thay đổi, bứt phá là điều mà tôi được ông Trần Chu Sa chia sẻ từ lúc mùa giải 2020 bước vào giai đoạn Chung kết. Ở thời điểm đó, những thông tin còn khá mơ hồ và chỉ dừng lại ở “Hãy chờ xem”. Ngay sau khi VBA 2020 chấm dứt chặng đường 2 tháng thi đấu theo thể thức mới, giới thượng tầng giải đấu đã bắt tay vào công tác chuẩn bị và lên kế hoạch cho mùa giải mới.
Lúc này, tôi hiểu rằng “Hãy chờ xem” của vị Giám đốc điều hành 35 tuổi đã bước sang giai đoạn “Hành động”. Một cuộc hẹn được sắp đặt, một loạt những câu hỏi “xoáy” đã được chuẩn bị và Sport5 lại tiếp tục di chuyển vào TP.HCM để gặp gỡ ông Trần Chu Sa.
Buổi trò chuyện giữa Sport5 cùng ông Trần Chu Sa diễn ra trong văn phòng quen thuộc, nơi trước đó đã giúp NHM giải đấu hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị VBA 2020. Trong buổi trò chuyện trước thềm mùa giải 2021, ông Trần Chu Sa một lần nữa lại khiến Sport5 ngạc nhiên trước hàng loạt kế hoạch và sự thay đổi của BTC cho một mùa giải “Bứt phá” phía trước.
“Ở năm thứ 3 đảm nhiệm vị trí hiện tại ở VBA, tôi đã dành nhiều thời gian để nhìn lại về chặng đường 5 năm của giải đấu. Và nhận ra mỗi một mùa giải đều mang tới một giá trị nhất định cho nền bóng rổ Việt Nam. Chính những cột mốc mang dấu ấn khó phai đó đã thôi thúc tôi phải biến mùa giải 2021 trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết”, ông Trần Chu Sa chia sẻ.
Chia sẻ trên của ông Trần Chu Sa là điều dễ hiểu, bởi ở vị trí giám đốc điều hành của giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, việc mang tới những dấu ấn cho mỗi mùa giải là nhiệm vụ kiên quyết mà bất cứ ai ngồi vào “chiếc ghế nóng” này phải thực hiện. Và nếu nhìn lại chặng đường 5 năm trước đó, người hâm mộ sẽ thấy từng dấu ấn đặc biệt mà VBA đã mang tới với nền thể thao nước nhà nói chung cũng như bóng rổ nói riêng.
Ở mùa giải đầu tiên, VBA 2016 chính là “Sự khởi đầu”, bóng rổ Việt Nam chính thức có một giải đấu chuyên nghiệp và được xây dựng theo mô hình của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ - NBA. Giải đấu mang tới một làn gió mới trong làng thể thao vốn đã xưa cũ và ngay lập tức trở thành món ăn tinh thần đối với cả những người chưa từng để tâm tới bóng rổ.
Tại VBA 2017, giải đấu đánh dấu sự phát triển khi có sự xuất hiện của Thang Long Warriors, qua đó nâng số đội tham gia lên con số 6. Thêm một đội đồng nghĩa với việc số trận ở Regular Season (vòng bảng) sẽ tăng lên và người hâm mộ cũng được thưởng thức nhiều hơn những trận cầu mãn nhãn. “Sự phát triển” đó cho thấy VBA cùng các CLB đã nỗ lực vươn mình ra sao.
VBA ngoài việc được xây dựng theo hình thức thể thao kinh doanh giải trí, BLĐ giải đấu còn hướng tới một mục tiêu sâu xa hơn, phát triển bóng rổ nước nhà. Các hoạt động đưa bóng rổ vào học đường chính là hướng đi mà giải đấu lựa chọn thông qua chương trình VBA Cares. Đó cũng là dấu ấn của mùa giải 2018, với tên gọi “Sự kết nối”.
Về mùa giải 2019, sẽ không quá khi VBA cho rằng đây là “Dấu ấn” của giải đấu lên bóng rổ Việt Nam. Sau 4 mùa giải, VBA đã trở thành cái nôi giúp đội tuyển bóng rổ Việt Nam có được đội hình mạnh nhất, để rồi từ đó mang về 2 tấm huy chương đồng lịch sử ở thể thức 3x3 và 5x5 tại kỳ SEA Games 30. Không có VBA, không biết bao lâu nữa để đội tuyển Việt Nam tạo ra những bất ngờ trước Singapore, Thái Lan hay như Indonesia.
Thành công sau 4 mùa VBA, người hâm mộ trông chờ vào những đổi mới của VBA 2020 khi đội bóng thứ 7, Nhatrang Dolphins xuất hiện. Thế nhưng Covid-19 đã suýt khiến cho giải đấu phải tạm hoãn. Từ những khó khăn, VBA mang tới cho người hâm mộ cũng như cầu thủ của giải đấu một trải nghiệm khác biệt với cái tên “VBA Bubble”.
Với những cột mốc khác nhau và đều mang tới những kết quả tích cực cho nền bóng rổ nước nhà, ông Trần Chu Sa cho biết VBA 2021 sẽ có nhiều thay đổi để giải đấu ngày càng chuyên nghiệp, đồng thời tạo thêm nhiều sự kiện để hướng tới NHM cũng như giúp các cầu thủ và đội tuyển Việt Nam ở kỳ SEA Games 31 tới đây.
“Về mùa giải thứ 6 thì chúng tôi tạm đặt mục tiêu đó là ‘Phá vỡ giới hạn’. Vì trong năm 2021 chúng tôi sẽ có rất nhiều thay đổi để bứt phá ra những giới hạn thông thường của cả mùa giải VBA trước đó. Chúng tôi cũng hy vọng rằng những kế hoạch này sẽ được thực hiện và hoàn thành đầy đủ để giúp VBA có thêm những bước phát triển vượt bậc”, ông Trần Chu Sa chia sẻ.
Một trong những thay đổi đầu tiên về phương hướng hoạt động của VBA 2021 chính là địa điểm tổ chức thi đấu. Với tình hình hiện tại, thi đấu tập trung vẫn là hình thức duy nhất mà VBA hướng tới. Tuy nhiên khác với mùa giải trước đó, tại VBA 2021 sẽ có hai “môi trường bong bóng”.
“Về kế hoạch cụ thể để tổ chức VBA 2021, hiện tại chúng tôi đang triển khai theo hướng tổ chức 50% ở thành phố Hồ Chí Minh, 50% ở Hà Nội. Vì 2020 đã tổ chức tại TP.HCM, năm nay SEA Games lại tổ chức tại Hà Nội. Chính vì vậy việc đưa giải đấu về Hà Nội sẽ là 1 trong những chiến lược của VBA để đảm bảo sự cân bằng về mặt tổ chức cũng như tạo trải nghiệm sân nhà cho các CLB phía Bắc. Ngoài ra mục đính chính cho phương án này chính là khuấy động phong trào, nhằm quảng bá cho bộ môn bóng rổ ở kỳ SEA Games 31 tới đây”, ông Trần Chu Sa cho biết.
Chia sẻ rõ hơn về khả năng thành - bại cũng như khoản chi phí khổng lồ để xây dựng dự án trên, ông Chu Sa tiết lộ điều đó không quá quan trọng khi giải đấu có được sự đồng hành của đội ngũ chủ sở hữu. Trên hết, tất cả đều hướng tới đội tuyển Việt Nam cũng như trải nghiệm của người hâm mộ, một phần tất yếu làm nên thành công của mùa giải sau từng đó năm.
“Với việc tổ chức của VBA 2021, chúng tôi dự kiến ngân sách sẽ gấp đôi so với VBA 2020, nhiều khả năng sẽ phải lên tới 100 tỷ. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức Preseason và phần đầu Regular Season tại Hồ Chí Minh và nửa còn lại tại Hà Nội. Kế hoạch này khiến cho quy mô và thời gian tổ chức sẽ kéo dài gấp đôi, gần 4 tháng so với 2 tháng như 2020.
Cách thức này sẽ khiến giải tốn rất nhiều chi phí để vận hành ‘VBA Bubble mùa 2’. Đối với VBA nói riêng và bất cứ giải đấu nào khác nói chung, kinh tế là một phần quan trọng. Thế nhưng sau một mùa giải thiếu vắng những khán đài chật ních khán giả. Chúng tôi hiểu rằng đó mới là vấn đề mà chúng tôi cần đặt lên hàng đầu.
Sau ‘VBA Bubble mùa 1’ chúng tôi lo sợ về sự xa cách với khán giả có thể ảnh hưởng lâu dài tới khả năng tồn tại của giải đấu. Nếu nhìn sang V-League, chúng tôi khá ghen tị khi không thể mở cửa tự do như vậy ở mùa giải tới đây. Thế nhưng đó là sự khác biệt về hai giải đấu cũng như quá trình hình thành và lịch sử phát triển. Tuy nhiên ở VBA 2021, chúng tôi hy vọng sẽ có thể đón tiếp số lượng khán giả gấp 2 tới 3 lần so với năm ngoái”.
Tại VBA 2020, một trong những điều đáng tiếc nhất với NHM không chỉ ở phương thức thi đấu tập trung mà còn ở việc cắt giảm các sự kiện. Trước khi mùa giải thứ 5 diễn ra, NHM đã vô cùng háo hức trước việc VBA sẽ tổ chức thêm giải đấu 3x3 và All-Star. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến BTC giải đấu phải cắt đi 2 sự kiện kể trên, cùng với đó là loạt đấu tiền mùa giải.
Hiểu rõ những tiếc nuối của NHM, ông Trần Chu Sa cho biết với bản kế hoạch cho mùa giải 2021, VBA 3x3 và Preseason vẫn được giữ nguyên và thậm chí giải đấu sẽ còn mang tới những trải nghiệm vô cùng khác lạ cho NHM.
“Đối với cá nhân tôi, VBA 2020 có thể nói là đã diễn ra thành công trong bối cảnh nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc không thể mang tới 3x3 và All-Star là điều khiến tôi khá tiếc nuối. Và tôi tin rằng NHM cũng cảm thấy như vậy.
Ở mùa giải tới đây, chắc chắn VBA 3x3 sẽ được tổ chức. Về sự kiện All-Star, tôi không dám hứa trước mặc dù điều đó luôn nằm trong mong muốn của VBA. Để thay thế cho All-Star, tôi cùng giới thượng tầng của giải đấu sẽ thay đổi cấu trúc của mùa giải VBA 2021”.
“Trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/2021, chúng ta sẽ có 3 mùa giải riêng rẽ", ông Trần Chu Sa nói thêm “Với việc vẫn thi đấu tập trung, chúng tôi sẽ tổ chức Preseason thành một giải đấu riêng biệt. Thay vì được diễn ra với mục tiêu kiểm tra quy trình vận hành của các CLB tại sân nhà, Preseason sẽ trở thành giải đấu mở đầu cho chuỗi sự kiện mùa giải 2021. Cùng với VBA 6 và VBA 3x3, chúng ta sẽ có 3 mùa giải khác biệt.
Với mong muốn mang tới một hệ thống các giải đấu có chiều sâu, dài hơn nhằm giúp người hâm mộ có được sự trải nghiệm gần như xuyên suốt năm cùng với VBA. Ở thời điểm hiện tại, sự thay đổi này sẽ dành riêng cho hình thức thi đấu tập trung nhưng khi quay trở lại như cũ, chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán để duy trì mô hình giải đấu này”, vị giám đốc điều hành VBA cho biết.
Qua quyết định trên, VBA đã có sự bứt phá về số lượng giải đấu diễn ra trong năm 2021. Nói rõ hơn về phương án này, ông Trần Chu Sa cho biết thay đổi này sẽ dẫn tới một bước ngoặt lớn tại mùa giải thứ 6. Sự xuất hiện của đội bóng thứ 8.
“Tại VBA 2021, nếu mọi thứ thuận lợi thì chúng ta sẽ có thêm đội bóng thứ 8”, ông Trần Chu Sa chia sẻ thông tin đầy thú vị “Điều này xuất phát từ lời đề nghị của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, cụ thể Liên đoàn sẽ gửi đội dự tuyển Việt Nam thi đấu tại VBA 2021. Theo cá nhân tôi, đây là cơ hội tốt để giúp cả hai bên phát triển.
Nếu chúng ta coi đội tuyển Việt Nam là đỉnh kim tự tháp thì VBA chính là nền tảng, là cái nôi để xây dựng phát triển và rèn luyện cho các VĐV của đội tuyển Quốc gia. Chính vì vậy khi được đề nghị, tôi cùng toàn thể đội ngũ VBA đều rất háo hức và sẵn sàng cho sự tham gia của đội tuyển Quốc gia ở kỳ VBA tới đây”.
Quả thật những chia sẻ của ông Trần Chu Sa không hề sai, với những người yêu mến bóng rổ và theo dõi quá trình thi đấu ở đấu trường khu vực cũng như thế giới, hầu hết đều thấy sự khởi sắc của đội tuyển nước nhà kể từ khi VBA được thành lập.
Trong 4 năm đầu tiên, VBA đã trở thành “lò luyện đan”, giúp cho các VĐV nội binh có thêm một giải đấu dài hơi và được cọ xát với những đối thủ chất lượng hơn tới từ nhóm VĐV nước ngoài. Sự xuất hiện của các ngoại binh và Việt kiều phần nào giúp cho các cầu thủ nội binh cảm thấy sự ganh đua rõ rệt tại VBA, qua đó giúp họ có thêm động lực để tập luyện, phát triển bản thân.
“Dấu ấn” khó phai tới từ các giải đấu như FIBA 3x3 Asia Cup và SEA Games 2019 là những thành tích đáng khích lệ của đội tuyển Việt Nam. Trong bối cảnh sẽ trở thành nước đăng cai SEA Games 31, lời đề nghị của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam là điều dễ hiểu khi đội tuyển sẽ có thêm tới 4 tháng tập luyện, cọ xát và tranh tài cùng 7 đội bóng đang thi đấu ở cấp độ cao nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xuất hiện đội bóng thứ 8 sẽ phần nào ảnh hưởng tới lực lượng của 7 CLB còn lại. Làm rõ hơn về thắc mắc của Sport5, ông Trần Chu Sa cho biết điều đó cũng là một thách thức với giải đấu nhưng cũng phần nào giúp tăng tính hấp dẫn cho VBA 2021.
“Tôi tin rằng đối với NHM, VBA 2021 sẽ là mùa giải đặc biệt nhất khi khán giả được theo dõi 1 đội bóng tập hợp những anh tài của bóng rổ Việt Nam và nhiều khả năng là đội tuyển Quốc gia ở kỳ SEA Games 31 thi đấu mỗi tuần”, ông Trần Chu Sa chia sẻ cùng niềm hồ hởi.
“Bản thân tôi cũng vô cùng hào hứng khi nghĩ tới điều đó nhưng điều này đồng nghĩa công việc của chúng tôi trong năm tới sẽ có thêm nhiều nhiệm vụ khác. Một trong số đó chính là tìm thêm số lượng lớn cầu thủ gốc Việt tham gia giải đấu.
Hiện tại chúng ta cứ tạm gọi đội bóng thứ 8 là đội dự tuyển Quốc gia. Trong VBA 2021, lực lượng của đội bóng này sẽ không phải là những người sẽ tham dự các giải đấu quốc tế. Chúng tôi sẽ xây dựng theo hình thức 80-20, trong đó 80% sẽ là những thành viên có khả năng tham gia vào đội tuyển còn 20% là các vận động viên trẻ tiềm năng cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.
Với sự phân chia như trên, nhân lực tại 7 đội bóng còn lại ở VBA sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Cùng với đó, BTC cũng sớm bắt tay vào việc tìm kiếm và đưa về Việt Nam 1 số lượng lớn các cầu thủ gốc Việt để thi đấu và dự bị cho mùa giải 2021 tới đây.
Rút kinh nghiệm từ VBA 2020, BTC đã chủ động đưa về các VĐV gốc Việt sẵn sàng trở về Việt Nam thi đấu trong khoảng thời gian gần như là cả năm 2021. Khác với VBA 2020, các VĐV có tên trong danh sách Draft đều sẽ có mặt ở Việt Nam, điều này phần nào giúp số lượng cầu thủ gốc Việt không chỉ đủ mà còn dư so với số lượng các CLB yêu cầu”, ông Chu Sa cho biết.
Qua chia sẻ của ông Trần Chu Sa, có thể tạm hiểu rằng một số đội bóng có các cầu thủ từng góp mặt trong kỳ SEA Games 2019 vừa qua phần nào sẽ bị tổn thất về mặt lực lượng. Với hai đội bóng góp mặt ở vòng đấu cuối cùng, gần như chắc chắn Thang Long Warriors sẽ phải “nhường” Justin Young, Hoàng Thế Hiển và đôi khi là cả Đặng Thái Hưng cho đội dự tuyển Việt Nam và tương tự như vậy ở Saigon Heat với những cái tên quen thuộc như Christian Juzang, Phú Vinh, Minh An và Kim Bản.
Đó là cách đội bóng thứ 8 tại VBA 2021 ra đời. Thế nhưng đã bao giờ có một giải đấu chuyên nghiệp nào lại diễn ra điều tương tự như VBA? Chắc hẳn đó là suy nghĩ sẽ nảy ra với những người đọc bài viết này, bản thân phóng viên của Sport5 cũng đã chia sẻ với ông Trần Chu Sa suy nghĩ trên và nhận được lời giải thích thỏa đáng.
“Tôi hiểu những khúc mắc của bạn, bản thân tôi khi tiếp nhận ý tưởng này cũng vô cùng ngạc nhiên vì nó nằm ngoài suy nghĩ của các thành viên BTC. Tuy nhiên tiền lệ này đã được áp dụng trên thế giới, và đặc biệt là từng được áp dụng ở khu vực Đông Nam Á chúng ta”, ông Trần Chu Sa giải thích.
“Philippines từng áp dụng mô hình này từ năm 2008 với đội hình trẻ để chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia. Indonesia cũng mới đưa đội tuyển quốc gia vào thi đấu tại IBL trong năm 2020. Dĩ nhiên động thái này của họ là để chuẩn bị cho FIBA World Cup 2023. Tuy nhiên cũng không có lý do gì để họ không áp dụng điều đó và giành chiến thắng tại SEA Games 2021 tới đây.
Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng tới từ Indonesia và Thái Lan trong những năm qua, bản thân tôi và Liên đoàn đều cho rằng Việt Nam phải chuẩn bị tốt hơn và mạnh mẽ hơn nếu muốn giữ được thành quả đã đạt được trong năm 2019 cũng như kỳ vọng thay đổi màu huy chương và ước mơ gặt hái những thành tích cao hơn trong các giải đấu quốc tế ở khu vực và trên thế giới”, ông Trần Chu Sa nói thêm.
Ở năm thứ 3 đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của giải đấu, ông Trần Chu Sa đang đứng trước những thử thách không hề dễ dàng. Ngoài sự thay đổi cách thức vận hành của toàn mùa giải cùng sự xuất hiện của đội bóng thứ 8, vị giám đốc 35 tuổi này còn phải đau đầu tìm ra cách làm sao để mùa giải 2021 trở thành một giải đấu cạnh tranh nhằm giúp đội dự tuyển Việt Nam phát triển về chuyên môn và đồng thời giữ được tính cân bằng.
Đề cập tới vấn đề chênh lệch lực lượng nếu dồn các cầu thủ gốc Việt cũng như những nội binh tốt nhất cho đội dự tuyển, vị giám đốc điều hành cho biết một thay đổi khác sẽ giải quyết bài toán này.
“Để giải quyết vấn đề chênh lệch nhân lực và giúp giải đấu có tính cạnh tranh, chuyên môn cao hơn, tôi và các thành viên của VBA đều thống nhất với phương án tăng suất ngoại binh. Tại VBA 2021 tới đây, mỗi đội bóng sẽ có 2 cầu thủ ngoại binh, trừ đội dự tuyển Việt Nam.
Đây cũng là bản kế hoạch đã từng được chúng tôi đề cập từ mùa giải trước đó nhưng tới nay mới có cơ hội thực hiện. Với việc có 2 ngoại binh, chắc chắn sự cạnh tranh và tính chuyên môn của giải đấu sẽ tăng lên. Tuy nhiên cũng sẽ có giới hạn cho 7 đội bóng về việc tìm kiếm cầu thủ ngoại binh. Chúng tôi sẽ giới hạn về tổng chiều cao của 2 cầu thủ này để tránh trường hợp các đội bóng lấy về ‘2 tòa tháp’ và áp dụng lối chơi co cụm ở khu vực bảng rổ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều và hạn chế khả năng thi đấu của các VĐV nội binh”, ông Trần Chu Sa chia sẻ.
Qua buổi trò chuyện cùng ông Trần Chu Sa, có thể thấy VBA 2021 chắc chắn là mùa giải khắc nghiệt và cạnh tranh nhất từ trước tới nay. Trong 5 tháng tới đây từ 4-9/2021, NHM bóng rổ Việt Nam từ Bắc tới Nam sẽ được trải nghiệm bầu không khí cuồng nhiệt , sôi động nhất của VBA 6. Sự tham gia của đội dự tuyển Việt Nam cùng dàn cầu thủ ngoại binh và Việt kiều mới sẽ mang tới nhiều điều thú vị cho giải đấu.
Nhận định thêm về mùa giải 2021 trước khi kết thúc buổi trò chuyện, ông Trần Chu Sa tự tin cho biết đây sẽ là một mùa giải sôi động nhất từ trước tới nay và điều này sẽ giúp giải đấu cũng như đội tuyển Việt Nam không ngừng đi lên.
“Trong 2 mùa giải đảm nhiệm vị trí COO của giải đấu, tôi tự tin mình đã làm tốt nhiệm vụ được giao khi liên tục thay đổi và làm mới VBA. Và ở VBA 2021, để có thêm sự đột phá chúng ta cần có những cách làm vượt ngoài khuôn khổ, vươn ra khỏi lối suy nghĩ thông thường. Tôi tự tin mùa giải thứ 6 sẽ là cột mốc đáng nhớ, đánh dấu một giai đoạn khởi đầu về sự phát triển lớn mạnh của giải đấu”, vị giám đốc 35 tuổi tràn đầy năng lượng cho biết.